Du lịch cửa khẩu đường bộ chưa được quan tâm: Tiềm năng lớn từ khách láng giềng

21/03/2023 06:39 GMT+7

Xét về phương tiện vận chuyển của du lịch Việt Nam, đường bộ chỉ đứng sau hàng không, không hề thua kém du lịch tàu biển về lượng khách, tiềm năng và các hệ sinh thái sản phẩm.

Còn đâu thời hoàng kim?

Cuối năm 2007, Tổng cục Du lịch cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chuyến khảo sát tour du lịch đường bộ qua các nước nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây gồm: Việt Nam, Lào, Thái Lan và Campuchia. Chuyến khảo sát nhằm xem xét, đánh giá thực trạng, tiềm năng và khả năng kết nối các điểm du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây; hình thành sản phẩm du lịch đặc thù liên quốc gia và thống nhất các giải pháp khai thác hiệu quả tuyến du lịch. Sau đó, hàng loạt công ty du lịch cũng tổ chức đường tour, chương trình du lịch xuyên quốc gia, đón lượng khách lớn từ Thái Lan, Campuchia và Lào tới Việt Nam.

Du lịch cửa khẩu đường bộ chưa được quan tâm: Tiềm năng lớn từ khách láng giềng - Ảnh 1.

Làm thủ tục nhập cảnh từ Campuchia vào VN qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài

GIANG PHƯƠNG

Nhiều năm theo dõi và nghiên cứu thị phần này, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Vietnam TravelMart, nhớ lại việc hình thành hành lang kinh tế Đông - Tây, đặc biệt là khai trương cầu Hữa Nghị 2 ngày 19.12.2006 nối Mukdahan (Thái Lan) với Savannakhet (Lào) đã tạo điều kiện cho các địa phương trên tuyến từ Savannakhet đến Đà Nẵng có sự tăng trưởng mạnh mẽ về khách du lịch. 

Từ năm 2007 - 2010, lượng khách du lịch đến các tỉnh miền Trung Việt Nam trên tuyến này tăng đột biến. Năm 2007, chỉ tính 6 tháng đầu năm có khoảng 160.000 lượt khách đến Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo (tăng 40% so với cùng kỳ năm trước đó), lượng khách qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cả năm là 404.500 lượt người (gấp đôi năm 2006). Năm 2008, mặc dù phải gánh chịu những khó khăn từ khủng hoảng tài chính thế giới nhưng lượng xe ô tô xuất nhập qua cửa khẩu Lao Bảo vẫn là 56.000 lượt, bằng năm 2007; lượng du khách qua cửa khẩu Lao Bảo trong năm 2008 tăng 32.629 lượt người so năm 2007. 

Tại Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng, lượng du khách Thái Lan đến bằng đường bộ đã giúp nước này vươn lên vị trí số 1 trong tổng lượng khách quốc tế đến 2 địa phương này trong 2 năm 2007 - 2008.

"Việt Nam nằm trên tuyến Xuyên Á, nằm trên tuyến Đông - Tây, đều là các tuyến huyết mạch nên tiềm năng du lịch đường bộ rất lớn. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian 3 - 4 năm phát triển "nóng", từ năm 2011, lượng khách bắt đầu giảm dần. Các địa phương trên tuyến phía Việt Nam không còn ghi nhận Thái Lan là nguồn khách lớn nhất trong cơ cấu nguồn khách. Từ năm 2011 đến nay, nguồn khách đến bằng đường bộ qua hành lang kinh tế Đông - Tây chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, trừ Savannakhet và Quảng Trị. Nguồn khách đường bộ lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc giờ các tỉnh sát biên giới hầu hết người dân cũng đã đi sang Việt Nam. Họ đã quá quen thuộc với việc đi du lịch đường bộ nên không còn bùng lên mạnh mẽ như trước đây", ông Cao Trí Dũng tiếc nuối.

Ông T.H, giám đốc một công ty lữ hành tại TP.HCM, cũng cho rằng ngành du lịch Việt Nam thời gian qua đã bỏ quên tầm quan trọng của du lịch đường bộ. Sau khi kích hoạt được thị trường tuyến Đông - Tây, Việt Nam từng đề xuất phương án "5 quốc gia, 1 thị thực" cho cả Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam, nghĩa là khách chỉ dùng một thị thực là có thể đi đến tất cả 5 nước kể trên. 

Cho đến bây giờ, vẫn rất nhiều chuyên gia trong ngành kiên trì đề xuất cần tiếp tục theo đuổi để hiện thực hóa ý tưởng "một visa - nhiều điểm đến" trong Tiểu vùng CLMV (Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam) mà nước ta có vai trò quan trọng, song ngành du lịch ít ai còn nhắc tới. Ngược lại, ngay khi ý tưởng được Việt Nam đề xuất, lập tức Lào, Campuchia và Thái Lan chính thức hợp tác trao đổi du khách với nhau thông qua hình thức "2 quốc gia, 1 điểm đến", cho phép khách có thị thực vào Thái Lan là có thể vào Lào/Campuchia và ngược lại.

Đồng bộ từ hạ tầng tới khung chính sách

Theo ông T.H, bên cạnh các nguyên nhân khách quan về tốc độ phát triển ngành hàng không, xu hướng du lịch nhanh gọn, tiết kiệm thời gian thì có hai nguyên nhân dẫn đến việc du lịch đường bộ ngày càng èo uột. Thứ nhất do chính sách nhập cảnh còn nhiều bất cập, thứ hai là các sản phẩm đơn điệu, không có sự liên kết để thay đổi và làm mới. Cụ thể, thủ tục nhập cảnh Campuchia làm tại chỗ, dễ dàng và thoải mái, còn thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam phải xin trước. 

Từ Phnom Penh về cửa khẩu Bavet dài 160 km, xe chạy 3 giờ và 10 phút làm thủ tục. Từ Mộc Bài về tới TP.HCM, quãng đường bằng một nửa nhưng cũng chạy 3 giờ, còn thêm làm thủ tục nhập cảnh mất thời gian. Cửa khẩu thì thiết kế kín, có thời điểm hàng trăm du khách phải chen chúc chờ đợi rất mệt mỏi. Nếu khách "ngán" khâu chờ đợi thủ tục thì phương tiện di chuyển cũng gặp nhiều trở ngại.Xe đoàn làm thủ tục tạm nhập, tái xuất phải đáp ứng nhiều điều kiện, làm đủ loại giấy tờ mới được thông quan. Với xe cá nhân đi theo dòng tour caravan thì còn nhiêu khê hơn. Đặc biệt là trường hợp xe nghịch chiều từ Thái Lan qua Việt Nam thì còn phải xin tới Bộ GTVT.

Cửa khẩu phía nam giữa Thái Lan và Malaysia, khách qua lại rất tấp nập. Cửa khẩu đường bộ giữa Thái Lan và Lào cũng vậy. Nhìn xa hơn, du khách đến châu Âu có thể thoải mái đi lại bằng đường bộ giữa các nước với nhau, cửa khẩu thậm chí không có cả barie. Trong khi VN gần như chỉ có hệ thống cửa khẩu với Trung Quốc là nhộn nhịp, còn lại hầu hết các cửa khẩu với Lào, Campuchia đều chưa quá sôi động. Trong khi xét về phương tiện vận chuyển của du lịch, đường bộ chỉ đứng sau hàng không về tầm quan trọng và mức độ thu hút khách. Du lịch đường bộ không hề thua tàu biển về lượng khách, tiềm năng và các hệ sinh thái sản phẩm. Từ góc tiếp cận như vậy, cần nhanh chóng xây dựng chiến lược tổng thể quốc gia để phát triển du lịch đường bộ.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Vietnam TravelMart

"Chưa kể, doanh nghiệp lên chương trình tới đâu thì đưa khách tới đó, không có địa phương nào chịu đứng ra liên kết, xúc tiến các chương trình tour, tuyến để sản phẩm hấp dẫn hơn, bài bản hơn. Dòng khách này vốn gom đã khó nên doanh nghiệp nào cũng "ngán", khó duy trì", ông T.H nói.

Dưới góc độ thị trường, ông Cao Trí Dũng đánh giá mô hình và cấu trúc khách du lịch hiện nay đã thay đổi rất nhiều. Trước đây, khách đi theo đoàn nhiều, các công ty lữ hành là đầu mối đứng ra lo "từ A đến Z", nhưng giờ xu hướng du lịch đi lẻ, đi theo nhóm nhỏ gia đình, bạn bè ngày càng gia tăng. Nếu không còn ai "lo" tất cả những vấn đề thủ tục, bất cập thì họ sẽ chuyển đổi sang loại hình du lịch khác. Do đó, khung pháp lý cũng cần phải thay đổi thì mới mong mở rộng được nguồn khách.

Theo ông Dũng, để phát triển du lịch đường bộ bền vững phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng đường bộ, các cửa khẩu, hệ thống đường sá giữa các bên cùng chính sách đi kèm. Muốn khách từ các nước thứ ba, đơn cử từ châu Âu vào Bangkok (Thái Lan), có thể đi đường bộ qua Lào vào Việt Nam thì các tuyến đường phải thông thương và có mạng lưới cao tốc đồng bộ. Thực tế, các tuyến đường từ Lào qua Việt Nam hiện nay, chỉ có một vài tuyến còn sử dụng được, còn lại đường đã xa còn xuống cấp, xấu. Từ Phnom Penh qua cửa khẩu Mộc Bài vào TP.HCM đường đẹp hơn nhưng nguồn khách cũng đã cũ. 

"Khi đã có hạ tầng giao thông thì mới xây dựng khung pháp lý cho du lịch đường bộ. Đơn cử, xe tay lái nghịch thì xử lý thế nào, khách mang quốc tịch thứ ba vào thì chế độ 1 visa ASEAN ra sao, mình được đón xe từ bên họ không… Phải tháo gỡ, khơi thông, đẩy mạnh những nút thắt này thông qua khung pháp lý liên quan đến phương tiện vận chuyển đường bộ và các hiệp định trong khối ASEAN. Ít nhất là Việt Nam - Lào - Campuchia cùng một số nước Đông Nam Á triển khai được hệ thống đường bộ liên thông như các nước châu Âu", ông Dũng đề xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.