Một tình cờ trùng hợp là trong lúc đang diễn ra những tranh cãi về quy hoạch và xây dựng trên bán đảo Sơn Trà thì tôi đọc lại những ghi chép từ một hội thảo về du lịch được tổ chức ở Hội An cách đây vài năm; trong đó diễn giả chính của hội thảo đã nêu vấn đề “tình yêu quê hương, dân tộc như một đức tính cần thiết của người kinh doanh du lịch”...
Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch toàn cầu, Giáo sư Ijima Yukichika là một trong những người gây sự chú ý nhất tại hội thảo “Miền Trung, điểm đến với du khách Nhật Bản” do HRInstitute Vietnam phối hợp với 2 tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế và TP.Đà Nẵng tổ chức tại Hội An lần đó. Những ý kiến uyên bác của ông không chỉ về việc giới thiệu các đặc điểm của du khách Nhật Bản, mà còn về những đức tính cần thiết đối với những ai kinh doanh trong lĩnh vực du lịch.
Theo Giáo sư Ijima Yukichika, bên cạnh việc chúng ta chưa hiểu biết cặn kẽ đặc điểm của du khách Nhật, còn có việc thiếu những chiến lược toàn diện đối với từng thị trường du khách và sự hợp tác của các địa phương trong vùng. Do vậy chưa có chiến lược quảng bá chung một cách bài bản, chưa hiểu rõ tâm lý, thói quen của người Nhật khi ra nước ngoài. “Miền Trung VN có những đặc trưng như Hawaii là giàu tài nguyên văn hóa và thiên nhiên, người dân cởi mở, và cũng là một đất nước nông nghiệp. Nhưng người Nhật luôn nghĩ đến việc đi du lịch Hawaii đầu tiên và đó cũng là nơi họ ưu tiên sẽ quay lại. Bởi Hawaii có tầm nhìn ổn định về bảo vệ các giá trị tự nhiên. Họ cũng xây dựng các mục tiêu cụ thể đối với từng thị trường du khách. Nền du lịch Hawai luôn có sẵn người nói tiếng Nhật và món ăn Nhật ở mọi nơi để đón tiếp bất cứ nhóm hay cá nhân du khách nào đến từ Nhật; sự liên kết chặt chẽ giữa Tổng cục Du lịch bang Hawaii, cơ quan tổ chức các hội nghị, ngành hàng không, hãng lữ hành, khách sạn, nhà hàng... đã hợp thành một thể thống nhất tạo ra sản phẩm du lịch và thỏa mãn khách hàng… Đó cũng là lý do vì sao bình quân ngày lưu trú của người Nhật khi đến Hawaii lên đến 3 - 4 ngày. Người Nhật đi du lịch nước ngoài đa số thường là những người lớn tuổi có đời sống cao, chi tiêu nhiều, nhưng do ngôn ngữ cách biệt, họ thường mua tour ở các công ty lữ hành và rất cần các hướng dẫn viên biết tiếng Nhật giúp đỡ họ...”, Giáo sư Yukichika chia sẻ.
Thông tin từ Hiệp hội Du lịch Nhật Bản (JATA) cho thấy một thống kê hấp dẫn: có đến 60% du khách Nhật ra nước ngoài là để tìm hiểu các đặc sắc về lịch sử văn hóa của những vùng đất, tìm đến các cảnh quan thiên nhiên đặc thù và ẩm thực... Tuy nhiên con số tuyệt đối du khách Nhật đến VN mỗi năm chỉ khoảng 300.000 - 400.000 người trở lại!
Hiện nay cả Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng với 3 di sản văn hóa, một vùng biển đẹp, một khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, vùng đầm phá ngập mặn Tam Giang - Cầu Hai, các khu du lịch, khu bảo tồn thiên nhiên Bạch Mã, Sơn Trà, Bà Nà có lịch sử cả trăm năm và đa dạng sinh học lý thú. Tuy nhiên nhận thức về những giá trị đặc trưng ấy để có những ứng xử phù hợp trong quy hoạch, xây dựng và bảo vệ thiên nhiên là vấn đề đang đặt ra nóng bỏng đối với quản lý nhà nước. Sự kiện xâm hại thiên nhiên tại đồi Vọng Cảnh ở Huế, Bà Nà ở Đà Nẵng hay Cù Lao Chàm ở Quảng Nam từng gây nên nhiều lo ngại. Ba tỉnh thành phố thuộc “Con đường di sản miền Trung” tuy gần đây đã có những trao đổi lẫn nhau về hợp tác phát triển du lịch, nhưng sự gắn kết thật sự như mong muốn thì vẫn còn ở phía trước.
Giảng viên kinh tế tại Đại học Chukyo, ông Yoshiaki Noguchi vừa là Chủ tịch HĐQT HRInstitute cũng tại hội thảo đó đã đưa ra khái niệm
“Concept du lịch” như một gợi ý cho du lịch miền Trung khi xây dựng chiến lược chung. “Đó một mũi tên dẫn đường cho toàn bộ hoạt động để thực hiện chiến lược cơ bản và chú trọng đến các ưu tiên về tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực, các giá trị văn hóa trong hoạt động du lịch. Tại VN, các bạn coi Huế, Hội An, Mỹ Sơn là những vùng riêng biệt, nhưng dưới mắt người Nhật, tất cả đều nằm trong một vùng và vì vậy cần có một concept làm rõ “đặc trưng vùng” bằng những phối hợp cụ thể để truyền đạt sức hút của vùng này với du khách. Không chỉ Huế, Mỹ Sơn, Hội An mà các bạn còn có một nguồn tài nguyên núi, biển rất phong phú cần được bảo vệ”. Muốn vậy, Giáo sư Yukichika lưu ý: “Người làm du lịch trước hết cần thể hiện tình yêu quê hương, lòng tự hào về vùng đất nơi mình sinh sống và tình yêu dân tộc của mình với du khách. Tình yêu đó cần được lan tỏa từ chính quyền đến từng thành viên, nhân viên trong mỗi một công ty…”.
Thông điệp ấy có thể gói gọn lại là: “Concept du lịch” cho miền Trung chính là sự liên kết trong tình yêu các di sản của thiên nhiên và của cha ông để lại!
Bình luận (0)