Trước nạn trộm lộng hành ở miền quê, ngoài việc chính quyền, công an vào cuộc, người dân cũng tự nghĩ ra nhiều giải pháp chống trộm nhằm bảo vệ tài sản.
Lực lượng an ninh xã Hà Mòn đi tuần tra ban đêm
- Ảnh: UBND xã Hà Mòn cung cấp |
Bức xúc trước nạn trộm chó lộng hành, nhiều hộ dân ở tổ 24C và 8A (KP.4, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) đã lập “Tổ phòng chống trộm chó”. Các tổ viên được quán triệt, hễ phát hiện, bắt được kẻ trộm chó thì lập tức giao công an xử lý chứ không được “tự xử”.
|
Để chống lại nạn mất cắp tiêu giống, người dân tại ấp Bàu Sen, xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc, Đồng Nai đối phó theo khả năng của mình. Nhiều hộ dựng chòi, đầu tư hàng rào kẽm gai, kéo điện về thắp sáng để túc trực canh rẫy suốt ngày đêm. Có nhà còn nuôi thật nhiều chó để... cùng chủ “canh” kẻ trộm.
Trong khi đó, ở xã Hoài Xuân (H.Hoài Nhơn, Bình Định) thì có mô hình chống trộm với tên gọi “Ánh sáng phòng chống tội phạm”. Theo ông Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng công an xã Hoài Xuân, người khởi xướng mô hình này là ông Lê Văn Hoàng (thôn Thái Lai, xã Hoài Xuân). “Từ khi lắp đặt hệ thống điện công cộng do nhà nước và dân cùng làm tại các đường nông thôn, nạn trộm đêm tại xã Hoài Xuân giảm hẳn”, ông Đạt cho biết.
Còn ở P.Đập Đá (TX.An Nhơn, Bình Định) có mô hình “Trong nhà có mõ, ngoài ngõ có đèn”, triển khai tại khu vực Mỹ Hòa. Chính quyền trích kinh phí phòng chống tội phạm hỗ trợ cho các hộ dân mua dây điện, bóng đèn thắp sáng trên 500 m đường làng cả đêm; mỗi hộ gia đình còn được cấp một chiếc mõ tre và quy định tín hiệu báo động mỗi khi có kẻ trộm.
Công an, chính quyền vào cuộc
Chiều 25.6, trao đổi với PV Thanh Niên, thượng tá Nguyễn Văn Thọ, Trưởng phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết Ban giám đốc Công an tỉnh đã nắm vụ việc trộm cắp trên địa bàn mà Báo Thanh Niên phản ánh.
Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các huyện khẩn trương tìm ra những kẻ cắt trộm dây tiêu giống của người dân; yêu cầu công an các địa phương tăng cường tuần tra kiểm soát địa bàn, để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ việc tương tự, giữ bình yên cho người dân.
Còn thượng tá Cao Xuân Hoa, Phó trưởng công an H.Xuân Lộc, nói: “Công an huyện đang mở đợt cao điểm tấn công tội phạm. Lực lượng được tổ chức tuần tra suốt đêm, mỗi xã phải cử 5 - 6 người tham gia. Không chỉ riêng ở xã Xuân Trường, nơi có nhiều vụ cắt trộm tiêu vừa qua, mà công an các xã khác phải phối hợp dân quân tuần tra chốt chặn cả ban ngày và đêm, không để các vụ việc phức tạp xảy ra”.
Ở cấp xã, ông Đặng Công Ngoan, Chủ tịch UBND xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc, chia sẻ: “Sau những vụ mất tiêu, xã chỉ đạo công an, dân phòng tăng cường tuần tra, nhất là vào ban đêm; đồng thời khuyến cáo người dân khi bị mất trộm phải báo ngay cho chính quyền để tổ chức truy tìm thủ phạm”.
Trưởng công an xã Hà Mòn, H.Đăk Hà (Kon Tum), ông Nguyễn Tiến Hà cho hay, những năm qua, xã tiến hành xây dựng mô hình “tiếng kẻng an ninh” chống trộm rất hiệu quả. Mỗi thôn tự bỏ tiền mua 1 - 2 cái kẻng. Vào ban đêm, khi đến 22 giờ, tiếng kẻng này đánh lên nhắc nhở bà con kiểm tra cổng ngõ, chốt cửa an toàn.
Thuê cả xe tải đi trộm trâu, bò
Gần đây, tại các huyện miền núi ở Thanh Hóa thường xuyên xảy ra các vụ trộm trâu, bò của đồng bào dân tộc vùng cao.
Trung tuần tháng 4.2015, tại H.Quan Hóa liên tiếp xảy ra mất trộm 4 con bò và 1 con trâu. Cơ quan CSĐT Công an H.Quan Hóa điều tra phát hiện số trâu, bò trên được nhốt tại nhà một thương lái ở H.Bá Thước (Thanh Hóa).
Từ lời khai của thương lái, Cơ quan CSĐT đã bắt giữ các nghi phạm là hai anh em ruột Lê Văn Yên (49 tuổi) và Lê Văn Thái (41 tuổi, cùng ngụ xã Đồng Lương, H.Lang Chánh, Thanh Hóa). Yên, Thái khai đã thuê hai xe ô tô tải, chạy từ H.Lang Chánh lên H.Quan Hóa rồi vào rừng bắt trộm trâu bò của người dân, chở xuống H.Bá Thước (Thanh Hóa) và các huyện miền xuôi bán lại cho các thương lái.
Ngọc Minh
|
Bình luận (0)