Sáng 10.6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ "điểm nghẽn'' trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng đánh giá việc triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là một trong những "điểm sáng" của chuyển đổi số.
Dù vậy, theo Thủ tướng, cách đây 1 năm, trong quá trình triển khai Đề án 06, chúng ta đã nhận diện nhiều khó khăn, thách thức và "điểm nghẽn" cần phải tập trung tháo gỡ ngay, liên quan đến pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh, an toàn, nguồn nhân lực...
Đây là lý do Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ (văn bản số 452/TTg-KSTT). Đồng thời, ban hành chỉ thị yêu cầu thực hiện đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu thuế, ngân hàng, viễn thông... để định danh, xác thực cá nhân, tổ chức trên môi trường điện tử; phòng ngừa hành vi gian lận, trốn thuế trong hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long đã báo cáo kết quả 1 năm triển khai công văn của Thủ tướng chỉ đạo giải quyết các "điểm nghẽn" về Đề án 06.
Theo Bộ Công an, về dữ liệu, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành đạt 25,66%, địa phương đạt 29,7%.
Đến nay, đã có 18 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.
Một số địa phương đã chủ động nghiên cứu, triển khai các giải pháp, như Vĩnh Phúc xây dựng Cơ sở dữ liệu quản lý lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh và kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn…
Về nguồn lực, Bộ Công an cho biết, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, vốn ngân sách T.Ư bố trí cho lĩnh vực công nghệ thông tin là 12.077 tỉ đồng, tăng 6,1 lần so với giai đoạn 2016 - 2020 (1.983 tỉ đồng).
Ngoài ra, trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã bố trí 4.421 tỉ đồng cho 19 dự án chuyển đổi số của 8 bộ, cơ quan T.Ư.
Báo cáo cũng đánh giá Đề án 06 vẫn còn tồn tại 6 "điểm nghẽn" về pháp lý, dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh an toàn bảo mật và nguồn lực triển khai.
Trong đó, về dữ liệu, việc kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin 1 lần còn hạn chế.
Tỷ lệ số hóa, tái sử dụng hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn thấp (tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa của bộ, ngành chỉ đạt 1,13%, của địa phương chỉ đạt 10,35%).
Qua thống kê trên Cổng dịch vụ công quốc gia, mới chỉ có Bộ Công an, Bộ VH-TT-DL khai thác, sử dụng lại thông tin dữ liệu đã số hóa để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Các bộ, ngành còn lại chưa thực hiện.
"Người dân vẫn phải xuất trình giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp trong khi dữ liệu đất đai đã được số hóa trên môi trường điện tử. Nguy cơ tác động đến năm 2025 sẽ không hoàn thành mục tiêu 50% thủ tục hành chính liên quan đến dữ liệu dân cư được cắt giảm", báo cáo nêu.
Về an ninh, an toàn bảo mật, vẫn còn 21/100 hệ thống thông tin chưa đáp ứng tất cả các tiêu chí an toàn, an ninh mạng, 11/100 hệ thống thông tin của 4 cơ quan chưa thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn, an ninh mạng.
Điều này dẫn đến nguy cơ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dẫn đến chưa cắt giảm, tối ưu quy trình nội bộ của các đơn vị, hệ thống bị tấn công, dữ liệu bị lộ lọt ảnh hưởng đến người dân và cơ quan quản lý nhà nước.
Bình luận (0)