Theo Bộ Tài chính, tăng trưởng kinh tế quý 1/2023 chưa đạt kịch bản đề ra, một số ngành công nghiệp chủ lực và nhiều địa phương công nghiệp trọng điểm suy giảm hoặc tăng trưởng thấp. Trong thời gian tới, dự báo tình hình kinh tế, chính trị, an ninh toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản thế giới gia tăng. Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn, thách thức rất lớn, nhất là do những tác động, ảnh hưởng lớn của các bất lợi từ bên ngoài cũng như những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế.
Để góp phần giảm giá thành sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo công ăn việc làm cho người lao động, Chính phủ đã có tờ trình lên Quốc hội tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết 43/2022. Việc thực hiện giảm thuế theo Nghị quyết 43 đã hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khoảng 43.948 tỉ đồng (trong đó, nội địa khoảng 24.690 tỉ đồng, nhập khẩu 19.258 tỉ đồng).
Trong quá trình giảm thuế GTGT cũng đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như cách xác định hàng hóa, dịch vụ giảm thuế, thời điểm lập hóa đơn… Nguyên nhân chủ yếu là do có sự khác nhau giữa các nhóm hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế theo Nghị quyết 43 và Quyết định 43/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống sản phẩm Việt Nam cũng như mã hàng hóa nhập khẩu dẫn đến khó khăn khi xác định mã hàng.
Dự thảo nghị định mới đề cập giảm thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ như viễn thông, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại…
Cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất 8% đối với hàng hóa, dịch vụ. Nghị định dự kiến có hiệu lực từ 1.7.2023 đến hết 31.12.2023. Nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm, dự kiến số thu ngân sách giảm thu thuế tương đương 24.000 tỉ đồng.
Bình luận (0)