San hô Gành Yến bị xâm hại

Phạm Anh
Phạm Anh
27/06/2020 13:05 GMT+7

Những ngày qua, rạn san hô ở Gành Yến (thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) bỗng lộ thiên tuyệt đẹp, thu hút đông đảo khách du lịch . Tuy nhiên, nhiều du khách bẻ, đạp làm rạn san hô bị xâm hại nặng nề.

Rạn san hô vạn người mê

Gành Yến từ lâu vốn nổi tiếng là bãi biển có những bãi đá xếp chồng lên nhau, tạo nên quang cảnh hết sức kỳ lạ. Đây cũng là nơi tập trung sinh sống của chim yến. Vì vậy, Gành Yến là một trong những điểm du lịch lý tưởng ở Quảng Ngãi.
Thời gian gần đây, Gành Yến thu hút thêm một lượng lớn khách du lịch, bởi khi nước cạn, rạn san hô nằm ngay sát bờ biển được lộ thiên, khiến khách du lịch kéo về mỗi ngày một đông.
Dưới cái nắng chiều của những ngày hè, khi con nước rút khỏi bãi đá Gành Yến, rạn san hô lại hiện lên khoe sắc như trăm hoa đua nở. Rạn san hô ở đây rất đa dạng về chủng loài và màu sắc. Ngoài ra, Gành Yến còn là nơi trú ngụ của rất nhiều loài sinh vật như sao biển, sứa, các loài cá nhiều màu sắc.

Du khách mang san hô về nhà

Ảnh: Thanh Quân

Người dân thôn Thanh Thủy cho biết chỉ chiêm ngưỡng được rạn san hô mỗi tháng 6 ngày, vào 1, 2, 3 (âm lịch) và 14, 15, 16 (âm lịch). Mùa nước cạn thường chỉ kéo dài từ tháng 3 - 7 (âm lịch) nên du khách muốn xem được san hô phải xem ngày chính xác. Nếu đi vào những ngày khác, khó thấy rạn san hô tuyệt đẹp này, vì thủy triều rút trễ vào thời gian cuối ngày.

Đạp lên san hô chụp ảnh

Hình ảnh rạn san hô lung linh đủ sắc màu được chia sẻ liên tục trên mạng xã hội đã thu hút rất nhiều du khách. Tuy nhiên, khi du khách đến ngày càng đông thì nguy cơ rạn san hô bị tàn phá càng cao. Một buổi chiều gần đây, có mặt ở đây, chúng tôi chứng kiến rất nhiều người đạp lên san hô để chụp ảnh; một số người bắt các sinh vật biển đưa lên bờ chỉ để phục vụ mục đích chụp ảnh. Có người còn lấy san hô mang về nhà làm cảnh cho vui.
Đến nay, do lượng lớn khách du lịch đổ về Gành Yến mỗi ngày một nhiều nên rạn san hô đã bắt đầu có nhiều cây gãy nát. Không khó để bắt gặp những cây san hô rất đẹp nhưng lại thiếu vài cành, thậm chí có nhiều cây san hô không còn cành nào. Ông Nguyễn Thành Mỹ, người dân thôn Thanh Thủy, kể có lần 2 người khách có ý đưa ông 500.000 đồng để ông đào cho họ một cây san hô lớn. Tuy nhiên, ông nhất quyết từ chối. “Số tiền đó nếu có thì tiêu vài ngày cũng hết nhưng mất đi một cây san hô lớn thì không biết bao giờ mới có lại”, ông Mỹ nói.
Buổi chiều ở Gành Yến, chúng tôi bắt gặp không ít hình ảnh du khách đến chơi rồi ra về với vài cành san hô trên tay. Thậm chí, người còn hớn hở khoe với nhau là có được vài cành đẹp mang về. Bà Lê Thị Tỵ (ở thôn Thanh Thủy) than thở: “Tui làm giữ xe ở đây cũng hay bắt gặp khách mang san hô về. Nhiều người còn chuẩn bị sẵn bao ni lông đen để đựng san hô, nhằm tránh người khác phát hiện”.
Ông Phạm Cầu, Phó chủ tịch UBND xã Bình Hải, cho biết để bảo vệ rạn san hô, chính quyền xã sẽ tăng cường đội bảo vệ để ngăn chặn tình trạng xâm hại Gành Yến. Ngoài ra, xã sẽ vận động, tuyên truyền cho người dân bảo vệ môi trường bãi biển. “Sẽ xử phạt thật nghiêm đối với những hành vi cố tình phá hoại, khai thác san hô ở Gành Yến”, ông Cầu nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.