Là tỉnh có nhiều lợi thế phát triển du lịch, nhưng Bình Phước vẫn chưa phát huy đúng tiềm năng.
|
Thiên nhiên như “cô gái đang xuân”
Nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa Đông Nam bộ và Tây Nguyên, có đường biên giới dài 204km giáp với Campuchia, Bình Phước có nhiều tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn như Trảng Cỏ Bù Lạch, Vườn quốc gia Bù Gia Mập, rừng Tây Cát Tiên, núi Bà Rá, thác Mơ... Ngoài ra, còn nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như khu Căn cứ Quân ủy Bộ chỉ huy Miền Tà Thiết, kho xăng Lộc Quang, căn cứ cách mạng Sóc Bom Bo, Phú Riềng Đỏ - nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên. Bên cạnh đó, hơn 40 dân tộc cùng sinh sống trên bàn, có sự đa dạng về văn hóa…Với những đặc điểm trên, Bình Phước có thế mạnh để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái để chiêm ngưỡng thiên nhiên, du lịch về nguồn tìm hiểu lịch sử và đời sống văn hoá các dân tộc ở địa phương. Tuy nhiên, PGS TS Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng khoa Du lịch và Khách sạn trường ĐH Kinh tế Quốc Dân ví von: “Vẻ đẹp thiên nhiên của Bình Phước như nhan sắc một cô gái đang tuổi xuân thì”.
|
|
Thực tế, xác định vùng đất có tiềm năng phát triển du lịch, từ những ngày đầu tái lập tỉnh (tháng 1.1997), lãnh đạo Bình Phước đề ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư ngành du lịch. Tuy nhiên, hiện tại chỉ mới có Khu du lịch sinh thái Bà Rá- Thác Mơ và Khu du lịch sinh thái Mỹ Lệ đã hình thành, còn nhiều dự án đã được phê duyệt vẫn chưa có nhà đầu tư (Khu du lịch sinh thái lịch sử Tà Thiết, Khu du lịch vườn quốc gia Bù Gia Mập, khu du lịch và vui chơi giải trí cửa khẩu Hoa Lư, Khu bảo tồn văn hoá sóc Bom Bo, Khu vui chơi giải trí hồ suối Cam). Khách du lịch tìm về Bình Phước vẫn còn hạn chế.
Chăm chút để đẹp hơn
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, muốn phát triển du lịch, Bình Phước cần phải tập trung đầu tư vào các thế mạnh loại hình du lịch sinh thái, gắn với tìm hiểu đời sống văn hoá, bản sắc của các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Ngoài ra, Bình Phước cần phải bảo tồn được hệ sinh thái tự nhiên bao gồm hệ động thực vật hoang dã, cũng như phải bảo tồn và khuyến khích việc phát triển nét đẹp văn hoá truyền thống của các dân tộc.
Bà Võ Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại và Du lịch tỉnh Đồng Nai chia sẻ: “Sóc Bom bo là địa danh nổi tiếng cả nước. Nói đến Bình Phước thì nhiều người sẽ nghĩ đến Bom Bo, nghĩ đến một nét văn hoá của đồng bào dân tộc S’tiêng nơi đây. Thế nhưng, hiện nay khi đưa du khách đến đây, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng vì Bom Bo bây giờ thay đổi nhiều quá, không còn những khung cảnh như trong bài hát “tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Điều này khiến không ít du khách thất vọng khi đi tìm hiểu về địa danh lịch sử này. Nếu không được chăm chút đầu tư, thì một vài năm tới, Bom Bo sẽ mất đi thương hiệu của mình”. Cùng quan điểm trên, PGS TS Nguyễn Văn Mạnh nói thêm: “Tiềm năng du lịch của Bình Phước giống như nhan sắc một cô gái đang tuổi xuân thì, bản thân cô đã đẹp rồi, nhưng nếu được chăm chút, trang điểm thì vẻ đẹp của cô càng rực rỡ, tươi tắn lên. Ngược lại, nếu nhan sắc không được chăm chút thì lâu dần cũng sẽ bị mờ phai”.
|
Song song với việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên và giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, các đại biểu cũng cho rằng, muốn phát triển du lịch, Bình Phước phải xác định được đối tượng khách hàng của mình là ai, khi đó phải làm tốt công tác quảng bá, tiếp thị để các công ty du lịch và du khách nắm bắt được tiềm năng của địa phương…
Xuân Bình
Bình luận (0)