Đặc biệt đối với quy định công an được phép “nổ súng trực tiếp” vào người và phương tiện khi có “căn cứ” được cho là sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ. Có 2 luồng quan điểm rất rõ ràng khi góp ý cho dự thảo quy định này, một bên ủng hộ để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật và cái uy của lực lượng chức năng, một bên chống vì lo ngại tình trạng lạm quyền.
Thực ra, cái đáng bàn nhất của bản dự thảo này là dạng thức văn bản chứ không phải ở các quy phạm.
Căn cứ của đề xuất này là tình trạng chống người thi hành công vụ “diễn biến phức tạp”. Dư luận hoàn toàn có thể chia sẻ được với cơ quan soạn thảo về điều này, vì rằng, lực lượng bảo đảm việc thi hành pháp luật mà còn bị tấn công khiến hình ảnh sức mạnh công quyền bị méo mó, luật pháp không còn được coi trọng. Nhưng điều mà dư luận cũng quan tâm không kém, đó là trong một chừng mực nào đó, cơ quan soạn thảo cũng xác định trong dự thảo việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho các lực lượng thi hành công vụ là một trong các biện pháp phòng ngừa hành vi chống người thi hành công vụ.
Chẳng thể nói quy định này là trái pháp luật như một vài ý kiến đã nêu, bởi vì quy định nổ súng của lực lượng thi hành công vụ nói chung và đối với hành vi chống người thi hành công vụ nói riêng đã được quy định rất rõ tại điều 15 và điều 16 của bộ luật Hình sự, điều 22 của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và nó được chấp nhận ở luật pháp tất cả các quốc gia. Chính vì thế không cần thiết phải có một văn bản chỉ để nhắc lại quy định này, khi mà quy định tại điều 18, dự thảo Nghị định cũng không làm rõ được tình huống nổ súng, thậm chí nó còn khó hiểu hơn quy định về “phòng vệ chính đáng” trong bộ luật Hình sự.
Thực tế, các điều khoản được thiết kế trong dự thảo đang thể hiện ở mức độ hướng dẫn nghiệp vụ (cho lực lượng thi hành công vụ) mà không chứa đựng bất kỳ quy phạm pháp luật nào. Đã là hướng dẫn nghiệp vụ thì cần nên ban hành các quy định nội bộ, hoặc thông tư, trong trường hợp có liên quan đến nhiều ngành.
Một văn bản dù có tính pháp quy mức độ nào cũng khó thể hạn chế rốt ráo tình trạng chống lại người thi hành công vụ khi vấn đề gốc gác chưa được triệt để giải quyết. Các giải pháp đồng bộ nhằm phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng này cần được thực hiện hiệu quả hơn, cả về nhận thức, về câu chữ, và cả trong hành động.
An Nguyên
Bình luận (0)