Đó là chia sẻ của ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM tại buổi tọa đàm "Nghệ thuật vì sự phát triển bền vững", thuộc khuôn khổ sự kiện "Sự sống 2024" diễn ra vào sáng 11.7 tại TP.HCM.
Đây là chuỗi hoạt động triển lãm, quảng bá du lịch địa phương, nhằm nâng cao nhận thức về phát triển bền vững thông qua việc bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và duy tôn các giá trị văn hoá nghệ thuật.
"Không cần quá nhiều khách đến thành phố"
Liên quan đến chủ đề này, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM liên hệ tới câu chuyện của ngành du lịch TP.HCM thông qua các số liệu thống kê gắn với các yếu tố về lượng khách và doanh thu du lịch.
Ông Hòa chọn 2 cột mốc là 2019 và 2023 vì 2023 là năm vừa kết thúc nên có số liệu thống kê; còn 2019 là năm đỉnh điểm du lịch của Việt Nam và thế giới, trước thời gian Covid-19.
"Chúng tôi thấy khách du lịch khi đến với TP.HCM 2019 là 8,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch 145.000 tỉ đồng. Năm 2023, khách du lịch quốc tế tới là 5,5 triệu nhưng doanh thu đạt con số 160.000 tỉ đồng, cao hơn 22% so với 2019. Điều này nói lên khách đến ít hơn nhưng doanh thu cao hơn. Năm 2024 chúng tôi cũng dự đoán lượng khách quốc tế khoảng 6,5 triệu và phải tới năm sau nữa thì chúng ta mới đạt con số bằng 2019" ông Hòa dẫn chứng và cho rằng, trong nguy có cơ. Khi mọi thứ dừng lại, ngành du lịch TP.HCM rà soát lại các sản phẩm du lịch để chỉnh sửa lại thì ngay lập tức thấy được hiệu quả. "Rõ ràng chúng ta cũng không cần quá nhiều khách đến thành phố. Điều này giống như một cái xe chạy liên tục mà không dừng thì năng suất sẽ giảm. Khi chúng ta dừng lại chỉnh sửa thì năng suất lại tốt hơn", ông Hòa nói.
Trình diễn 3D mapping của nghệ sĩ thị giác Cao Hoàng Long
"Ngành du lịch TP.HCM khả năng sẽ không còn thống kê về lượng khách mà chúng tôi muốn thống kê về doanh thu, ngày lưu trú và chi tiêu của du khách. Chúng ta không cần tập trung quá nhiều vào số lượng khách, nó không còn phù hợp với TP.HCM nữa", Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM chia sẻ.
Về sản phẩm du lịch, dựa theo chính sách và chiến lược phát triển du lịch TP.HCM tới năm 2030, định hướng tới năm 2045 xác định rõ du lịch bền vững và du lịch xanh là trọng điểm của ngành du lịch. Chủ trương của lãnh đạo thành phố kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.
"Cuối năm 2023, chúng tôi có sự kiện Tuần lễ du lịch với chủ đề xanh trên mỗi hành trình. Liên tiếp những sự kiện gần đây, chúng tôi cũng đều đưa thông điệp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Một trong những sự kiện du lịch lớn nhất cả nước là vào tháng 9 tới, chúng tôi chọn chủ đề là du lịch bền vững, kiến tạo tương lai. Khi chúng ta quảng bá về những sản phẩm bền vững thì sản phẩm xanh của du lịch thành phố hầu như bạn bè quốc tế quan tâm điều này".
Khách quốc tế mê tìm hiểu văn hóa
Đối với sản phẩm du lịch, ngành du lịch thành phố chú trọng hơn tới những sản phẩm quảng bá lịch sử. Bởi khảo sát của Sở cho thấy có khoảng 37% thị hiếu du khách hướng về du lịch văn hóa lịch sử, đặc biệt là từ sau dịch Covid-19; tỷ lệ này tăng khoảng 15% hàng năm.
Khách du lịch quốc tế đến với TP.HCM khoảng 50 - 60% tìm hiểu về văn hóa lịch sử, khách trong nước khoảng 38%. Điều này phản ánh rõ nhu cầu, cách đi du lịch của du khách sau Covid-19 đã thay đổi rất nhiều.
"Họ không cần đi nhiều nơi khác nhau mà đến một nơi và ở lâu hơn để tìm hiểu sâu hơn về văn hóa lịch sử và có thời gian trải nghiệm nhiều hơn. Đó là lý do sản phẩm du lịch về văn hóa lịch sử là một trong những trọng tâm mà chúng tôi muốn giữ gìn và bảo tồn, phát huy. Nó đảm bảo tính bền vững và lâu dài với ngành du lịch thành phố", ông Hòa cho hay.
Theo một số báo cáo đánh giá về xu hướng du lịch của thế hệ genZ (những người sinh từ năm 1997 đến 2012), xu hướng du lịch tìm hiểu văn hóa lịch sử vẫn chiếm 52% so với các nhu cầu du lịch khác. "Tôi nghĩ du lịch thiên nhiên và văn hóa lịch sử là trọng tâm, chúng ta cố gắng phát huy, bảo tồn các yếu tố này cho du lịch TP.HCM trong thời gian tới", ông Hòa nói thêm.
Tọa đàm "Nghệ thuật vì sự phát triển bền vững" trong Triển lãm và sắp đặt nghệ thuật độc đáo mở đầu cho chuỗi hoạt động "Sự sống 2024" được nhiều người trông đợi. Triển lãm bắt đầu từ ngày 11.7.2024 và kéo dài đến ngày 14.7.2024 tại TP.HCM.
Ngoài ra, điểm nhấn của chuỗi sự kiện này là chương trình biểu diễn nghệ thuật - thực cảnh tại Six Senses Côn Đảo, nơi môi trường được bảo tồn một cách triệt để với hơn 27 ngàn chú rùa biển xanh đã được ấp nở thành công và đưa về tự nhiên từ năm 2018. Dự án "Sự sống 2024" cũng nhằm mục đích thúc đẩy du lịch địa phương.
Bình luận (0)