Việc tuyển sinh vào đại học (ĐH) từ năm 2025 sẽ được điều chỉnh ra sao để phù hợp với việc học và thi theo chương trình mới? Đại diện tuyển sinh các trường ĐH đã thông tin một số định hướng thay đổi phù hợp.
THAY ĐỔI VỀ TỔ HỢP XÉT TUYỂN
Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết từ năm 2025, trường dự kiến vẫn xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp trên cơ sở các môn do Bộ GD-ĐT quy định. Song song đó là xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do trường tự tổ chức, với tỷ lệ chỉ tiêu nhiều hơn so với hiện nay. Với kết quả kỳ thi tốt nghiệp, trường vẫn định hướng xét điểm trung bình tổ hợp 3 môn, trong đó 3 môn độc lập hoặc 2 môn gồm môn chính nhân hệ số 2. "Các môn cụ thể trường cần có thêm dữ liệu từ thực tế học sinh (HS) theo học các môn trong chương trình GDPT mới và kết quả thi riêng của trường để phân tích, đánh giá", thạc sĩ Quốc chia sẻ.
Nhận định chung về tuyển sinh ĐH, thạc sĩ Quốc cho rằng sẽ có thay đổi nhiều về tổ hợp xét tuyển khi có sự xuất hiện các môn mới trong Chương trình GDPT 2018. Các trường ĐH sẽ phải xây dựng phương án khớp với bối cảnh đào tạo của HS THPT hiện nay mới có thể tuyển được thí sinh phù hợp với trường, với ngành. Do đó, thạc sĩ Quốc khuyên HS an tâm với những lựa chọn môn học của bản thân ngay từ lớp 10.
Trường ĐH Nha Trang đã thành lập hội đồng và tổ nghiên cứu Chương trình GDPT 2018 và có kế hoạch xây dựng phương án tuyển sinh cho năm 2025 trở đi. Tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết phương hướng tuyển sinh của trường tiên quyết phải định hướng tốt cho HS trong việc lựa chọn môn học bậc THPT. Do đó, trường định hướng xây dựng tổ hợp xét tuyển gồm 2 môn bắt buộc của kỳ thi tốt nghiệp THPT cộng thêm 1 - 2 môn trong số các môn lựa chọn để phù hợp với ngành đào tạo cụ thể. Trong đó, các môn lựa chọn trường cân nhắc dựa trên thực tế số HS được theo học trong chương trình học bậc THPT trước đó.
KẾT HỢP NHIỀU TIÊU CHÍ
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng cho biết từ năm 2025 trường dự kiến giữ ổn định phương thức xét tuyển nhưng điều chỉnh tổ hợp xét cho phù hợp với chương trình GDPT 2018 và kỳ thi tốt nghiệp THPT. Như cách làm hiện nay, hầu hết các ngành học xét tuyển bằng 4 tổ hợp môn và mỗi tổ hợp chứa 3 môn. Nhưng từ 2025 trở đi, mỗi tổ hợp có thể vẫn gồm 3 môn nhưng số lượng tổ hợp được sử dụng xét tuyển từng ngành có thể sẽ ít hơn. Trong đó, tinh thần chung là ngoài 2 môn bắt buộc, các môn tự chọn sẽ được các trường cân nhắc đưa vào phù hợp với đặc thù đào tạo ngành học. Ví dụ, với nhóm ngành công nghệ kỹ thuật, ít nhất 2 môn học cần có trong tổ hợp xét sẽ gồm toán và lý.
"Cách thức tuyển sinh của trường ĐH không chỉ phục vụ việc tuyển chọn mà còn cần phù hợp với chương trình học và có độ phủ đủ rộng để tạo cơ hội tham gia xét tuyển cho người học. Do đó, các trường ĐH rất cần dữ liệu đầy đủ về tình hình HS đăng ký lựa chọn môn học trong chương trình mới để có cơ sở xây dựng phương thức xét phù hợp, đặc biệt trong xây dựng tổ hợp môn", tiến sĩ Nhân nói.
Từ năm 2022, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM sử dụng phương thức tuyển sinh mới và chủ đạo kết hợp nhiều tiêu chí: kết quả thi đánh giá năng lực, thi tốt nghiệp THPT, điểm học tập THPT và năng lực khác (chứng chỉ, giải thưởng). PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết đến năm 2025 trường dự kiến duy trì nguyên tắc xét tuyển này và chỉ điều chỉnh nhỏ phù hợp hơn với thực tế chương trình mới.
HẠN CHẾ "TỔ HỢP LẠ" ?
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho rằng phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 với 4 môn sẽ hạn chế tình trạng "cá biệt" hằng năm vẫn diễn ra với những khái niệm "tổ hợp lạ", "tổ hợp khác thường" làm hoang mang cho thí sinh.
Thạc sĩ Tư nhận định các trường ĐH cũng cần tinh chọn các tổ hợp theo phương án mới, đưa ra các giải pháp xây dựng quy trình tuyển sinh ĐH để phản ánh đúng năng lực và phẩm chất của HS, không chỉ dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Trong khi đó, tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng ĐH Đà Lạt, lại cho rằng dự kiến thi tốt nghiệp THPT có ít môn hơn, về mặt lợi ích, sẽ tốt hơn vì hiện nay quá nhiều tổ hợp môn nên rất rối. Nếu có thay đổi, theo tiến sĩ Duy, trường sẽ điều chỉnh tổ hợp môn cho phù hợp với phương án thi THPT, còn việc xét học bạ thì vẫn không thay đổi.
Với thạc sĩ Trần Hải Nam, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, trong vài năm gần đây tổ hợp môn xét tuyển không còn quá quan trọng trong việc quyết định kết quả tuyển sinh như những năm trước, vì các trường đều sử dụng nhiều phương thức xét tuyển như xét kết quả đánh giá năng lực, xét học bạ... "Vì thế, việc thay đổi môn thi sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến tuyển sinh của các trường ĐH".
Thí sinh chủ động trong lựa chọn nghề nghiệp từ sớm
Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho rằng nếu thí sinh thi tốt nghiệp 4 môn trong đó 2 môn bắt buộc là toán, văn và 2 môn tự chọn, thì ngoài việc giảm bớt áp lực, còn mang đến sự chủ động trong định hướng nghề nghiệp ngay từ đầu cho các em.
"Việc này tạo điều kiện cho HS tập trung thời gian cho các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Chẳng hạn, hầu hết các ngành học ở các trường đều có tổ hợp có môn tiếng Anh. Trong tình huống ngoại ngữ không phải là môn bắt buộc và em nào lúc đầu không chọn tiếng Anh để thi, sau này nếu muốn xét tuyển vào một ngành học có tổ hợp A hay A1 chẳng hạn, sẽ không còn nhiều cơ hội như khi tiếng Anh là môn bắt buộc. Chính vì thế, các em ngay từ đầu phải xác định rất rõ mục tiêu nghề nghiệp của mình khi chọn môn thi", tiến sĩ Tuấn nhận định.
Bình luận (0)