Trước đây, thật khó mà có được một lần gọi điện thoại cho anh bạn hướng dẫn viên của tôi để mời anh ấy một chầu cà phê vì hôm nay anh ấy đang ở nước này, hôm sau lại dẫn khách đi nước khác. Nhưng từ ngày dịch Covid-19 bùng phát, gọi bất kì lúc nào anh ấy cũng vui vẻ nhận lời.
Đặc thù của nghề hướng dẫn viên (HDV) mang tính thời vụ, chi phối và bị động phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường du lịch. Có những mùa du lịch cao điểm làm việc cả ngày lẫn đêm hết công suất vẫn không hết tour để đi. Từ ngày dịch bùng phát, hầu như cuộc sống của người hướng dẫn viên bị ảnh hưởng khá nhiều, kể cả hướng dẫn viên chính thức và hướng dẫn viên tự do.
Như anh bạn của tôi thuộc tổ hướng dẫn viên nội địa, đôi khi sẽ dẫn khách đi tour outbound đến các nước Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan. Từ sau tết đến nay, tuyệt nhiên không còn khách nào đặt tour đi Nhật do dịch Corona. Các khách từ những nước khác cũng rất hạn chế đi du lịch.
|
Trong khi đó, khách trong nước cũng hạn chế đi lại một số địa điểm nổi tiếng, nhưng số lượng ít hơn hẳn. Những cuộc gọi huỷ tour giờ chót liên tục diễn ra, khách hàng chấp nhận mất cọc, thậm chí mất tiền tour nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân. Phần lớn tâm lý khách hàng sợ tiếp xúc nơi đông người cũng như sau chuyến đi về họ sẽ phải thực hiện cách ly, áp lực tâm lý từ dư luận, từ những người xung quanh, nên thà bỏ tiền để ở nhà được bình yên.
Với những HDV tự do, họ sẽ nhận được thù lao sau mỗi tour, nếu không có tour thì họ hoàn toàn không có thu nhập. Do đó, những ngày này, họ phải sống bằng khoản tiền tích luỹ, dự phòng ngày trước, có người thì về quê ở hẳn một thời gian để cắt giảm chi phí ăn ở đi lại tại Sài Gòn, thậm chí có người tìm kiếm công việc tạm thời trong giai đoạn khó khăn này.
Cuộc sống của một người HDV có sự thay đổi 180 độ về thời gian và thói quen công việc hằng ngày. Không còn những hôm phải dậy sớm đón khách đi tour hay đưa tiễn sân bay vào những khung giờ sáng sớm. Câu nói “ước gì hôm nay được ngủ thẳng cẳng” thường ngày mà cánh hướng dẫn viên thường nói với nhau, nay đã thành hiện thực, điện thoại đã không cần cài báo thức, mục ghi chú trên điện thoại cũng trống trơn vì đâu còn tour hay điều gì để lưu ý nữa.
Những buổi sáng buffet tại những khách sạn 4 sao, 5 sao mà trước đây người hướng dẫn viên vẫn cứ than ngán mỗi khi đi tour, nay được thay thế bằng tô hủ tiếu gõ đầu hẻm. Sáng sớm có thời gian được tập thể thao nhiều hơn, trau dồi một ngôn ngữ mới, có thời gian thong thả đọc sách, tài liệu nhiều hơn bởi trong ngành nghề hướng dẫn viên du lịch thì những kiến thức cần học là vô biên.
|
Đối với những anh chị lớn hơn đã có gia đình, đây là thời gian họ có thời gian ở nhà với gia đình của mình nhiều hơn. Nếu vợ làm công việc văn phòng nên vẫn phải đi làm, bố làm hướng dẫn viên tạm thời thất nghiệp ở nhà trông con vì trường cho nghỉ học, lúc này mới có thời gian ở bên con của mình nhiều hơn, mới cảm nhận và thấu hiểu công việc nhà của vợ những tháng ngày mình đi xa.
Khép lại câu chuyện với anh bạn HDV, tôi thấy một sự lạc quan trong ánh mắt của anh ấy. Mặc dù đang gặp khó khăn do tình hình chung của ngành du lịch khi bị ảnh hưởng bởi dịch Corona, nhưng anh bạn của tôi không quá bi quan.
Anh cho biết: “Đây là thời điểm du lịch im ắng, theo quy luật của tự nhiên, xuống rồi sẽ có lúc lên lại, thị trường hứa hẹn sẽ bùng nổ vào những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, du lịch sẽ khởi sắc trở lại, bởi theo chu kỳ, một thời gian dài khách không đi du lịch sẽ có xu hướng đi “bù” vào thời gian thuận lợi sau đó”.
Các công ty du lịch cũng ra sức cứu vãn tình thế để nuôi sống công ty bằng cách đưa vào khai thác các thị trường nước ngoài mới, chưa xuất hiện trên bản đồ dịch bệnh hay những địa phương trong nước không phải là điểm nóng của dịch.
Tuy nhiên, với tốc độ lây lan của dịch bệnh dần xâm chiếm tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ thì phương án này cũng không khả quan gì. Đặc biệt tình hình dịch bệnh càng căng thẳng hơn trong những ngày đầu tháng 3.2020, sau khi xuất hiện ca Covid-19 thứ 17, phá vỡ hơn 20 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới của Việt Nam như một giọt nước làm tràn ly khiến các công ty du lịch không thể "gồng gánh" thêm nữa.
Nhiều công ty phải đưa ra các hướng giải quyết giảm lương nhân viên 30-50%, hoặc trả lương cầm chừng dưới 5 triệu đồng. Và điều xấu nhất cũng diễn ra là một số nơi mà anh bạn HVD của tôi biết, có thể phải cho nhân viên nghỉ không lương vô thời hạn tuỳ thuộc vào tình hình diễn biến của dịch bệnh.
Bình luận (0)