Dự thảo mới nhất của TAND tối cao: Tiếp tục đổi tên tòa án tỉnh và huyện

05/10/2023 13:54 GMT+7

Trong dự thảo mới nhất, TAND tối cao tiếp tục đề xuất đổi tên TAND cấp tỉnh và huyện, đồng thời cho biết sẽ đề xuất tăng thẩm quyền xét xử cho TAND sơ thẩm.

TAND tối cao vừa hoàn tất dự thảo lần 5 luật Tổ chức TAND sửa đổi. Cơ quan này tiếp tục đề xuất đổi mới mô hình tổ chức ngành tòa án, nhằm hướng tới độc lập xét xử.

Dự thảo mới nhất của TAND tối cao về việc đổi tên tòa án tỉnh và huyện - Ảnh 1.

TAND tối cao đề xuất đổi tên TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm

TUYẾN PHAN

Hiện nay, mô hình tổ chức ngành tòa án gồm: TAND tối cao, TAND cấp cao (tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM), TAND cấp tỉnh (tại 63 tỉnh, thành), TAND cấp huyện (hơn 700 đơn vị) và các tòa án quân sự.

TAND tối cao cho rằng việc tổ chức mô hình gắn với địa giới hành chính như trên sẽ ảnh hưởng đến địa vị pháp lý của tòa án, khiến nhiều người nhận thức rằng tòa án là một đơn vị chức năng thuộc cơ quan hành chính cùng cấp, chưa đảm bảo nguyên tắc độc lập xét xử…

Vì thế, trong dự thảo, TAND tối cao đề xuất đổi mới mô hình tổ chức, gồm: TAND tối cao, TAND cấp cao, TAND phúc thẩm (thay cho TAND cấp tỉnh, ví dụ TAND phúc thẩm Hà Nội), TAND sơ thẩm (thay cho TAND cấp huyện, ví dụ TAND sơ thẩm Hoàn Kiếm), TAND sơ thẩm chuyên biệt (mới) và các tòa án quân sự.

Trong đó, TAND tối cao và các tòa án quân sự về cơ bản giữ nguyên như hiện nay.

TAND phúc thẩm xét xử phúc thẩm và cả sơ thẩm các vụ án theo quy định, đồng thời chuyển thẩm quyền xét xử sơ thẩm một số vụ việc đặc thù và đòi hỏi tính chuyên môn sâu cho TAND sơ thẩm chuyên biệt.

TAND sơ thẩm tiếp tục xét xử sơ thẩm các vụ án theo quy định, trừ các vụ thuộc thẩm quyền sơ thẩm của TAND phúc thẩm và TAND sơ thẩm chuyên biệt.

TAND cấp cao xét xử phúc thẩm các bản án của TAND phúc thẩm hoặc TAND sơ thẩm chuyên biệt bị kháng cáo hoặc kháng nghị; giám đốc thẩm các bản án của TAND phúc thẩm, TAND sơ thẩm hoặc TAND sơ thẩm chuyên biệt đã có hiệu lực pháp luật mà bị kháng nghị.

Đây không phải lần đầu TAND tối cao đưa ra phương án đổi mới mô hình tổ chức ngành tòa án. Tại các dự thảo trước đó, cơ quan này cũng đã đề xuất theo hướng đổi tên TAND cấp tỉnh (thành TAND phúc thẩm) và TAND cấp huyện (thành TAND sơ thẩm).

Phương án này nhận được ý kiến trái chiều. Bên cạnh sự đồng tình, nhiều cơ quan, đại biểu, chuyên gia cho rằng nếu chỉ dừng lại ở việc đổi tên thì không mang nhiều ý nghĩa, không giúp xét xử độc lập hơn. Bởi lẽ, dù đổi thành TAND phúc thẩm nhưng lại vẫn xét xử cả sơ thẩm, số lượng các tòa án không thay đổi, vẫn gắn liền với địa giới hành chính…

Tiếp thu những đóng góp vừa nêu, trong tờ trình kèm theo dự thảo mới nhất, TAND tối cao khẳng định việc đổi mới mô hình tổ chức ngành tòa án là phù hợp với định hướng phát triển lâu dài.

Vì vậy, ngoài việc đổi tên TAND tỉnh và TAND huyện, TAND tối cao cho biết sẽ tiếp tục đề xuất tăng thẩm quyền cho TAND sơ thẩm khi các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm có đủ năng lực điều tra, truy tố, xét xử tất cả các loại vụ việc. Khi ấy TAND phúc thẩm sẽ có nhiệm vụ chính yếu là xét xử theo thủ tục phúc thẩm.

Cân nhắc giữa chi phí bỏ ra và lợi ích thu về

Giữa tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo luật Tổ chức TAND sửa đổi.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu thêm về đề xuất thay đổi tên gọi TAND cấp tỉnh và huyện bởi "đây chỉ là vấn đề kỹ thuật, đổi tên nhưng lại không thay đổi chức năng nhiệm vụ gì cả, vẫn dùng tên tỉnh và thành phố, địa phương vào đó, chỉ thêm chữ sơ thẩm và phúc thẩm".

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần đánh giá giữa chi phí bỏ ra và lợi ích thu về, lợi thì được thêm điều gì, không lợi gồm những gì. Ví dụ như khắc lại con dấu, thay đổi tên trụ sở… đều là những việc phát sinh chi phí, nhưng vẫn có thể thực hiện được nhanh; điều quan trọng là sẽ phải sửa nhiều đạo luật để có sự tương thích.

"Nó chỉ là tên, còn nội hàm, nội dung không thay đổi. Các đồng chí tính thêm chỗ này, lập luận cho thuyết phục; Quốc hội xem xét, quyết định nên hay không nên", Chủ tịch Quốc hội nói.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 5.10

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.