Dự thảo thông tư hướng dẫn NĐ 171: Tạo thuận lợi cho... người vi phạm

10/02/2014 09:10 GMT+7

Bộ Công an cho rằng đối với một số lỗi vi phạm đơn giản, người vi phạm có thể nộp tiền phạt trực tiếp cho CSGT để tiết kiệm thời gian, tuy nhiên nhiều ý kiến lo ngại việc “đưa tiền mặt” có thể sẽ gây hệ lụy xấu.

Bộ Công an cho rằng đối với một số lỗi vi phạm đơn giản, người vi phạm có thể nộp tiền phạt trực tiếp cho CSGT để tiết kiệm thời gian, tuy nhiên nhiều ý kiến lo ngại việc “đưa tiền mặt” có thể sẽ gây hệ lụy xấu.

Dự thảo thông tư hướng dẫn NĐ 171: Tạo thuận lợi cho... người vi phạm
CSGT Hà Nội xử lý người vi phạm - Ảnh: Ngọc Thắng

Hạn chế tạm giữ phương tiện

Dự thảo thông tư cũng hướng dẫn trường hợp quá 10 ngày (kể từ khi nhận quyết định xử phạt) mà cá nhân, tổ chức vi phạm chưa nộp tiền phạt thì bị cưỡng chế thi hành. Mỗi ngày chậm phải nộp thêm 0,05% tổng số tiền chưa nộp (tính cả ngày lễ, ngày nghỉ và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp phạt).

Việc tạm giữ phương tiện chỉ thực hiện trong trường hợp cần thiết và thời hạn tạm giữ là 7 ngày, có thể kéo dài khi vụ việc phức tạp nhưng không quá 30 ngày. Trường hợp ô tô kinh doanh vận tải mà chủ phương tiện không biết người điều khiển phương tiện thì cơ quan chức năng có thể xử phạt chủ phương tiện về hành vi sử dụng lái xe để kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không có hợp đồng lao động.

>> Nộp phạt tại chỗ sẽ giảm phiền hà cho dân

Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 171/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Đáng chú ý là tại dự thảo này, tổ chức, cá nhân bị xử phạt có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt. Trường hợp vi phạm có mức phạt trên 250.000 đồng đối với cá nhân, trên 500.000 đồng đối với tổ chức (mức tối đa của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó), xảy ra ở trên tàu khi đoàn tàu đã rời ga; ở vùng sâu, vùng xa mà việc đi lại gặp khó khăn hoặc xảy ra ngoài giờ hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt lập biên bản vi phạm hành chính; nếu hành vi vi phạm rõ ràng, không cần xác minh, thuộc thẩm quyền xử phạt của mình, thì được ra ngay quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Trả lời Thanh Niên chiều qua, ông Lưu Thanh Hiệp - Phó trưởng phòng Hướng dẫn và tổ chức tuần tra, kiểm soát, giao thông đường bộ - Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67), Bộ Công an, giải thích quy định trên chỉ áp dụng đối với các lỗi, hành vi đơn giản mà CSGT trong thẩm quyền xử phạt của mình được ra quyết định xử phạt. Còn các trường hợp khác thì vẫn phải ra kho bạc nộp phạt như trước đây. “Nộp phạt tại chỗ chỉ là một cách, trong trường hợp người vi phạm không mang theo tiền thì vẫn có thể lựa chọn việc nộp phạt qua kho bạc như trước đây”, ông Hiệp nói.

Đối chiếu với Nghị định 171/2013, có hàng loạt vi phạm bị xử phạt dưới 400.000 đồng có thể nộp phạt tại chỗ như: không chấp hành hiệu lệnh, biển báo khi điều khiển ô tô, xe máy; chạy quá tốc độ; dừng đỗ trái quy định; đi vào đường cấm; không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng cách; chở quá người khi điều khiển xe máy…

Liên quan đến quy định nộp tiền phạt trực tiếp cho CSGT đã có không ít lo ngại sẽ nảy sinh tiêu cực, đồng thời tạo ra hình ảnh không đẹp khi CSGT đếm tiền, thối tiền... trước mặt người dân.

Tuy nhiên ông Lưu Thanh Hiệp cho rằng: “Vấn đề quan trọng là cơ chế quản lý, giám sát như thế nào, hiện Bộ Công an đang tiếp tục lấy ý kiến của các bộ ngành chức năng”.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cũng cho rằng việc thu tiền phạt tại chỗ đối với một số hành vi là nên làm. “Với một lỗi vi phạm, nhiều khi người vi phạm phải đi 3 - 4 lần nộp phạt cũng không xong thì cho nộp tại chỗ sẽ thuận tiện hơn, với lỗi bị phạt vài ba trăm ngàn thì nộp luôn cho xong, đỡ đi lại”, ông Hiệp nói.

Không giám sát sẽ dễ xảy ra mãi lộ

Dự thảo Thông tư Bộ Công an đưa ra quy định cho phép người vi phạm được nộp tiền tại chỗ cho CSGT đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Tôi cho rằng ý tưởng này của ban soạn thảo là nhằm mục đích giải quyết bất cập trong khâu thi hành quyết định phạt tiền của người vi phạm giao thông hiện nay khi người vi phạm phải đi lại nhiều, vừa phải tới cơ quan công an để lấy quyết định xử phạt, rồi xong phải chạy qua Kho bạc Nhà nước để nộp tiền phạt, sau đó lại mang biên lai nộp tiền phạt đó quay về nộp cho cơ quan công an để lấy giấy tờ, phương tiện bị tạm giữ. Mục đích là tốt song tôi thấy rằng còn không ít băn khoăn.

Thứ nhất, hiện nay điều 56 luật Xử lý vi phạm hành chính cũng cho phép trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ mà không cần phải lập biên bản vi phạm. Tuy nhiên, tại điều 78 luật Xử lý vi phạm hành chính khi quy định về thủ tục nộp tiền phạt vi phạm hành chính chỉ cho phép cá nhân, tổ chức bị xử phạt nộp tiền phạt tại chỗ khi việc xử phạt diễn ra tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn hoặc trong trường hợp xử phạt trên biển hoặc ngoài giờ hành chính. Ngoài các trường hợp ngoại lệ trên, những trường hợp còn lại thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt.

Do đó, việc dự thảo thông tư quy định theo hướng cho phép người vi phạm pháp luật giao thông đường bộ, đường sắt có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt cao hơn quy định của luật. Theo Nghị định 171/2013 thì CSGT đường bộ đang thực thi công vụ có thẩm quyền ra quyết định xử phạt tại chỗ đến mức 400.000 đồng thì có phù hợp?

Thứ hai, thực tế hiện nay dư luận rất bất bình với tình trạng tham nhũng, mãi lộ, do đó dự thảo thông tư cho phép người vi phạm nộp tiền phạt tại chỗ nhưng không kèm theo cơ chế kiểm soát, giám sát thì sẽ như là một hình thức hợp thức hóa cho nạn tham nhũng, mãi lộ đang diễn ra hiện nay.

Theo tôi, chúng ta có thể sử dụng cách thức người vi phạm chuyển khoản qua ngân hàng vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước như hiện nay chúng ta vẫn thực hiện đối với hình thức thu tiền điện và tiền nước tại một số địa phương. Sau khi được chuyển khoản, Kho bạc Nhà nước sẽ phát thông báo qua cơ quan ra quyết định xử phạt. Sau đó, căn cứ theo thông báo này, cơ quan ra quyết định xử phạt sẽ gửi giấy tờ xe của người vi phạm qua đường bưu điện bằng hình thức bảo đảm.

LS Nguyễn Văn Hậu
(Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM)

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.