Dự thảo luật Doanh nghiệp sửa đổi: Tạo sân chơi bình đẳng, minh bạch

16/02/2014 03:15 GMT+7

Luật Doanh nghiệp sửa đổi (dự thảo lần 2) vừa được công bố đang kỳ vọng tạo một sân chơi bình đẳng, công bằng và minh bạch với tất cả các loại hình doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp sửa đổi (dự thảo lần 2) vừa được công bố đang kỳ vọng tạo một sân chơi bình đẳng, công bằng và minh bạch với tất cả các loại hình doanh nghiệp.


Dự thảo luật Doanh nghiệp mới bãi bỏ việc bắt buộc đăng ký ngành nghề kinh doanh - Ảnh: Khả Hòa

Là người chắp bút cho dự thảo, TS Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (Ciem), khi trao đổi với PV Thanh Niên chiều 15.2 đã nhấn mạnh lần sửa đổi này nhằm vào các mục tiêu quan trọng: Tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho tất cả cộng đồng doanh nghiệp (DN) không phân biệt thành phần, hình thức sở hữu nhà nước hay tư nhân. Bên cạnh đó, luật cũng sẽ tạo ra một bước đệm, động lực mới để các DN sẵn sàng “bơi ra biển lớn” khi một loạt các hiệp định kinh tế, thương mại… được ký kết trong thời gian tới.

Điểm rất đáng chú ý của dự thảo là một chương riêng về doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được xây dựng, theo ông Cung, nhằm khắc phục sự trì trệ, yếu kém của các đầu tàu kinh tế nhà nước. Cụ thể, dự thảo nêu rõ DNNN được thành lập và chỉ tập trung hoạt động trong các ngành, nghề chính gồm: công nghiệp quốc phòng; các ngành công nghiệp độc quyền tự nhiên; các ngành, lĩnh vực cung cấp hàng hóa và dịch vụ thiết yếu; một số ngành công nghiệp nền tảng, công nghệ cao có sức lan tỏa lớn.

Để tránh hậu quả từ việc làm ăn thua lỗ của nhiều tập đoàn, tổng công ty như vừa qua, một điều kiện quan trọng được đưa vào dự thảo là DNNN hoạt động kinh doanh đầy đủ theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng với các DN khác. Đặc biệt, phải kinh doanh có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước. DNNN định kỳ đánh giá và báo cáo về hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại DN. Trong đó, vốn nhà nước tại DN được bảo toàn và phát triển khi giá trị thực tế vốn đầu tư đó tăng thêm hoặc tỷ suất lợi nhuận của nó trong kỳ báo cáo ít nhất bằng lãi suất bình quân trái phiếu chính phủ ở thị trường trong nước trong cùng thời kỳ.

Bên cạnh đó, nhằm tạo sự công khai, minh bạch để các cơ quan nhà nước và người dân giám sát, các DNNN phải thường xuyên báo cáo cơ quan chủ sở hữu các báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập. Báo cáo về hoạt động quản trị của công ty.

Lập một cơ quan đại diện vốn nhà nước tại DN

Điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo luật lần này là việc Ban soạn thảo đưa ra quy định nhằm tách bạch quyền chủ sở hữu vốn nhà nước và quyền tự chủ kinh doanh của các DN. Theo đó, Chính phủ sẽ thành lập một cơ quan chủ sở hữu chuyên trách và độc lập với cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Cụ thể, theo TS Cung, Quốc hội sẽ ủy quyền cho Chính phủ phân công một hoặc một số tổ chức trực tiếp thực hiện các quyền chủ sở hữu tại DN. Cơ quan chủ sở hữu không được trực tiếp tham mưu, soạn thảo chính sách; không được trực tiếp tham gia kiểm soát, điều tiết thị trường và thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước khác. Các cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp và áp đặt mệnh lệnh hành chính vào hoạt động kinh doanh; đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh của DN.

Khác với trước kia, lần này cơ quan chủ sở hữu sẽ là người quyết định mục tiêu, ngành nghề kinh doanh của DNNN. Đặc biệt, quyết định cơ cấu tổ chức quản lý; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thành viên hội đồng thành viên, kiểm soát viên của công ty và những cán bộ quản lý khác; quyết định khen thưởng, kỷ luật và mức thù lao, tiền lương và lợi ích khác. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng quyết định các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật. Tổ chức giám sát, đánh giá kết quả hoạt động của công ty, hội đồng thành viên và Ban kiểm soát.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc Chính phủ phải thành lập cơ quan chủ sở hữu này như thế nào để đảm bảo thực thi được các quyền trên. Bởi nếu không thành lập được, theo TS Cung, coi như những điều quy định trong dự thảo sẽ không thể thực hiện được. “Trong dự thảo có quy định mỗi DN có một cơ quan chủ sở hữu chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội. Nhưng phải hiểu theo nghĩa Chính phủ chỉ thành lập một cơ quan chuyên trách về chủ sở hữu vốn nhà nước. Hiện nay, chúng tôi đang được giao xây dựng đề án thành lập cơ quan này. Sau khi hoàn thành sẽ báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội…”, TS Cung cho biết.

Tiến bộ hơn

 Dự thảo luật Doanh nghiệp sửa đổi: Tạo sân chơi bình đẳng, minh bạch

Việc bãi bỏ quy định bắt buộc đăng ký ngành nghề kinh doanh trong dự thảo luật Doanh nghiệp mới là tiến bộ quan trọng nhất của những nhà soạn thảo luật nói riêng và VN nói chung. Trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn cũng như quá trình hội nhập kinh tế thế giới, nên để cho các DN tự do thành lập công ty, kinh doanh bất kỳ cái gì mà luật pháp không cấm. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các DN phát triển mạnh hơn, khi giảm được thời gian và chi phí vào những thủ tục hành chính. Việc đăng ký ngành nghề kinh doanh như hiện nay cũng không thể đảm bảo hoạt động quản lý các DN hoàn toàn tuân theo đúng luật. Chúng ta càng giảm bớt được các giấy phép con thì càng giúp DN giảm được chi phí hoạt động. Riêng các DN hoạt động trong những ngành nghề đặc thù, có điều kiện như lĩnh vực thực phẩm thì việc đảm bảo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm là do các bộ, ngành có liên quan như y tế, công thương... quản lý và kiểm tra kiểm soát, chứ không phải là do DN có đăng ký ngành nghề hay không.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn

Bớt phiền hà cho DN

Dự thảo luật Doanh nghiệp sửa đổi: Tạo sân chơi bình đẳng, minh bạch 

Bản thân các DN không chỉ kinh doanh trong thị trường nội địa mà ngày nay cũng phải tăng cường xuất khẩu để mở rộng thị phần. Do đó sự cạnh tranh với các DN nước ngoài hết sức gay gắt. Vì vậy, nếu như việc đăng ký ngành nghề kinh doanh được bãi bỏ thì sẽ giảm bớt phiền hà cho DN. Tuy nhiên điều đó vẫn chưa đủ. Chính phủ cần phải xem xét giảm nhiều hơn nữa các thủ tục hành chính, các loại giấy phép con trong nhiều lĩnh vực để giảm bớt thời gian và chi phí cho DN. Điều này sẽ tạo điều kiện cho DN giảm được chi phí hoạt động, tăng thêm sức cạnh tranh trong môi trường hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.

Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt

Thể hiện quyết tâm hội nhập

Dự thảo luật DN sửa đổi vừa được công bố theo tôi là có nhiều yếu tố mang độ mở khá cao, thể hiện quyết tâm hội nhập lớn của các nhà làm luật.

 Dự thảo luật Doanh nghiệp sửa đổi: Tạo sân chơi bình đẳng, minh bạch

Chẳng hạn như việc bãi bỏ một số thủ tục khi thành lập DN. Qua tiếp xúc với nhiều DN trong và ngoài nước, điều mà các DN thường kêu ca nhiều nhất và gây bức xúc nhất cho họ chính là thủ tục thành lập DN, nên việc tháo gỡ này tôi cho là bước tiến mới đáng ghi nhận. Thứ hai là việc không bắt buộc đăng ký trước ngành nghề kinh doanh. Theo tôi tìm hiểu các luật DN các nước chẳng hạn như ở Mỹ, Canada, Singapore... thì thường chỉ có giấy phép thành lập DN chung, còn tham gia ngành nghề nào, có một giấy được coi như chứng chỉ hành nghề chứ không nhất thiết phải làm ngành nào là đăng ký một dãy dài các ngành nghề đó, rồi khi làm thêm lại phải thay đổi giấy phép kinh doanh. Thứ nữa là để hội nhập tốt, luật cần có những quy định cụ thể về ưu đãi đầu tư cho DN trong nước cũng như nước ngoài như nhau. Có như vậy mới tránh được những hạn chế như DN ngoại khai bị lỗ triền miên để trục lợi thuế. Luật DN Mỹ còn quy định cho phép DN chỉ lỗ 3 năm, sau đó vẫn còn lỗ thì đóng cửa. Vậy luật DN mình cũng cần quyết liệt như vậy. Cuối cùng là việc đồng bộ hóa đến từng địa phương, nghĩa là sau luật cần dẹp “lệ”. Có tình trạng luật của mình đang được mỗi địa phương áp dụng mỗi kiểu, bởi không thể có tình trạng địa phương này xin phép thành lập DN chỉ trong 1 tháng, địa phương khác lại 3 năm (thực tế tôi đã trải qua) chỉ vì thủ tục hiểu mỗi nơi một cách.

Tiến sĩ Robert Trần, Chuyên gia tư vấn chiến lược DN

Mai Phương - N.Nga

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.