Bộ GD-ĐT vừa công bố để xin ý kiến đóng góp dự thảo Thông tư ban hành quy định chuẩn chương trình đào tạo đối với các trình độ của giáo dục đại học. Trong dự thảo đưa ra các quy định về chuẩn chương trình đào tạo trình độ giáo dục đại học về mục tiêu, chuẩn đầu ra, khối lượng tối thiểu, cấu trúc và các yêu cầu tối thiểu thực hiện chương trình đào tạo gồm: quy trình, tổ chức xây dựng, thẩm định, quy trình cập nhật, tổ chức đánh giá và công khai thông tin chương trình đào tạo.
Nếu được ban hành, thông tư sẽ áp dụng đối với đại học, học viện, trường đại học, viện nghiên cứu được phép đào tạo trình độ tiến sĩ (gọi chung là cơ sở đào tạo) và tổ chức, cá nhân có liên quan. Thông tư không áp dụng đối với chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài theo quy định về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Dự thảo Thông tư yêu cầu, các cơ sở đào tạo khi xây dựng chương trình đào tạo phải xây dựng được mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình. Trong đó, chuẩn đầu ra (learning outcomes) phải có tuyên bố rõ ràng về kết quả học tập cần đạt được của người học. Chuẩn đầu ra phải được xây dựng dựa trên mục tiêu chương trình đào tạo, bảo đảm tổng hòa kiến thức, kỹ năng, thái độ đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam và chuẩn chương trình đào tạo theo nhóm ngành, ngành đào tạo cụ thể.
Dự thảo cũng quy định khối lượng học tập đối với từng trình độ giáo dục đại học. Theo đó, chương trình đại học có khối lượng học tập tối thiểu toàn khóa là 120 tín chỉ, chương trình đào tạo đặc thù chuyên sâu tối thiểu từ 150 - 180 tín chỉ. Văn bằng cử nhân được cấp cho người hoàn thành trình độ đào tại đại học là cử nhân; cho người hoàn thành chương trình chuyên sâu đặc thù là kỹ sư, kiến trúc sư, dược sĩ, bác sĩ thú y, bác sĩ.
Khối lượng học tập đối với từng trình độ giáo dục đại học cụ thể như sau:
|
Lưu ý, khối lượng học tập đối với từng trình độ giáo dục đại học quy định trên không bao gồm giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh.
Ít nhất 1/3 thời gian học tập của bác sĩ là ngành chính
Với chương trình đào tạo trình độ đại học, chuyên sâu đặc thù, cấu trúc chương trình gồm nội dung giáo dục đại cương và nội dung giáo dục chuyên nghiệp. Nội dung giáo dục chuyên nghiệp bao gồm: nội dung cơ sở ngành, nội dung ngành chính, nội dung ngành phụ (nếu có), nội dung nghiệp vụ sư phạm (đối với chương trình đào tạo giáo viên), nội dung bổ trợ và khóa luận tốt nghiệp (nếu có). Thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định tỷ lệ số tín chỉ tự chọn trong nội dung ngành chính, nội dung ngành phụ hoặc kiến thức bổ trợ của chương trình đào tạo.
Nội dung học tập tối thiểu (số tín chỉ) trong chương trình đào tạo cấp bằng cử nhân phải bảo đảm tối thiểu 24 tín chỉ đối với nội dung giáo dục đại cương, 30 tín chỉ đối với nội dung ngành chính và 15 tín chỉ đối với nội dung ngành phụ (nếu có). Nếu chương trình đào tạo có cấu trúc kiểu song ngành thì nội dung học tập của ngành chính thứ hai phải bảo đảm tối thiểu 30 tín chỉ và khối lượng học tập của toàn bộ chương trình đào tạo tối thiểu 150 tín chỉ.
Nội dung học tập tối thiểu (số tín chỉ) trong chương trình đào tạo cấp bằng chuyên sâu, đặc thù có tổng tối thiểu là 150 tín chỉ đối với toàn bộ chương trình thì phải bảo đảm tối thiểu 24 tín chỉ đối với nội dung giáo dục đại cương, 45 tín chỉ đối với nội dung ngành chính và 15 tín chỉ đối với nội dung ngành phụ (nếu có).
Nội dung học tập tối thiểu (số tín chỉ) trong chương trình đào tạo cấp bằng chuyên sâu, đặc thù có tổng tối thiểu là 180 tín chỉ đối với toàn bộ chương trình thì phải bảo đảm tối thiểu 24 tín chỉ đối với nội dung giáo dục đại cương, 60 tín chỉ đối với nội dung ngành chính và 15 tín chỉ đối với nội dung ngành phụ (nếu có).
Cơ sở đào tạo thực hiện công khai chương trình đào tạo trước khi bắt đầu mỗi khóa học trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo. Trong số các nội dung về chương trình đào tạo Bộ GD-ĐT yêu cầu, phải công khai có các thông tin: thông tin hỗ trợ quyết định khóa học hoặc học phần, bao gồm thông tin về khóa học, điều kiện tuyển sinh, chuẩn đầu ra, địa điểm và thời gian khóa học, cơ chế đăng ký học tập và công nhận kết quả học tập, cơ chế chuyển đổi tín chỉ, lộ trình học tập, đánh giá, văn bằng, đạo đức học thuật, sở hữu trí tuệ, việc rút hoặc hủy đăng ký nhập học và điều kiện đăng ký thực hành, thực tập (nếu có)…
Bình luận (0)