Du lịch miền Bắc vực dậy sau bão lũ

17/09/2024 06:20 GMT+7

Hứng chịu những thiệt hại nặng nề, nhưng các doanh nghiệp đã dốc sức khẩn trương khắc phục hậu quả, góp phần cùng địa phương sớm mở cửa du lịch trở lại sau bão lũ.

Khắc phục thần tốc, đón khách trở lại

"Chúng tôi có 2 tàu bị hư hỏng, đã kịp sửa nhanh chóng để đón khách từ hôm 13.9. Một tàu hư hại nhiều hơn do nằm ở cuối hàng bị nhiều tàu khác đâm vào, cũng đã hoàn thiện sửa chữa để kịp đón khách từ hôm nay", ông Phạm Hà, CEO Lux Group, chia sẻ với Thanh Niên chiều qua (16.9).

Là đơn vị hoạt động tàu du lịch tại Hạ Long (Quảng Ninh), Lan Hạ và Cát Bà (Hải Phòng), Lux Group hứng chịu tổn thất rất nặng sau khi bão số 3 đi qua. Công ty có 2 ca nô là Heritage Express và Speedboat bị chìm do sóng lớn, đã được trục vớt để đưa về bến Tuần Châu (Quảng Ninh) sửa chữa. Khu vực nhà chờ của khách tại bến bị bão càn quét phải sửa lại toàn bộ. Ước tính sơ bộ thiệt hại từ cơ sở vật chất và hơn 10 ngày ngưng hoạt động của công ty là khoảng 5 tỉ đồng. 

"May mắn nhất là chúng tôi không bị thiệt hại về người nên qua bão là sẵn sàng sửa chữa, phục hồi hoạt động ngay được. Các đoàn khách lùi lịch hoặc hủy chuyến giờ đã trở lại, cùng với nhiều đơn vị hư hỏng tàu nặng hơn gửi khách lại cho Lux Group nên tàu nào cũng kín khách. Sắp tới tháng 10 là mùa cao điểm khách inbound, du khách quốc tế sẽ trở lại đông, nên chúng tôi cùng địa phương bằng mọi cách phải khắc phục các thiệt hại thật nhanh để phục vụ khách", ông Phạm Hà nói.

Du lịch miền Bắc vực dậy sau bão lũ- Ảnh 1.

Ngay trong ngày đầu tiên mở cửa trở lại, Sun World Fansipan Legend đã đón hàng trăm du khách đến tham quan, trải nghiệm

ẢNH: N.A

Quảng Ninh và Hải Phòng là 2 địa phương đầu tiên hứng cơn cuồng nộ của bão số 3 (Yagi), nên sau khi bão đi qua, hàng loạt điểm đến, khu du lịch chỉ còn lại cảnh hoang tàn. Thế nhưng chỉ sau vài ngày, các điểm đến như đảo Tuần Châu, Bãi Cháy và Sun World Hạ Long đã tích cực hoàn thiện sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất để vận hành trở lại. Theo chia sẻ của lãnh đạo Sun World Ha Long, khu du lịch này dự kiến sẽ mở cửa đón khách vào giữa tháng 10... Các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng như Oakwood Ha Long và Yoko Onsen Quang Hanh đã hoàn tất sửa chữa, phục hồi chất lượng dịch vụ và cảnh quan, sẵn sàng đón khách ngay trong tháng 9. Ngoài ra, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long và Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cũng mở cửa vận hành trở lại, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách, đặc biệt là khách quốc tế trong mùa cao điểm tới.

Đau thương, thảm khốc sau bão Yagi: Thiệt hại khoảng 40.000 tỉ, GDP có thể giảm 0,15%

Tương tự, Sa Pa (Lào Cai), điểm đến du lịch nổi tiếng tại miền Bắc, cũng đã nhanh chóng phục hồi sau những tác động do hoàn lưu bão số 3 và chào đón du khách trở lại. May mắn ít bị ảnh hưởng hơn so với các khu vực khác tại Lào Cai, TX.Sa Pa tập trung khắc phục cơ sở vật chất, đường sá, giao thông bị hư hỏng sau bão lũ. Ngày 13.9, đánh giá tình hình thời tiết đã ổn định, hệ thống giao thông và cơ sở vật chất phục vụ du lịch đảm bảo an toàn, UBND TX.Sa Pa quyết định mở lại các điểm du lịch trên địa bàn. 

Tiên phong mở cửa đón khách vào ngày 13.9, khu du lịch Sun World Fansipan Legend đã chào đón những vị khách đầu tiên đến tham quan và trải nghiệm bản Mây, cáp treo ngắm cảnh và quần thể tâm linh, cột cờ Fansipan. Ngay trong ngày đầu tiên mở cửa trở lại, khu du lịch đã đón tiếp hàng trăm du khách, trong đó đáng mừng là không chỉ du khách nội địa mà còn có nhiều vị khách quốc tế đến từ Đông Nam Á, Ấn Độ, Đài Loan...

Ngoài Sun World Fansipan Legend, các điểm đến khác như Thác Bạc, Vườn đá Tả Phìn, Thung lũng xanh, Vườn hồng mộng mơ, Suối vàng - Thác tình yêu, Hàm Rồng và Cát Cát cũng lần lượt mở cửa lại từ 14.9.

Tại Yên Bái, thời tiết đã nắng ráo trở lại. Các thửa ruộng bậc thang tại Mù Cang Chải và Tú Lệ đã bắt đầu ngả vàng. Đường vào các điểm quanh khu vực này di chuyển thuận tiện, bao gồm đèo Khau Phạ. Một số tuyến từ miền xuôi có điểm sạt lở đang được chính quyền khắc phục. Theo hướng dẫn của Sở GTVT Yên Bái, các phương tiện lưu thông từ TP.Yên Bái tới TX.Nghĩa Lộ và các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải (các huyện và thị xã thuộc miền Tây của tỉnh) theo QL37 và ngược lại. Từ Hà Nội, du khách được khuyến cáo lưu thông theo QL32, các tuyến đường khác có nhiều điểm sạt lở.

Du lịch miền Bắc vực dậy sau bão lũ- Ảnh 2.

Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đón khách trở lại sau bão số 3

ẢNH: N.A

Dồn lực thông đường, sửa cầu

Để mở đường cho các hoạt động du lịch khôi phục trở lại nhanh chóng, ngành giao thông cũng đã nỗ lực khắc phục những thiệt hại trên các tuyến đường bộ, đường sắt. Tại Quảng Ninh, tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái sau cơn bão bị rớt đường dây điện, tốc mái tôn một số trạm thu phí..., nhưng ngay chiều 7.9, đơn vị vận hành tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đã nhanh chóng phong tỏa đoạn đường khó lưu thông. Ngay trong đêm, sự cố đã được khắc phục và tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn hoạt động trở lại.

Theo Cục Đường bộ VN, tính đến tối 14.9, có 4.177 vị trí đoạn đường bị thiệt hại và ảnh hưởng sau cơn càn quét của bão số 3. Trong đó, có 3.924 vị trí bị thiệt hại do sạt lở đất, sụt nền đường, đứt đường và hư hỏng cầu cống; 253 vị trí mặt đường bị ngập nước; sập đổ 2 nhịp cầu Phong Châu; dừng khai thác 4 cầu khác trên quốc lộ để bảo đảm an toàn trong điều kiện nước dâng cao, chảy xiết; hàng trăm biển báo hiệu đường bộ bị gãy, đổ và các hư hại khác cần được sửa chữa, thay thế.

Với tinh thần huy động tổng lực để bảo đảm giao thông, đến tối 14.9 ngành đường bộ đã khắc phục được 555 vị trí, còn 12 vị trí chưa thông do sạt lở khối lượng lớn, địa hình khó khăn trong việc đưa máy móc vào thi công.

Thủ tướng chỉ đạo xây mới cầu Phong Châu kiên cố

Riêng địa bàn tỉnh Lào Cai là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 với tổng số 58 vị trí sạt, trượt trên các quốc lộ gây ách tắc giao thông, các lực lượng quản lý đường bộ đã chủ động, khẩn trương xử lý các vị trí sạt lở ngay khi xảy ra. Tính đến 15 giờ ngày 14.9, đã khắc phục thông xe được 55 vị trí (cơ bản đảm bảo giao thông trên các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh). Còn 3 vị trí sạt lở taluy dương, đứt đường và taluy âm tại nhiều điểm, điều kiện địa chất phức tạp, nước ngầm lớn và khối lượng lớn, Cục Đường bộ VN đã chỉ đạo các đơn vị liên quan huy động máy móc, thiết bị tập trung xử lý các vị trí sạt lở còn lại, phấn đấu thông xe từ 16.9.

Các địa phương khác như Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng còn một số điểm bị tắc nhưng do tính chất phức tạp về địa hình, địa chất, dự kiến thông đường trước 30.9.

Ngoài ra, còn 7 điểm nước ngập sâu chưa thể thông xe như: Hà Nam có 3 vị trí trên QL1, tuyến tránh TP.Phủ Lý; Ninh Bình 1 vị trí trên QL38B; Phú Thọ 1 vị trí trên QL2D; Thanh Hóa còn 2 vị trí trên QL217. Các vị trí này chưa xác định được thời gian thông xe vì ngập lụt cả khu vực.

Về đường sắt, Tổng công ty Đường sắt VN cho biết khu vực các tỉnh phía bắc và Bắc Trung bộ có mưa to đến rất to, gió lớn đã làm hư hỏng kết cấu hạ tầng đường sắt trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM và các tuyến đường sắt phía bắc. Ngành đường sắt đang tập trung nhân lực, vật tư, thiết bị, khẩn trương khắc phục hậu quả, đảm bảo thông đường trong thời gian nhanh nhất.

Là đơn vị đầu tiên mở cửa trở lại đón du khách, chúng tôi muốn truyền đi thông điệp về sự lạc quan, tinh thần mạnh mẽ, vượt khó tiến lên của Sa Pa nói riêng và Lào Cai nói chung. Sau cơn mưa trời lại sáng, chúng tôi tin rằng với sự đoàn kết, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và chính quyền địa phương, cùng sự nỗ lực làm mới sản phẩm dịch vụ của các điểm đến, du khách trong và ngoài nước sẽ quay trở lại, du lịch Sa Pa sẽ sớm khởi sắc trở lại.

Ông Nguyễn Anh Vũ, Phó giám đốc Sun World Fansipan Legend

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.