Ngành du lịch VN đề xuất thu thêm 1 USD/đêm/du khách quốc tế để kiếm tiền bổ sung cho các hoạt động xúc tiến quảng bá.
|
Thông tin này được ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhắc đi nhắc lại nhiều lần tại Hội nghị doanh nghiệp du lịch 2013 vừa tổ chức tại Hà Nội. Theo ông Tuấn, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp phát triển du lịch giai đoạn 2013 - 2020, trong phần chính sách tạo nguồn lực cho du lịch có đề cập đến cơ chế thu 1 USD/đêm/khách du lịch quốc tế. Đây là nguồn thu bổ sung vào Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch phục vụ cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch VN mà dự thảo đề xuất thành lập.
“Chẳng biết giải thích với khách thế nào”
Nếu thu 1 USD/đêm/du khách quốc tế, với lượng khách quốc tế đến VN trong năm 2013 dự kiến đạt 7,2 triệu lượt, trung bình 1 khách lưu trú 3 đêm thì có thể thu được hơn 21 triệu USD/năm (420 tỉ đồng), lớn hơn rất nhiều lần so với kinh phí hằng năm nhà nước cấp cho ngành du lịch làm xúc tiến quảng bá. Cụ thể, trước 2011, trung bình mỗi năm khoảng 50 tỉ đồng, từ năm 2012 tới nay, kinh phí cắt giảm còn 30 tỉ đồng. Một chuyên gia du lịch cho rằng, có lẽ vì tiền làm quảng bá xúc tiến nhà nước cấp cho quá ít, nên mới có “tối kiến” tận thu của du khách quốc tế như nói trên.
Ông Trần Vĩnh Lộc, Giám đốc Công ty du lịch Lạc Hồng Voyages, khẳng định thu 1 USD của khách quốc tế là vô lý. “Nếu cơ chế này được thực hiện, chúng tôi chẳng biết phải giải thích với khách như thế nào để thuyết phục họ chi trả thêm 1 USD. Nhiệm vụ quảng bá xúc tiến là của nhà nước, chứ không phải của du khách. Các công ty du lịch, khách sạn khi kinh doanh đã thu tiền của du khách và đóng thuế cho nhà nước, nhà nước sẽ trích một phần ngân sách này để cấp cho ngành du lịch thực hiện các kế hoạch tái đầu tư, xúc tiến, quảng bá. Vậy, tại sao lại đẩy trách nhiệm đó cho du khách?”, ông Lộc bức xúc.
Theo ông Lộc, du khách quốc tế đến VN có số đêm lưu trú rất thấp so với các nước trong khu vực, trung bình 3 đêm, trong khi ở Thái Lan lên tới 5 đêm, chưa nói đến việc tỷ lệ khách quay lại VN cũng rất thấp (30%), thì phải tìm mọi cách đẩy số đêm lưu trú lên thêm và kéo khách quay lại. Đằng này, thu 1 USD chẳng khác nào tạo ra rào cản để khách không chọn VN làm điểm đến.
Không giống ai
Ông Bùi Cao Sơn, chuyên gia về du lịch, cho rằng Tổng cục Du lịch đưa vấn đề thu 1 USD ra hội nghị có rất đông doanh nghiệp du lịch tham gia nhưng lại không thể giải thích rõ việc thu tiền sẽ được thực hiện, sử dụng ra sao, đơn vị nào quản lý nguồn tiền, ai giám sát... Còn nếu dùng cho xúc tiến quảng bá thì kế hoạch như thế nào? “Như vậy là mù mờ, thiếu minh bạch!”, ông Sơn phát biểu.
Cơ chế thu 1 USD cũng không nhận được sự ủng hộ của người nước ngoài. Chuyên gia du lịch người Singapore, ông Robert Tan, cho biết việc cơ quan quản lý nói thiếu hụt ngân sách để có cớ thu tiền 1 USD của du khách quốc tế là một vòng luẩn quẩn, theo kiểu “con gà và quả trứng”. Việc thu thêm 1 USD có khiến doanh nghiệp giảm lãi, thậm chí chịu lỗ để giữ nguồn khách? Có khiến sản phẩm du lịch VN giảm cạnh tranh so với các quốc gia khác trong khu vực? Tất cả những rủi ro này đều có thể xảy ra, vì trong cạnh tranh du lịch hiện nay, 1 USD đã là không nhỏ. Ví dụ 1 đoàn khách 20 người, đến VN ở 7 đêm, thì "cơ chế 1 USD" đã khiến cho giá tour tăng thêm 140 USD. Chưa kể, cơ chế thu 1 USD đối với khách quốc tế là có ý phân biệt đối xử giữa khách nước ngoài và trong nước. Trong khi cả thế giới đang kinh doanh du lịch không phân biệt đối xử, thì việc VN áp dụng sẽ rất phản cảm.
Tổng cục Du lịch thường xuyên so bì kinh phí quảng bá, xúc tiến của VN với các nước trong khu vực quá ít ỏi nhưng trên thực tế, khoản kinh phí này vẫn được sử dụng một cách dàn trải, phân tán ở nhiều thị trường chứ không tập trung. Cách thức quảng bá cũng lạc hậu, không theo kịp các hình thức quảng bá hiện đại, đặc biệt là mạng xã hội. Nay thu thêm 1 USD/đêm/du khách quốc tế, chưa biết xúc tiến thế nào nhưng trước mắt, đã làm hình ảnh du lịch VN thêm phản cảm.
Thái Lan phải hoãn kế hoạch thu phí Hồi tháng 10, Bộ Y tế - Thể thao -Du lịch Thái Lan đưa ra kế hoạch thu phí nhập cảnh đối với khách nước ngoài từ đầu năm 2014. Theo đó, khách du lịch vào Thái Lan theo đường hàng không phải đóng 500 baht (350.000 đồng) và đường bộ là 30 baht (21.000 đồng)/ngày. Bộ này nêu lý do là cần tạo nguồn quỹ cho các dịch vụ công cộng đặc biệt là về y tế. Tuy nhiên, kế hoạch trên bị giới làm du lịch phản đối mạnh mẽ và Hiệp hội Du lịch Thái Lan cho rằng việc thu phí sẽ ảnh hưởng xấu đến lượng du khách vào nước này. Vì thế, kế hoạch trên đã bị hoãn lại. Minh Quang |
Không lạ gì chuyện tận thu Việc tận thu từ du khách quốc tế không lạ ở nước ta. Trong năm này, hầu hết các điểm tham quan đều tăng giá vé. Vào đầu năm, phí thị thực cũng tăng lên gấp đôi, từ 25 lên 45 USD. Nhưng, việc tăng giá sốc nhất cho đến nay phải kể tới vụ “bán bia kèm mồi” ở vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, khi tỉnh Quảng Ninh không chỉ tăng phí tham quan mà còn “sáng tạo” thêm phí ngủ đêm. Cụ thể, kể từ ngày 1.1.2014, khách có nhu cầu ngủ đêm trên tàu không chỉ phải chi trả tiền thuê phòng mà còn có tiền ngủ đêm. Cụ thể, đối với phí ngủ đêm trên vịnh Hạ Long là 200.000 đồng/khách/đêm; ngủ hai đêm trả 350.000 đồng/khách; ngủ 3 đêm trả 400.000 đồng/khách. Đối với phí ngủ đêm trên vịnh Bái Tử Long có giá 150.000 đồng/khách/đêm, hai đêm giá 300.000 đồng/khách, ba đêm giá 350.000 đồng/khách. Như vậy có cả thảy 3 loại chi phí cơ bản phải trả nếu khách tham quan vịnh kết hợp ngủ đêm: vé tham quan, tiền thuê phòng và tiền ngủ đêm. Ông Bùi Cao Sơn đặt vấn đề, tỉnh Quảng Ninh liên tục tăng phí tham quan vịnh Hạ Long trong thời gian qua, nhưng chất lượng điểm đến này hầu như không có gì thay đổi, chưa nói ngày càng xuống cấp. Cơ sở vật chất không được tu bổ, nhà vệ sinh dơ bẩn, nhiều điểm tham quan trên vịnh ô nhiễm… Tính trung bình, tỉnh này thu mỗi du khách quốc tế 28 USD. Năm 2013, có khoảng 3 triệu khách quốc tế tham quan vịnh Hạ Long, số tiền thu được lên tới 84 triệu USD, chưa kể khách trong nước. Vậy số tiền này đã sử dụng cho những mục đích gì mà vịnh Hạ Long ngày càng xấu đi? N.T.T |
N.Trần Tâm
>> Vụ kẻ trộm bị buộc... đi du lịch: Khởi tố bị can
>> Quảng bá du lịch Việt Nam yếu kém hơn Lào, Campuchia
>> Vụ công ty du lịch bị tước giấy phép lại được... tôn vinh: Ban tổ chức nhận lỗi, rút giải thưởng
>> Sẽ rút lại giải thưởng đối với 'công ty du lịch bỏ rơi khách
>> Hàng ngàn công ty du lịch “chui”
>> Du lịch tâm linh không phải để cướp ấn
Bình luận (0)