Về Minh Hóa chơi hội rằm tháng ba, nghe truyền thuyết thác Bụt linh thiêng

Trương Quang Nam
Trương Quang Nam
20/04/2019 12:07 GMT+7

Những ngày này, người người nô nức về huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) để dự tuần lễ văn hóa - thể thao - du lịch và được đắm mình trong hội rằm tháng ba, nghe lại chuyện tượng đá kỳ lạ và bàn thờ nơi thác Bụt.

Tượng đá kỳ lạ và bàn thờ ở thác Bụt

Đối với người Minh Hóa, lễ hội rằm tháng ba rất đỗi linh thiêng, tự hào. Năm nào cũng vậy, bà con ăn rằm tháng ba lớn như chưa từng có. Đến bây giờ không ai biết chính xác hội rằm tháng ba có từ khi nào và vì sao lại coi trọng đến như thế; chỉ biết rằng đây là giá trị văn hóa, tinh thần đặc sắc của người vùng cao, nơi nhiều người nguồn và các dân tộc anh em ít người sinh sống, quần tụ.

Tương truyền, hội rằm tháng ba ở Minh Hóa có gốc gác từ chuyện 2 anh em người làng Yên Đức, xã Yên Hóa đi tìm mật ong trên lèn Ông Ngoi. Khi họ lên đến đỉnh thì gặp một giếng nước trong vắt, bên cạnh có cây quýt rất nhiều quả; dưới tán cây có 12 hòn đá giống hình ông Bụt. Bên cạnh có bàn đá bằng phẳng và có những quân cờ bằng đá.

Hai anh em họ nghỉ ngơi, hái ăn quýt rồi trầm trồ về những cảnh vật xung quanh. Khi hai người xuống núi thì mang theo 1 hòn đá giống tượng Bụt, đến thác Cúi họ đặt tượng đá xuống để tắm. Thật kỳ lạ, lúc tắm xong, người anh đến lấy tượng đá thì không sao nhấc lên nổi.

Người anh bực tức nên dùng rựa chém sứt môi tượng đá. Một điều trùng hợp là từ đó về sau, những người trong dòng tộc của họ sinh ra đều có 1 người bị khiếm khuyết về môi.

Đường xuống Thác Bụt xuyên qua rừng cây xanh mướt Huệ Minh
Suối Thác Bụt với khung cảnh hữu tình thu hút nhiều du khách Huệ Minh

Đặc biệt, từ khi tượng đá xuất hiện ở thác Cúi thì làng Yên Đức bỗng dưng xảy ra nhiều dịch bệnh, mùa màng bị chim thú về phá hoại, gia súc gia cầm của người dân nuôi cũng bị thú dữ bắt đi. Dân làng bèn lập đàn khấn vái tự nhiên có người ứng xưng là Bụt ở thác Cúi và đòi lập đàn thờ.

Dân làng nghe thế liền làm theo. Từ khi lập đàn thờ Bụt, mọi tai ương dần biến mất. Từ đó, câu chuyện lan truyền, gây sự chú ý khiến nhiều người đến khấn vái Bụt. Dần dà người dân quen gọi là Thác Bụt như tên gọi ngày nay.

Lễ cúng Bụt ở Thác Bụt đơn giản và được lưu giữ cho đến nay Huệ Minh

Hội rằm có chợ tình thu hút nam thanh nữ tú

Đến lễ rằm tháng ba hằng năm, nhà nào ở Minh Hóa cũng tổ chức cúng, lễ lạc ít nhiều nhưng luôn phải sạch sẽ tinh tươm. Càng trở về sau, người Minh Hóa càng coi trọng lễ hội rằm tháng ba; dịp này người xa quê đều hẹn về Minh Hóa và trở thành như một ngày hội, ngày của những gặp gỡ, chúc tụng.

Người Minh Hóa có câu: Thà rằng đau ốm mà nằm/ Không ai nỡ bỏ hội rằm tháng ba... Trước là lễ cúng sau trở thành hội rằm với những bữa tiệc linh đình. Lễ với những sản vật địa phương, trong đó không thể thiếu món pồi và ốc khe.

Đến hội rằm, nam thanh nữ tú khắp các miền biên viễn đổ về thị tứ Quy Đạt để mua sắm, tham quan như đi trẩy hội. Qua những ánh mắt giao duyên lạ lẫm thuở ban đầu nơi góc chợ, họ nên đôi nên lứa. Rồi chợ rằm được người ta gọi là chợ tình. Khi tiết xuân thì đi qua cũng là lúc đôi lứa mong chờ đến hội rằm để xuống chợ tình; dù phải mất vài ngày cuốc bộ nhưng bước chân họ đã thôi thúc, rập rình về nơi ấy.

Bây giờ, thời của những phương tiện, thiết bị hiện đại nên cách yêu, cách tỏ tình cũng đã khác xưa nhiều, nhưng chợ rằm cũng cứ đông đúc, tấp nập.

Món pồi (màu vàng) được làm từ ngô và ốc khe, đặc sản của vùng Minh Hóa Ảnh: M.V
Những trò chơi dân gian thu hút rất nhiều người HUỆ MINH
Các trò chơi, môn thi dân gian tại tuần lễ văn hóa, thể thao, du lịch và hội rằm Huệ Minh

Hội rằm tháng ba của Minh Hóa đã được công nhận là lễ hội văn hóa truyền thống cấp tỉnh. Đến hội, huyện Minh Hóa tổ chức bài bản với nhiều môn thể thao, văn hóa bản địa và tất nhiên, trong mỗi hội không bao giờ thiếu lễ dâng hương tại Thác Bụt. Nơi đây trở thành điểm đến tâm linh, luôn đông đúc mỗi dịp hội rằm.

Lên hội rằm Minh Hóa, du khách còn được hòa mình vào “điệu hát hôi lên”: Trời mưa (chừ) nước chảy hồi quanh hồi/ Hôi lên là hôi lên/ Anh không (chừ) lấy vợ ai đâm pồi (bồi) anh ăn/ Hôi lên là hôi lên. Hát từng nào, thiếu nữ lại giã pồi từng ấy, nhịp chày, lời ca rập ràng như thôi thúc, lôi cuốn bước chân lữ khách.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.