Du lịch tàu hỏa lên ngôi

05/05/2024 07:12 GMT+7

"Ra đi, tới đèo rồi", "Lại vào hầm", "Biển kìa, đẹp quá!", "Hoa gì mà phủ trắng cả sườn núi thế kia"... Khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp khi con tàu lướt qua đèo Hải Vân đã kéo các vị khách chung khoang tàu lại gần nhau.

Khi tàu chầm chậm bò lên đèo Hải Vân cũng là lúc câu hát "Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi" trong bài Tàu anh qua núi của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa vút lên. Một trong những vị khách đã chuẩn bị sẵn bài nhạc dành cho đoạn này. Họ chìm trong bầu không gian trữ tình bất ngờ trên hành trình từ Nam ra Bắc của mình.

Rất đông du khách ở Đà Nẵng lựa chọn tàu hỏa cho hành trình tới Huế

Rất đông du khách ở Đà Nẵng lựa chọn tàu hỏa cho hành trình tới Huế

ảnh: Hà Mai

Tất cả các chuyến tàu trên hành trình từ Nam ra Bắc trong buổi tối đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5 đều kín chỗ cả hơn 10 khoang, mở ra một mùa lễ bội thu cho ngành đường sắt.

Kỳ nghỉ lễ đầy bất ngờ trên chuyến tàu siêu xịn mới khai trương

Tàu hỏa không còn là lựa chọn cuối cùng

Tối thứ sáu (26.4), ga Sài Gòn chật kín hành khách. Hàng dài hành khách xếp hàng chờ vào cửa ra tàu. Khu vực ghế chờ không còn chỗ trống. Có hành khách chỉ đi một mình với chiếc ba lô gọn gàng trên vai; lại có những gia đình 3 - 4 người lỉnh kỉnh 4 - 5 chiếc va li, túi xách. Có những nhóm bạn gần chục người tụ lại cười nói vui vẻ; cũng có đoàn khách quốc tế, nhìn qua có thể đoán được là "tây ba lô", thận trọng dò lại từng thông tin trên vé, dường như là lần đầu tiên chọn đi tàu cho hành trình du lịch tại VN.

“Toa tàu khách sạn” được đưa vào khai thác mở lối cho đường sắt chinh phục phân khúc khách du lịch cao cấp

“Toa tàu khách sạn” được đưa vào khai thác mở lối cho đường sắt chinh phục phân khúc khách du lịch cao cấp

Ảnh: VNR

Trên giường của mình tại khoang tàu số 6, đoàn tàu SE2, cô Trần Quế Thanh (56 tuổi, quê ở Nam Định) cẩn thận xếp gọn va li dưới gầm giường, đặt chiếc ba lô ngay ngắn dưới chân. Vừa treo túi đựng 5 chai nước suối lên chiếc móc giữa giường nằm, cô vừa bảo: "Lần đầu tiên đi tàu nên không biết có được phát nước hay không, cứ mua trước cho chắc. Hoa quả cũng chuẩn bị đây cả rồi". Hai lần trước vào trông cháu ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM, lần nào con gái cô cũng mua vé máy bay cho mẹ. Tuy nhiên, lần này do bị đau lưng, không ngồi lâu được nên cô Thanh thử đi tàu hỏa vé giường nằm.

"Đi máy bay thì nhanh hơn nhưng cả hành trình chỉ có ngồi. Ra sân bay ngồi chờ hàng tiếng đồng hồ, có lần bay trễ phải ngồi tới 2 tiếng. Ngồi 2 tiếng bay tới Hà Nội rồi lại phải ngồi xe từ sân bay Nội Bài về tới nhà hơn 2 tiếng nữa. Cả chục tiếng cứ đứng lại ngồi như vậy, lưng đau chịu không nổi. Đi tàu hỏa tuy lâu hơn nhưng được cái có giường nằm. Thỉnh thoảng mỏi gối có thể ra hành lang đi đi lại lại. Chỉ sợ tối không ngủ được thì cũng hơi mệt", cô Thanh rủ rỉ chuyện trò.

"Ngủ vô tư! Không say tàu xe thì ngủ vô tư!", ở giường trên, cô Bích Lài (ngoài 60 tuổi) trấn an. Cô Lài lên tàu ở ga Dĩ An (Bình Dương), hành trình tới ga Ninh Bình, chỉ dừng sớm hơn cô Thanh khoảng 1 giờ đồng hồ. Cả gia đình sinh sống ở Bình Dương, mỗi năm cô Lài đôi ba lần ra bắc thăm quê, lần nào cũng đi tàu. "Ngày trước nghèo thì bảo đi tàu cho rẻ, làm gì có tiền 1 năm bay ra bay vào mấy lần. Đi rồi mới thấy đi tàu tiện hơn. Như nhà tôi ở Bình Dương, muốn đi máy bay phải thuê xe lên sân bay Tân Sơn Nhất. Ra tới Nội Bài cũng như bác, bắt xe hơn 130 km về Ninh Bình. Trong khi ga tàu Dĩ An chỉ cách nhà tôi chưa đầy 2 km, xuống ở ga Ninh Bình gọi người nhà đi xe máy ra đón có 10 phút. Mình cũng chẳng vội vàng gì, cứ lên tàu nằm cho khỏe. Lát họ tới bán nước uống, đồ ăn đêm, mai thì có ăn sáng, ăn trưa, ăn xế… đủ cả, không phải lo mua trước đâu", cô Bích Lài nói.

Khi những vòng quanh bánh tàu xình xịch tiến vào màn đêm cũng là lúc những vị khách nước ngoài vào tiệc. Vừa lên căn tin ở khoang 1, bê 2 thùng bia trở về khoang 8, Natalie (24 tuổi, đến từ Anh) hào hứng chia sẻ cô đã đến VN 2 lần, nhưng đây là lần đầu tiên cô đi du lịch bằng tàu hỏa. Hội của cô có 6 người, phải chia ở 2 khoang vì không mua được vé cùng 1 khoang. "Lần trước đến VN, tôi có quen 1 người bạn ở Đà Nẵng và cậu ấy giới thiệu tôi có thể thử 1 hành trình lạ hơn bằng cách đi tàu hỏa từ TP.HCM ra Đà Nẵng. Cậu ấy đã đặt vé trước cho chúng tôi từ cách đây hơn 1 tháng và xác nhận chúng tôi có thể thoải mái nhậu, vui chơi, ca hát trên tàu. Nếu so với tàu bên Anh thì tàu này có vẻ cũ hơn, chật hơn một chút nhưng cũng thoải mái. Có lẽ chúng tôi chỉ uống một chút cho dễ ngủ, rồi mai sẽ dậy sớm đón bình minh, như lời cậu bạn giới thiệu", Natalie vui vẻ nói.

Từ thất thế đến những chuyến tàu du lịch hạng sang

Trưởng tàu SE1/2 Lê Xuân Quyết cho biết, trước đây đối tượng khách đi tàu chủ yếu là những người lao động thu nhập từ thấp tới trung bình hoặc các sinh viên không có nhiều điều kiện để mua vé máy bay về quê, nên hình ảnh ga tàu đông đúc chỉ xảy ra vào những ngày tết, nghỉ lễ kéo dài như đợt lễ 30.4 - 1.5, còn bình thường hầu như khá vắng. Sự phát triển mạnh mẽ của hàng không giá rẻ, cùng mạng lưới đường bộ cao tốc ngày càng hoàn chỉnh, nối dài từ Bắc đến Nam trong bối cảnh số lượng gia đình sở hữu ô tô cá nhân tăng mạnh đã khiến đường sắt thời gian dài trở nên thất thế. Phải đến những năm sau đại dịch, khi xu hướng du lịch bằng đường sắt bắt đầu được chú ý, cộng với những biến động khó lường của giá vé máy bay, những đoàn tàu hỏa mới dần được định vị lại trong mỗi người dân.

Biểu diễn vĩ cầm phục vụ hành khách trên chuyến tàu 5 sao Kết nối di sản miền Trung (Huế - Đà Nẵng)

Biểu diễn vĩ cầm phục vụ hành khách trên chuyến tàu 5 sao Kết nối di sản miền Trung (Huế - Đà Nẵng)

ảnh: Thùy Thanh

Đoàn tàu chất lượng cao chặng TP.HCM - Đà Nẵng

Đoàn tàu chất lượng cao chặng TP.HCM - Đà Nẵng

ảnh: Hạ Huy

"Có thể nhiều khách chọn tàu hỏa là do giá vé máy bay quá cao, song cũng không ít người hiện tìm đến tàu hỏa như một hành trình du lịch thú vị. Thời gian qua, chúng tôi phục vụ rất nhiều khách quốc tế, khách đoàn của các doanh nghiệp hoặc trường đại học. Họ đặt vé từ trước hành trình 2 - 3 tháng, thuê nguyên cả khoang tàu. Khách chặng dài như Sài Gòn - Hà Nội cũng có, nhưng đa phần là các chặng ngắn đến các điểm du lịch như Sài Gòn đi Nha Trang, Đà Nẵng, Quy Nhơn. Hoặc các bạn trẻ rất ưa chuộng hành trình Đà Nẵng - Huế với giá vé chỉ hơn 100.000 đồng. Nhiều gia đình có con nhỏ cũng thích đi tàu bởi có không gian chơi thoải mái cho lũ trẻ. Đối tượng hành khách đi tàu ngày càng được mở rộng, đặc biệt là khi có nhiều đoàn tàu hạng sang được đưa vào phục vụ", ông Quyết thông tin.

Không thể phủ nhận, giá vé đắt đỏ của ngành hàng không đã tạo cơ hội tuyệt vời cho ngành đường sắt "làm bàn". Từ 2023 đến nay, ngành đường sắt đã đầu tư rất nhiều toa xe hạng sang để phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách.

Mới nhất ngay trước kỳ nghỉ lễ, ngày 27.4 ngành đường sắt đã ra mắt đoàn tàu chất lượng cao SE21/22 chặng TP.HCM - Đà Nẵng, tiếp sau thành công của tàu chất lượng cao Hà Nội - Đà Nẵng (SE19/20). Đây cũng là một trong số những đoàn tàu đầu tiên được lắp đặt wifi trên tàu phục vụ khách miễn phí. Có thể ví đoàn tàu 5 sao TP.HCM - Đà Nẵng và Hà Nội - Đà Nẵng với "khách sạn 5 sao di động trên những đường ray tàu hỏa". Hành khách được đáp ứng hầu hết những dịch vụ cần thiết, vừa thăm thú nghỉ ngơi, vừa thưởng ngoạn cảnh đẹp, thậm chí có cả dịch vụ giải trí. Tổng công ty đường sắt VN (VNR) khẳng định sau thành công của đoàn tàu này, sẽ tiếp tục lan tỏa dịch vụ 5 sao này sang các tuyến khác.

Trước đó, VNR cũng đã khai trương chuyến tàu đêm Đà Lạt - Trại Mát với tên gọi "Hành trình đêm Đà Lạt", dài 6,7 km, là tuyến đường sắt răng cưa độc đáo duy nhất tại VN phục vụ du khách tham quan Đà Lạt. Ngoài ra, các phong trào "Mỗi cung đường - Một loài hoa; Mỗi khu ga - Một điểm đến" cũng đang được ngành đường sắt tích cực triển khai, nhằm đưa các tuyến tàu hỏa nhanh chóng "chen chân" vào bản đồ sản phẩm du lịch độc đáo.

Đầu tư "đoàn tàu khách sạn" trong khi chờ đường sắt cao tốc

Trở thành sự lựa chọn của nhiều tệp khách hàng mới cũng chính là yếu tố quan trọng giúp ngành đường sắt có cú lội ngược dòng ấn tượng với hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động, các công ty con lần lượt báo lãi "khủng".

Báo cáo tài chính vừa công bố của Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn (SRT) ghi nhận doanh thu 3 tháng đầu năm 2024 đạt 556 tỉ đồng, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách và hành lý tăng gần 59 tỉ đồng, đóng góp gần 2/3 mức tăng trưởng của tổng doanh thu. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất gần 5 năm qua của doanh nghiệp này. Lợi nhuận sau thuế của SRT đạt gần 33 tỉ đồng. Trước đó, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội (SHB) cũng khép lại quý đầu tiên của năm với doanh thu hơn 710 tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ 2023. Mức doanh thu này đạt kỷ lục trong gần 9 năm qua, hầu hết đến từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ. Lợi nhuận sau thuế mà doanh nghiệp này "bỏ túi" được sau 3 tháng là hơn 34 tỉ đồng, gấp khoảng 3 lần so với mục tiêu lợi nhuận 11,286 tỉ đồng của cả năm 2024.

Vui mừng với những tín hiệu tích cực ngay từ đầu năm, song đại diện VNR thừa nhận: Kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm của Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn là rất tích cực nhưng so với thời điểm trước dịch Covid-19 vẫn chưa thật sự hồi phục. Ngành đường sắt thường có 2 mùa cao điểm doanh thu là quý 1 và mùa hè, khi nhu cầu di chuyển của hành khách tăng đột biến. Năm nay, vé tàu dịp lễ 30.4 - 1.5 bán cũng nhanh hơn năm trước rất nhiều, nhưng giai đoạn từ giờ đến cuối năm, diễn biến thị trường vẫn rất khó dự báo. Đặc biệt là khi nền kinh tế còn nhiều thách thức, nhu cầu du lịch của người dân vẫn còn hạn chế. Trong khi đó, những bất lợi của đường sắt lại không thể giải quyết nhanh chóng trong ngày một, ngày hai.

"Hạn chế lớn nhất của ngành đường sắt trong vận chuyển hành khách hiện nay là tốc độ. Khổ đường ray hiện nay là 1 m, đa phần đầu máy, toa xe đã có lịch sử gần trăm năm, không thể đi nhanh hơn được. Chúng tôi có thể cố gắng đưa vào khai thác những toa xe mới, hiện đại, khang trang nhưng không thể rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM - Hà Nội xuống còn mười mấy giờ hay đi từ TP.HCM ra miền Trung chỉ vài giờ. Chưa kể, số vốn đầu tư cho đầu máy, toa xe rất lớn mà hiện nay cũng chủ yếu là cải tạo, nâng cấp toa xe, chưa thể đóng mới. Để đường sắt thật sự quay về thời hoàng kim, trở thành phương tiện đủ sức cạnh tranh bền vững với hàng không và đường bộ, có lẽ phải chờ tới khi đường sắt cao tốc Bắc - Nam hình thành", đại diện VNR nhận định.

Cho đến khi có đường sắt cao tốc, VNR chủ trương tiếp tục chạy các "đoàn tàu khách sạn", phát triển theo hướng phân khúc cao hướng tới các khách hàng thu nhập cao. Tiêu dùng của du khách phân khúc cao là "tiêu dùng độc nhất", không quan tâm nhiều đến giá cả mà muốn những trải nghiệm độc đáo, duy nhất. Đó chính là "đất" để hồi sinh những toa tàu du lịch hạng sang cho ngành đường sắt. Đồng thời, chủ động khai thác có hiệu quả vận tải tàu hàng nhanh, tàu hàng chuyên tuyến, đường sắt liên vận quốc tế với những đoàn tàu container đi Trung Quốc, quá cảnh Trung Quốc sang Bỉ, Nga, khu vực Trung Á và các nước châu Âu… 

Tổng hợp kinh nghiệm 5 quốc gia để làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành dành nhiều thời gian nghiên cứu, học tập các nước để đầu tư hiệu quả hệ thống đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Tiếp thu ý kiến trên, Chính phủ cho biết tháng 2.2023, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 49, trong đó định hướng: "Nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, chặt chẽ, toàn diện, kết hợp tham khảo kinh nghiệm quốc tế để lựa chọn phương án đầu tư, công nghệ, kỹ thuật, vốn… xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ, khả thi, hiệu quả, có tầm nhìn chiến lược dài hạn, phát huy được các lợi thế tiềm năng của đất nước, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới". Trong đó, giao Bộ GTVT chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương tổ chức tham khảo kinh nghiệm một số nước trên thế giới về phát triển đường sắt tốc độ cao để nghiên cứu đề xuất đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam hiệu quả. Bộ GTVT đã và đang tổ chức nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện, tổng hợp kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao trên thế giới. Song song, tổ chức đoàn công tác liên ngành trực tiếp khảo sát tại 5 quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển trên thế giới để hoàn thiện đề án chủ trương đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Danh lam thắng cảnh của đất nước mình trải dài trên trục Bắc - Nam của đường sắt. Chúng tôi cũng nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế thấy một số tập đoàn du lịch lớn trên thế giới cũng nhắm vào phân khúc khách hàng cao cấp đi tàu. Từ năm 2022, VNR đã tìm hiểu và đặt vấn đề với một số đối tác lớn nước ngoài và trong nước để phát triển các "đoàn tàu khách sạn". Để khắc phục hạn chế thời gian đi tàu lâu, ngành đường sắt sẽ mang cả không gian làm việc lên tàu. Theo đó, sẽ thiết kế cả không gian phòng họp trực tuyến để san lấp thời gian lâu khi di chuyển. Người ta nói đi từ A đến B làm được những gì chứ không còn nói đi từ A đến B hết bao lâu, bao km...

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV VNR

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.