Phượng Hoàng cổ trấn, bản hoá thạch tuyệt mỹ: Bạn đã từng đến?

09/07/2019 21:12 GMT+7

Quyết định đến với Phượng Hoàng (Trung Quốc) từ một chút tò mò về danh tiếng nổi như cồn của điểm đến này, tôi không ngờ đã tự ghi được một điểm son trong cái chuỗi quyết định đi đó đi đây của mình.

Một ngày một đêm ở nơi này, cộng với vài ngày và vài đêm đọc và nghĩ về nó, Phượng Hoàng dần dần khảm vào ký ức tôi như bản hóa thạch tuyệt đẹp của một cổ trấn ngàn năm tuổi.
Đến Phượng Hoàng vào một ngày tháng giêng khi tiết trời mùa xuân còn rét căm, tôi luôn phải quấn trên người tổng cộng năm lớp áo. Vậy mà khi thả bộ ngắm cảnh trên đường, chốc chốc tôi vẫn phải định thần điều chỉnh nhịp thở để chống lại từng cơn gió len lỏi đưa khí lạnh vào buốt da cắt thịt.
Tuy nhiên đổi lại, lợi thế rất lớn của mùa này là du khách khá ít, bạn có thể nhàn tản dọc bờ sông mà không lo phải “chen vai thích cánh” với những “người anh em” khác hoặc cũng không lo phải “hốt” hàng đoàn người trong ảnh lưu niệm của mình.

Nằm dài bên hai bờ sông Đà và cũng không lớn lắm, Phượng Hoàng không khó để tham quan

Bạn nên bắt đầu đi từ phía hạ lưu dòng sông Đà, nơi thị trấn còn “nhạt màu”, và đi ngược dần lên thượng nguồn. Ấn tượng ban đầu của bạn sẽ chỉ là những dãy nhà cổ bằng gỗ lạ mắt với mái ngói nâu cong vút duyên dáng, cao khoảng ba đến bốn tầng đứng lẳng lặng soi bóng nước. Thỉnh thoảng có một cây cầu xây bằng đá bắc qua sông, bên dưới vài chiếc ghe gỗ chầm chậm trôi.
Phượng Hoàng cổ trấn: Bản hoá thạch tuyệt mỹ

Từ bên này sông tôi ngóng qua bờ bên kia, nhà cửa hàng quán nửa tương phản nửa hòa nhập vào nền núi xanh thẫm đằng sau

Nhưng càng ngược dòng nước, những dãy “nhà phố trên sông” càng lúc càng nhộn nhịp hơn, những đầu đao mái ngói nhiều và dường như sống động hơn. Con đường thay vì chạy dọc bờ sông, đôi lúc lại lẫn vào phía sau lưng các dãy phố, nhường chỗ cho nhà chìa hẳn ra bờ nước với từng bó cừ gỗ chống xuống nước lêu nghêu như chân cò. Xuất hiện nhiều hơn những cây cầu có mái ngói đặc trưng to nhỏ nhiều lớp như trong phim kiếm hiệp, điểm xuyết các chấm đỏ của lồng đèn Trung Hoa không lẫn vào đâu được.
Từ bên này sông tôi ngóng qua bờ bên kia, nhà cửa hàng quán nửa tương phản nửa hòa nhập vào nền núi xanh thẫm đằng sau, tất cả lại được nhân đôi lần nữa trong làn nước Đà Giang màu lục.
Chiều buông dần cũng là lúc tôi đã đi được nửa quãng đường tham quan. Đây cũng là khu vực mang tính chất hội hè và du lịch nhất thị trấn. Không còn là độc đạo, đôi lúc con đường nhỏ lại chia ra thành những ngõ nhỏ hơn với hai bên san sát các cửa hiệu và quán hàng ẩm thực.
Phượng Hoàng cổ trấn: Bản hoá thạch tuyệt mỹ
Phượng Hoàng cổ trấn: Bản hoá thạch tuyệt mỹ

Phố đã lên đèn, và khách cũng lên đồ… ấm. Dù mùa này du khách không đông, nhưng đêm đến vẫn luôn là khoảng thời gian nhộn nhịp nhất trong ngày, bất chấp cái rét

Tôi thấy mình hòa dần vào đám đông cũng đang lớn dần, vai kề vai trong ánh sáng lung linh hắt ra từ hai dãy cửa hiệu hai bên đường. Có thể thấy nhiều nhất là các tiệm ẩm thực với đủ loại thức ăn cổ truyền của người Miêu, người Thổ Gia đặc sắc mà nếu có thời gian bạn nên thử qua cho biết, như lẩu cá, vịt hầm, đậu hũ “thối”, đồ nướng, các loại dưa muối, kẹo gừng…
Xen kẽ là các tiệm rượu thiết kế hiện đại, thường có một cô gái mắt xếch cùng nụ cười niềm nở đứng ở cửa chào khách. Liếc vào bên trong, tôi thấy mình chợt rộn ràng theo những giai điệu trẻ trung vọng ra cùng tiếng Tây Ban Cầm unplugged...
Phượng Hoàng cổ trấn: Bản hoá thạch tuyệt mỹ
Người người ngắm nhìn những trưng bày trong hàng quán, hay quán xá đang quan sát đoàn người diễu qua? Dù gì đi nữa thì không gian lúc này vẫn như một sự hòa trộn kỳ diệu của sáng và tối, của khách thập phương và người bản địa, của hiện đại và cổ xưa, hiện tại và dĩ vãng…
Trong giây lát, Phượng Hoàng cổ trấn bỗng ngưng đọng như một giọt hổ phách vàng lung linh và phản chiếu ngàn năm lịch sử.

Trong giây lát, Phượng Hoàng cổ trấn bỗng ngưng đọng như một giọt hổ phách vàng lung linh và phản chiếu ngàn năm lịch sử

Hơn 1300 năm trước (AD 660), trong một chiến dịch của nhà Đường nhằm bình định các bộ lạc thiểu số ở vùng này - gọi chung là Ngũ Trại, phủ Thái Thú đã được đặt tại một trấn nhỏ ven dòng Đà Giang và dựa lưng vào rặng Nam Hoa, là địa điểm của Phượng Hoàng ngày nay. Tám trăm chín mươi bốn năm sau, nhà Minh đặt tên cho trấn là Chính An, thế nhưng tận 155 năm sau nữa (AD 1709), hai từ Phượng Hoàng mới chính thức xuất hiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.