Du lịch Việt Nam và chuyện "hai cô ca sĩ"

05/08/2007 01:23 GMT+7

Nếu như để so sánh cảnh đẹp thiên nhiên cũng như di tích lịch sử giữa Việt Nam và Thái Lan thì nước ta không thua kém gì nước bạn. Tuy nhiên, chuyện như hai cô ca sĩ vừa xinh đẹp vừa hát hay. Một cô thì nổi tiếng hơn bởi được lăng xê tốt hơn cộng với việc biết tận dụng cá tính của mình. Còn cô kia thì không sáng chói được vì thiếu một chiến lược quảng bá chuyên nghiệp.

Sau chuyện biểu trưng du lịch "Welcome to Vietnam" cách đây mấy năm, trước sức ép của dư luận, Tổng cục Du lịch mới xúc tiến ngay việc mở cuộc thi thiết kế biểu trưng (logo) và câu khẩu hiệu (slogan) mới cho du lịch nước nhà với hy vọng đưa thương hiệu du lịch Việt Nam lên đẳng cấp cao hơn. Không thể phủ nhận nỗ lực của Tổng cục nhưng liệu đây có phải là cách làm hay?

Việc tạo ra một biểu tượng và một thông điệp cho du lịch Việt Nam (ở đây được coi như là một sản phẩm) là một bước đi đúng vì bất cứ sản phẩm nào cũng cần có đặc điểm nhận dạng thương hiệu (brand awareness). Tuy nhiên, những gì xảy ra sau đó của quá trình quảng bá du lịch Việt Nam tỏ ra đuối và không có hiệu quả. Một ví dụ nhỏ sau đây cho thấy cái sự "đầu voi đuôi chuột" đó.

Trên đường từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội cách đây không lâu, người ta dễ dàng nhận ra tấm biển quảng cáo lớn với biểu trưng "Vietnam - The Hidden Charm". Tấm biển chỉ có nền trắng, một biểu trưng, một câu khẩu hiệu, thế là hết. Không hình ảnh, không có một thông tin gì khác. Giả sử một khách du lịch chưa từng nghe qua "The Hidden Charm" hẳn họ phải thắc mắc tấm biển quảng cáo đơn giản đến mức tối đa kia đang nói về sản phẩm gì nhỉ. Rồi kể cả họ có biết "The Hidden Charm" là câu khẩu hiệu quảng bá du lịch Việt Nam đi chăng nữa thì họ sẽ nghĩ đất nước Việt Nam có gì hấp dẫn để thăm thú trong khi không có lấy một hình ảnh để quảng cáo. Chính vì vậy mà một số người đã nói vui rằng "The Hidden Charm" không phải là "Vẻ đẹp tiềm ẩn" mà là "Vẻ đẹp bị giấu đi" (to be hidden trong tiếng Anh vừa là tiềm ẩn, vừa có nghĩa là bị che lấp đi).

Đó là còn chưa kể đến việc sau khi tạo dựng được hình ảnh của một thương hiệu rồi, người ta phải cho nó xuất hiện khắp mọi nơi. Những "Amazing Thailand" (Thái Lan đáng kinh ngạc), "Malaysia - Truly Asia" (Malaysia - châu Á đích thực) hay "Uniquely Singapore" (Singapore độc đáo) xuất hiện nhan nhản ở nhiều khu vực trên thế giới. Người ta cũng nghe đến mức thuộc giai điệu bài "Malaysia - Truly Asia" trên CNN. Thậm chí Malaysia hay Singapore còn mang hình ảnh nước mình sang thiên đường du lịch của khu vực là Thái Lan để quảng bá. Thái Lan coi như đang bị cạnh tranh ngay trên mảnh đất của mình. Chương trình quảng cáo du lịch Macau nằm chễm trệ trên các toa tàu điện ở thủ đô Bangkok. Vì sao du lịch Việt Nam vẫn còn "giấu mình" với thế giới như vậy?

Còn chuyện về các liên hoan du lịch (festival) ở Việt Nam cũng rất đáng bàn. Các festival này bị dư luận kêu ca là tổ chức vô tội vạ và lãng phí. Nói vô tội vạ cũng chẳng oan cho các lễ hội này bởi nó không nhằm một dịp nào cả và không dựa trên một truyền thống nào cả. Ở Khánh Hòa thì họ làm festival biển vì cứ nhắc đến địa danh này là người ta lại nghĩ đến biển. Vì vậy, một số địa phương khác có biển, như Bà Rịa - Vũng Tàu hay Đà Nẵng cũng hồ hởi làm một cái festival biển cho bằng chị bằng em. Nhiều địa phương khác cũng có các festival "chung chung" tương tự. Một năm ở Việt Nam đâu thiếu gì các lễ hội truyền thống. Từ Tết Nguyên đán đến Tết Đoan Ngọ, rồi Hội Lim,... Chúng ta đâu thiếu các dịp để tổ chức festival mà cứ phải làm vô tội vạ như vậy.

Một năm ở Thái Lan chỉ có vài lễ hội lớn nhưng được đầu tư kỹ lưỡng. Nổi tiếng nhất sau lễ Songkran có Loy Krathong thường được tổ chức vào tháng 11 hằng năm với tục thả thiên đăng và giang đăng. Và không thể không nhận ra ý đồ của người Thái muốn biến Songkran hay Loy Krathong thành thương hiệu quốc tế. Người Thái còn tổ chức nhiều sự kiện đình đám thể thu hút khách du lịch một cách có hệ thống. Khi du lịch người ta thường kèm theo mua sắm. Người Thái đã tạo ra các cơ hội bất ngờ để du khách cảm thấy việc đi đến Thái Lan không phải là một lựa chọn sai lầm. Sự kiện "Amazing Grand Sale" (tạm dịch: Đại giảm giá đáng kinh ngạc) đang diễn ra hẳn đã khiến bao du khách nức lòng muốn đến Thái Lan. Đây là một phần của kế hoạch tổng thể và đồng nhất của ngành du lịch nước này.

***

Du lịch Việt Nam đang cần một quy trình tạo dựng thương hiệu và quảng bá gắn kết với nhau. Bởi một lẽ đơn giản, một thương hiệu được tạo ra với cá tính như thế này không thể "bị" quảng bá theo một cá tính khác. Cũng giống như chuyện cô ca sĩ. Làm cho cô ấy một album ca nhạc đầu tay rồi cứ ngồi đợi bầu sô đến mời cô đi hát thì nghe có vẻ buồn cười. Nghe đâu Việt Nam đang "nhờ" CNN làm phim để quảng bá du lịch. Đó không phải là một bước đi sai nhưng nếu bước này không nằm trong một kế hoạch tổng thể như vừa đề cập ở trên thì vẻ đẹp tiềm ẩn của du lịch nước ta lại bị "giấu đi" thêm lần nữa. 

Việt Phương (Văn phòng Bangkok)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.