7 trường gồm: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Xây dựng, Trường ĐH Giao thông vận tải, Trường ĐH Thủy lợi, Trường ĐH Mỏ - địa chất. Lễ công bố chung có mục tiêu hướng đến là phát triển các chương trình đào tạo kỹ sư sẽ tương đương với trình độ thạc sĩ và đạt bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia VN, đồng thời phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Khối lượng kiến thức toàn khóa tối thiểu của các chương trình là 180 tín chỉ.
Theo PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đây là nỗ lực chung của 7 trường kỹ thuật nhằm “định nghĩa lại” và nâng cao giá trị tấm bằng kỹ sư tại VN.
Còn PGS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, cho rằng sự thống nhất chung này sẽ giúp chương trình đào tạo kỹ sư của các trường tham gia trong lễ công bố sẽ có một nền tảng vững chắc, từ kiến thức cơ bản đến kiến thức cơ sở ngành cũng như chuyên ngành chuyên sâu.
Cuối năm ngoái, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 27/2019 quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục ĐH. Thông tư này chính thức có hiệu lực từ ngày 1.3 năm nay, dựa trên luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH năm 2018. Và theo Nghị định 99/2019 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật này, các văn bằng chuyên sâu đặc thù, trong đó có bằng kỹ sư, cần có chương trình với khối lượng học tập từ 150 tín chỉ trở lên (đối với người đã tốt nghiệp THPT và tương đương) hoặc từ 30 tín chỉ trở lên (với người đã tốt nghiệp trình độ ĐH). Như vậy, bằng kỹ sư được xếp vào nhóm văn bằng chuyên sâu đặc thù cùng với bằng bác sĩ và kiến trúc sư. Chương trình đào tạo kỹ sư nhiều hơn cử nhân ít nhất 30 tín chỉ.
Thông tư này thay thế cho Thông tư số 19/2011 của Bộ GD-ĐT quy định ngành kỹ thuật sẽ ghi bằng kỹ sư; những ngành được ghi bằng cử nhân gồm khoa học cơ bản, sư phạm, luật, kinh tế...
Bình luận (0)