Mới đây, Đà Lạt (Lâm Đồng) đã tạm đóng cửa du lịch mạo hiểm tại thác Datanla sau sự cố một du khách Hàn Quốc chết khi nhảy thác. Trước đó, cũng tại Lâm Đồng, nhiều du khách thiệt mạng khi đang trong hành trình du lịch mạo hiểm. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sức hấp dẫn của những tour không dành cho người “yếu tim” này.
Trải nghiệm cảm giác mạnh…
Nguyễn Vân Ly (27 tuổi), sống tại Hà Nội, biên tập viên Tạp chí du lịch Wanderlust Tips, từng tham gia trượt zipline tại Huế, nơi được mệnh danh là đường trượt zipline tự do dài nhất châu Á. Mới đây, cô tham gia nhảy thác và trượt thác Aling-Aling tại Indonesia, đồng thời chơi đu ở vị trí cực cao và xa, văng ra ngoài không trung trên đảo Bali.
Theo Vân Ly, trước khi chơi, cô đã lắng nghe kỹ hướng dẫn của hướng dẫn viên du lịch và nhân viên tại thác về cách nhảy, trượt, tiếp nước chuẩn để đảm bảo an toàn.
Còn Lê Phương Nam, sinh viên Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, người hai lần tham gia hành trình đi bộ xuyên rừng Tà Năng - Phan Dũng, cho biết dù có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra cho người từng đi bộ xuyên rừng trên hành trình này, nhưng cung đường được mệnh danh “xuyên rừng đẹp nhất VN” quá hấp dẫn khiến anh đi và trở lại. “Được chạm tới ngôi sao vàng lấp lánh trên đỉnh tháp cột mốc giáp ranh 3 tỉnh Lâm Đồng - Bình Thuận - Ninh Thuận sau nhiều ngày băng rừng, lội suối là khoảnh khắc nhiều người trẻ khao khát”, anh Nam nói.
... Nhưng đừng liều mạng
Anh Trương Quan Mỹ, 34 tuổi, người dân sinh sống tại TP.Đà Lạt, Lâm Đồng, cho hay theo cá nhân anh, nhiều bạn trẻ tử nạn trong các hành trình du lịch mạo hiểm do thiếu kỹ năng sinh tồn, quá ảo tưởng vào bản thân, đi nhưng chưa chuẩn bị kỹ lưỡng. “Tôi xem clip cô gái bị nước cuốn trôi khi vượt suối ở Tà Năng năm 2017 thì hết sức bức xúc. Các bạn trẻ lội suối mà mạnh ai nấy đi, thiếu tinh thần đoàn kết tập thể. Lẽ ra nên đi theo hàng, bám nhau qua những cây gậy, hai bạn nam đi đầu và cuối để ổn định đội hình thì có lẽ không xảy ra tai nạn thương tâm như vậy”.
Lê Phương Nam đúc kết: “Trước các chuyến du lịch mạo hiểm, như đi bộ xuyên rừng, ngoài việc chuẩn bị kỹ sức khỏe, tinh thần và vật dụng cần thiết như: áo ấm, túi ngủ, gậy, thuốc men, đèn pin, còi, áo màu sắc rực rỡ như màu cam, đỏ… (phòng lúc bị lạc trong rừng có thể gây chú ý), bạn trẻ cần nhớ tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của trưởng nhóm, không tách đoàn, không làm việc riêng”.
“Đi bộ xuyên rừng là du lịch mạo hiểm giữa thiên nhiên, không phải trò chơi mạo hiểm nhân tạo. Do đó, không phải khi cứ gặp sự cố sẽ có nhân viên cứu hộ. Bạn trẻ nên chuẩn bị kỹ năng sinh tồn thật tốt để bảo vệ chính mình”, Nam nhấn mạnh.
Nguyễn Vân Ly cho hay để đảm bảo an toàn tối đa cho bản thân khi tham gia du lịch mạo hiểm, trước tiên cần lựa chọn công ty du lịch uy tín. Sau đó, thay vì phó mặc hết cho các công ty, bản thân mỗi người trẻ trước tiên phải biết bảo vệ mình. Ví dụ, chưa có kinh nghiệm thì nên tìm đọc các thông tin trước về điểm đến, cần lưu ý điều gì, kinh nghiệm của những người đi trước. Nếu không thành thạo ngoại ngữ, bạn nên yêu cầu hướng dẫn viên phiên dịch kỹ lưỡng, hỏi ngay những điều còn chưa rõ.
“Mỗi người nên tự lượng sức mình. Những tour du lịch mạo hiểm chỉ đảm bảo điều kiện an toàn cho người bình thường. Họ cũng chỉ khuyến cáo những trường hợp không đủ khả năng. Thế nên mình là người hiểu rõ bản thân mình nhất, đừng tham gia nếu cảm thấy không đủ tự tin. Như mình sau khi nhảy thác ở mức 10 m cũng dừng lại mà không tiếp tục tiến lên mức 15 m.
Bình luận (0)