Dự thi vào trường tuyển sinh riêng: Chú ý các hình thức thi và xét tuyển

18/03/2014 14:00 GMT+7

Lúc 14 giờ 30 ngày 18.3, Báo Thanh Niên tiếp tục chương trình tư vấn trực tuyến truyền hình với chủ đề “Chọn nghề phù hợp” tại trang www.thanhnien.com.vn với chủ đề các lưu ý khi thi vào các trường tuyển sinh riêng.

Trong buổi tư vấn này, các chuyên gia sẽ phân tích nhiều điểm mới của quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014, đặc biệt tập trung giải đáp thắc mắc của thí sinh về quy định của các trường tuyển sinh riêng.

Tham dự chương trình có chuyên gia đến từ các trường, gồm:

  • Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM.
  • Thạc sĩ Huỳnh Tôn Nghĩa, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.
  • Thạc sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng.
  • Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
  • Thạc sĩ Huỳnh Quốc Phong, Giám đốc Trung tâm tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng.
  • Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân.

Bạn đọc quan tâm có thể gửi câu hỏi về chương trình thông qua hướng dẫn kế bên hoặc điện thoại vào đường dây nóng trực tuyến số: (08).39256248.

 
Các thầy đại diện cho các trường nhận hoa từ ban tổ chức - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

14 giờ 30 phút, chương trình tư vấn tuyển sinh bắt đầu với sự tham dự của học sinh lớp 12 trường THPT dân lập Thanh Bình (TP.HCM) và 6 khách mời trong ban tư vấn. Về phía Báo Thanh Niên, có anh Võ Ba, Trưởng ban Thanh niên - Giáo dục

Mở đầu chương trình, nhà báo Thùy Ngân - Phó ban Thanh Niên - Giáo dục báo Thanh Niên, cho biết, một trong những thay đổi lớn nhất trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay là bên cạnh các trường thi chung theo phương thức “3 chung” của Bộ GD-ĐT, cũng có rất nhiều trường được phép tuyển sinh riêng.

Ngày 15.3, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT đã công bố danh sách 53 trường ĐH, CĐ được tuyển sinh riêng năm 2014 (xem cụ thể danh sách trên www.thanhnien.com.vn).

Nhà báo Thùy Ngân thông tin thêm, theo quy định, năm 2014, thí sinh thi vào trường tuyển sinh riêng sẽ có hạn nộp hồ sơ do nhà trường quy định và được công bố trong đề án tuyển sinh riêng của từng trường.

Theo đó, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD- ĐT cho hay thí sinh có nguyện vọng thi vào các trường tuyển sinh riêng cần phải tìm hiểu kỹ về cách thức tuyển sinh riêng của nhà trường, các điều kiện tuyển sinh, các giấy tờ nộp bổ sung so với hồ sơ dự thi ĐH, CĐ theo “ba chung” thông thường.

Vì thế, nhà báo Thùy Ngân cho biết nội dung buổi tư vấn hôm nay là thật sự cần thiết cho những học sinh có ý định thi vào các trường tuyển sinh riên.

Trước khi các trường có những thông tin về quy định tuyển sinh riêng của trường mình, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - có những phân tích về việc tuyển sinh riêng của các trường trong năm nay.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, giải thích về một số lưu ý về việc tuyển sinh riêng của các trường: Bộ GD - ĐT đã đồng ý cho 53 trường ĐH - CĐ được tuyển sinh riêng. Thực chất, trong đó có 10 trường khối văn hóa - nghệ thuật, sân khấu, điện ảnh đã tuyển sinh riêng từ 2013 và một số trường không tổ chức thi mà xét tuyển. Có thể chia các trường tuyển sinh riêng thành 3 nhóm:

+ Các trường tuyển sinh riêng hoàn toàn: TS nộp hồ sơ riêng, có đề riêng, ngày thi riêng của từng trường.

+ Các trường xét tuyển dựa trên kết quả học tập và thi Tốt nghiệp THPT, xét tuyển trên kỳ thi 3 chung.

+ Các trường kết hợp xét tuyển dựa trên kết quả THPT và kết hợp tổ chức thi một số môn đặc thù (số trường này không nhiều).

 
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Để biết trường đó tuyển sinh như thế nào thì thí sinh cần theo dõi thông tin của trường đó, hoặc qua các buổi tư vấn, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nói tiếp về phương thức tuyển sinh riêng của các trường, thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cho biết: Trường thuộc nhóm 2 nghĩa là vừa tổ chức thi tuyển sinh 3 chung theo Bộ GD-ĐT, kết hợp xét tuyển học bạ THPT. Thi theo hình thức 3 chung sẽ dành chiếm 75% chỉ tiêu. Điểm mới năm nay là trường dành 25% trong tổng chỉ tiêu để xét tuyển học bạ THPT, không sử dụng kết quả thi 3 chung.

Điều kiện xét tuyển là thí sinh tốt nghiệp THPT, đạo đức từ loại khá trở lên, trung bình các môn thuộc khối xét tuyển trong 3 năm THPT phải trên 6 điểm với bậc ĐH và 5,5 điểm với bậc CĐ. Sau khi nhận hồ sơ, nhà trường lấy tổng điểm 3 môn cộng lại và lấy từ trên xuống dưới theo chỉ tiêu của trường.

 
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trong đợt 1, thí sinh vẫn nộp hồ sơ theo tuyến của các trường THPT hoặc sở GD-ĐT từ ngày 17.3 đến 17.4, nộp tại trường đến ngày 29.4. Các em sẽ bổ sung học bạ, bằng tốt nghiệp THPT hoặc giấy tốt nghiệp tạm thời từ ngày 20.6 đến 30.6. Trường sẽ công bố kết quả sau ngày 18.7. Với hình thức 3 chung sẽ công bố theo lịch chung của Bộ GD-ĐT.

Nhà trường cũng dự kiến tổ chức xét tuyển đợt thứ 2 từ ngày 1.8 đến 15.8 nếu vẫn còn chỉ tiêu xét tuyển và công bố ngày 29.8.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân cho biết: Mùa tuyển sinh này trường tiếp tục xét tuyển theo chương trình tuyển sinh riêng: xét tuyển theo thi 3 chung và xét tuyển học bạ của thí sinh.

Hình thức xét tuyển theo học bạ áp dụng cho bậc đại học ở các ngành: kiến trúc, văn học, VN học, quan hệ quốc tế, áp dụng ở bậc cao đẳng với các ngành công nghệ kỹ thuật môi trường và văn hóa du lịch. Với ngành kiến trúc gồm khối V, V1, thí sinh dùng điểm học bạ môn Toán, Lý ở khối V (phải từ 12 điểm trở lên ở bậc THPT), hai môn Toán, Văn ở khối V1 (phải từ 11,5 trở lên) và điểm môn vẽ ở một trường khác để nộp vào trường Duy Tân.

Các ngành còn lại điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình các môn học theo khối thi, đã đăng ký của TS trong 5 HK, đối với bậc ĐH từ 18 điểm trở lên và CĐ từ 16,5 điểm trở lên.

 
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trường xét tuyển riêng bắt đầu từ 1.7. Các em vào website của trường để xem giấy bổ sung xét tuyển kèm với hồ sơ của các thí sinh.

Thạc sĩ Huỳnh Tôn Nghĩa, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thông tin chi tiết về các ngành trường tổ chức tuyển sinh riêng: Trường tuyển sinh 21 ngành, trong đó chỉ có 5 ngành tuyển sinh riêng (vừa kết hợp tuyển sinh 3 chung, vừa xét tuyển), còn lại tuyển sinh theo 3 chung.

Các ngành tuyển sinh riêng gồm: Kỹ thuật công nghiệp, Công nghệ in, Kinh tế gia đình (70% chỉ tiêu tuyển sinh theo kỳ thi 3 chung, 30% chỉ tiêu xét tuyển), Sư phạm tiếng Anh (tối thiểu 75% chỉ tiêu thi 3 chung; tối đa 25% chỉ tiêu xét tuyển) và Thiết kế thời trang (thi kết hợp xét tuyển: Thi Toán, Vẽ trang trí màu và xét học bạ môn Ngữ văn).

Tiêu chí xét tuyển các ngành Kỹ thuật Công nghiệp, Kinh tế gia đình và Kỹ thuật In, cụ thể là: xét tuyển theo học bạ THPT, với điều kiện cần đối với TS là: tốt nghiệp THPT và hạnh kiểm từ khá trở lên cả 3 năm THPT; tất cả điểm trung bình (ĐTB) từng môn học theo khối thi đã đăng ký tương ứng (5 học kỳ tính đến HK 1 lớp 12) phải đạt từ 6,5 trở lên. Tiêu chí xét tuyển của trường là lấy chỉ tiêu từ trên xuống theo tổng ĐTB 3 môn theo học bạ THPT; ưu tiên nữ đối với các ngành kỹ thuật công nghệ.

Đối với ngành Sư phạm tiếng Anh (miễn học phí), trường xét tuyển theo học bạ THPT và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đối với TS: có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS 5.5 trở lên hoặc tương đương (được Bộ GD - ĐT công nhận và Cục khảo thí thẩm định); điểm trung bình từng môn Toán, Ngữ văn trong 5 học kỳ THPT (5 HK tính đến HK 1 lớp 12) phải đạt từ 5.5 trở lên; tốt nghiệp THPT và hạnh kiểm từ khá trở lên cả 3 năm cuối THPT. Tiêu chí xét tuyển của trường là lấy chỉ tiêu từ trên xuống theo tổng điểm trung bình của hai môn Toán và Ngữ văn theo học bạ. Trường hợp bằng điểm, ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ có điểm cao hơn.

Đối với ngành thiết kế thời trang, trường lấy kết quả trong kỳ thi chung kết hợp xét tuyển theo học bạ. Trong đó, thi hai môn Toán (theo đề của Bộ), Vẽ trang trí màu (theo đề riêng của trường) và xét tuyển môn Ngữ văn theo học bạ THPT. Điều kiện cần xét tuyển là: tốt nghiệp THPT và hạnh kiểm từ khá trở lên cả 3 năm cuối THPT; ĐTB môn Ngữ văn (5 HK tính đến HK 1 lớp 12) đạt từ 5.5 trở lên; điểm thi môn Vẽ trang trí màu (chưa nhân hệ số) phải đạt từ 5.0 trở lên.

 
Thạc sĩ Huỳnh Tôn Nghĩa, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Tiêu chí xét tuyển là lấy chỉ tiêu từ trên xuống theo tổng điểm của hai môn thi: Toán (hệ số 1) và Vẽ trang trí màu (hệ số 2). Trường hợp bằng điểm thì ưu tiên cho thí sinh có ĐTB môn Ngữ văn theo học bạ THPT (5 HK tính đến HK 1 lớp 12).

Tất cả các ĐTB các môn học xét tuyển theo học bạ được tính như sau: trung bình cộng của điểm trung bình môn của 5 học kỳ ba năm học 10, 11, 12 theo học bạ THPT, không tính học kỳ 2 năm lớp 12.

Thạc sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng bổ sung: Trường vừa tuyển sinh theo hình thức 3 chung vừa kết hợp xét tuyển riêng. Trường dành 70% tuyển sinh theo hình thức 3 chung và dành 30% còn lại xét tuyển riêng, trừ ngành dược.

Trường ĐH Lạc Hồng sẽ xét tuyển theo học bạ THPT với một số điều kiện nhất định, thí sinh có thể đọc trên website của trường. Đối với thí sinh tham gia xét tuyển riêng, sử dụng đề án trường nào, thì chỉ được áp dụng ở trường đó. Quyền lợi của thí sinh thi tuyển sinh 3 chung và xét tuyển riêng đều như nhau khi trúng tuyển vào trường.

Thạc sĩ Huỳnh Quốc Phong, Giám đốc Trung tâm tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng tư vấn: Trường kết hợp hai phương án vừa tuyển sinh theo phương án 3 chung vừa xét tuyển kết quả học bạ THPT và kết quả tốt nghiệp THPT.

 
Thạc sĩ Huỳnh Quốc Phong, Giám đốc Trung tâm tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Điều kiện xét tuyển có 4 tiêu chí: phải tốt nghiệp THPT; ĐTB các môn xét tuyển phải từ 6.0 trở lên với bậc ĐH và từ 5.5 - 6.0 đối với bậc CĐ; 3 năm liền là học sinh khá; điểm trung bình 3 môn dự thi sẽ xếp từ cao đến thấp (vẫn được hưởng chế độ ưu tiên khu vực và đối tượng).

Trường có 3 khối năng khiếu H, T, V: trường thi 3 chung với môn năng khiếu. Bạn nào xét tuyển vào trường khi thi trường khác thì dùng kết quả đó để xét tuyển vào trường.

Đợt 1 nộp hồ sơ từ 17.3 - 17.4 và nộp trực tiếp về trường 1 tuần sau đó. Từ 20.6 - 30.6 là thời gian để bổ sung kết quả học kì thứ 6 và bằng hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT. Nếu còn chỉ tiêu thì từ 1.8 - 15.8 trường nhận hồ sơ xét tuyển đợt 2. Tổng chỉ tiêu của trường là 3.100 chỉ tiêu.

Nhà báo Thùy Ngân đặt vấn đề: Thí sinh thi vào trường ĐH Kiến trúc TP.HCM không trúng tuyển, các trường có sử dụng kết quả đó để xét tuyển không vì trường ĐH Kiến trúc TP.HCM năm nay tổ chức thi khối V1, H1, thay vì khối V và H như mọi năm?

Thạc sĩ Huỳnh Tôn Nghĩa, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM giải đáp: Thí sinh không được đem kết quả của ĐH Kiến Trúc TP.HCM để xét tuyển vào trường. Trường tổ chức thi ngành này với hình thức: môn toán thi theo 3 chung của Bộ GD-ĐT, môn vẽ của trường và xét tuyển môn văn từ kết quả học tập.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân thông tin thêm: trường chỉ xét tuyển môn vẽ mỹ thuật ở tất cả các trường có tổ chức thi và xét học bạ 2 môn còn lại.

Tuyển sinh riêng: Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM thực chất là tuyển sinh chung các môn văn hóa, vẫn dùng đề toán, văn của kỳ thi 3 chung (chỉ thay đổi môn thi văn hóa so với mọi năm ở khối V và H). Vì vậy, tôi cho là việc các trường khác dùng kết quả của trường ĐH Kiến trúc TP.HCM để xét tuyển là hợp lý.

Một độc giả Long An hỏi qua điện thoại: Năm nay trường ĐH Công nghệ có tuyển sinh khối C vào các ngành quản trị khách sạn? Em muốn hỏi hình thức thi của trường như thế nào? Làm sao để em đạt kết quả thi tốt nhất.

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM tư vấn: Về ngành quản trị khách sạn tuyển sinh thi khối A, A1, D, D1, C. Em đều có thể thi theo hình thức 3 chung và cả đăng ký xét tuyển.

Nếu em chỉ đăng ký thi theo hình thức 3 chung thì em chọn vào ô thi theo hình thức 3 chung. Còn nếu em không thi ở trường khác muốn xét tuyển vào trường thì chọn ô xét tuyển. Nếu em chọn cả 2 hình thức thì chọn cả hai ô. Nếu thi theo cả hai hình thức thì Văn, Sử, Địa thi tuyển sinh vào đợt 2, nếu cả 3 môn kết quả không tốt nhưng từng môn trong học bạ điểm cao em có thể chọn xét tuyển vào ngành quản trị khách sạn.

Một học sinh tại hội trường đặt câu hỏi: Trường ĐH Công nghệ TP.HCM tuyển sinh ngành Marketing bao nhiêu chỉ tiêu? Khi ra trường sinh viên có cơ hội việc làm như thế nào?

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: Trường không có ngành Marketing nhưng trong ngành Quản trị kinh doanh có chuyên ngành Marketing. Vì vậy, nếu có nhu cầu học ngành marketing tại trường, em có thể đăng ký dự tuyển vào ngành Quản trị kinh doanh, với ngành này em vừa được học marketing, vừa được đào tạo rộng hơn cả về nhân sự, kế toán.

Ngành Quản trị kinh doanh có 300 chỉ tiêu, trong đó có 225 chỉ tiêu tuyển sinh theo 3 chung, còn lại 75% chỉ tiêu xét tuyển riêng. Ngoài ra, trường tuyển sinh 60 chỉ tiêu CĐ cho ngành Quản trị kinh doanh. Ngành tuyển sinh theo khối A, A1 và D1.

Một bạn đọc hỏi: Các chương trình liên kết có phải thi tuyển đầu vào theo chuẩn chung của bộ hay thi đề riêng của trường? Các cách thi và xét lớp ra sao?

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân cho biết: Hiện nay trường có 10 chương trình liên kết với 3 trường đại học tại Hoa Kỳ với các ngành công nghệ thông tin, kế toán, ngân hàng, xây dựng, kiến trúc... Trường không xét tuyển riêng những ngành này mà thi theo đề 3 chung của Bộ.

Các em muốn tham gia học chương trình liên kết thì lấy điểm thi từ kỳ thi 3 chung của Bộ nộp vào trường để xét tuyển. Nhà trường cũng có tổ chức sơ tuyển dành cho những thí sinh muốn học theo hệ này với các môn: tư duy logic, tiếng Anh và bài luận để nhà trường bố trí các lớp phù hợp.

"Em ở Đồng Nai, em thích học ngành dược. Xin ban tư vấn cho em biết hiện nay có những trường nào đang đào tạo dược sĩ ĐH. Học phí ra sao?", bạn đọc ở Đồng Nai thắc mắc.

Thạc sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng tư vấn: Ở Đồng Nai chỉ có trường chúng tôi đào tạo nên bạn sẽ được học 5 năm tại trường. Học phí đào tạo là 30 - 35 triệu/năm. Trong quá trình đào tạo các bạn được cung cấp các dược phẩm, hóa chất để thí nghiệm nên học phí cao.

 
Thạc sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Một câu hỏi khác được gửi đến chương trình: "Em muốn biết trường mới mở ngành mới vậy thì giáo viên giảng dạy có kinh nghiệm không? Em sợ mới mở ngành thì chất lượng không tốt, có thể tư vấn thêm giúp em".

Thạc sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng cho hay: Một ngành được mở là do Sở GD-ĐT thẩm định và sự cho phép của Bộ GD-ĐT. Vì vậy các trường phải đáp ứng các điều kiện mới được mở và đào tạo.

"Ngành nào mà Đồng Nai cần lao động? Trường ĐH Lạc Hồng đào tạo ngành nào mà các công ty ở Đồng Nai hay tuyển dụng? Em thích học ngành xây dựng mà không rõ xây dựng dân dụng và công nghiệp và xây dựng cầu đường ngành nào cần lao động hơn ạ?", bạn đọc Kim Hiền hỏi.

Thạc sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng cho biết: Xây dựng cầu đường và dân dụng công nghiệp luôn đi song hành và cần thiết như nhau. Hai ngành này có nhu cầu lớn trong những năm tới tại Đồng Nai.

Bạn đọc ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) thắc mắc: Em nghe nói trường mình rất nổi tiếng về thi robot và em muốn vào học ngành này. Thầy cô tư vấn là em phải chọn đăng ký vào ngành nào? Học phí là bao nhiêu?

Thạc sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng: Để học ngành có thể làm robot thì có ngành công nghệ kỹ thuật điện tử, tự động hóa, cơ điện tử và ngành CNTT. Các ngành này đào tạo 4,5 năm, 4 năm học ở trường và 6 tháng thực tập ở các công ty. Ở trường có sẵn thiết bị, linh kiện và máy móc để thực hành với robot. Sinh viên từ năm nhất đã được xuống xưởng để thực hành với robot cùng sinh viên khác.  

Một bạn đọc đặt câu hỏi qua Thanh Niên Online: Chương trình đào tạo liên kết quốc tế tại trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng có được tính vào hệ tuyển sinh riêng của nhà trường không? Cách thức và thủ tục như thế nào? Những ngành nghề liên kết quốc tế nào được tuyển sinh riêng?

Đồng thời, bạn đọc cũng đặt câu hỏi: Tuyển sinh hệ liên thông của trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng có được tính vào chương trình tuyển sinh riêng của trường không?

Thạc sĩ Huỳnh Quốc Phong, Giám đốc Trung tâm tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho biết: Trường có nhiều chương trình liên kết quốc tế với nhiều trường ĐH ở nhiều nước khác nhau, nổi bật nhất là liên kết các chương trình ở nhiều trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Vì vậy, mỗi chương trình có điều kiện tuyển sinh khác nhau. Bạn đọc có thể truy cập website http://hbu.edu.vn/ để biết thông tin cụ thể.

Đối với chương trình liên kết, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng vừa có hình thức thi 3 chung (đối với TS đã tốt nghiệp CĐ chưa đủ 36 tháng) và thi liên thông riêng (dành cho TS nào đã tốt nghiệp CĐ hơn 36 tháng).

 
Nhiều câu hỏi của thí sinh gửi tới chương trình được ban tư vấn giải đáp - Ảnh: Đào Ngọc Thạch 

"Có phải Khối K Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chỉ nhận HS tốt nghiệp trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp? Trường có bắt buộc phải có bằng THPT mới được dự thi ĐH khối K không?", bạn Nguyên Văn ở Kiên Giang hỏi.

Thạc sĩ Huỳnh Tôn Nghĩa, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM giải đáp: Năm nay trường vẫn tổ chức thi khối K cho những bạn tốt nghiệp trung học nghề. Các bạn đã tốt nghiệp CĐ thì có hình thức liên thông lên ĐH. Trong tuần này trường sẽ làm việc để bàn về quy chế tổ chức thi khối K. Các bạn có thể tham khảo tại website của trường liên quan khối K khoảng sau một tuần nữa để biết rõ hơn.

Một bạn đọc đặt câu hỏi: Tôi đang là công chức đã có bằng CĐ tin học. Nay tôi muốn học liên thông lên ĐH cùng ngành, xin hỏi năm 2014 trường ĐH Công nghệ TP.HCM có tuyển sinh ngành này không? Nếu có thì khi nào? Hồ sơ dự tuyển gồm có gì? Học phí trong năm khoảng bao nhiêu?
 
Tương tự, một bạn đọc khác thắc mắc: Em vừa mới tốt nghiệp cao đẳng nghề năm 2013 ngành công nghệ thông tin. Vậy em có thế liên thông lên ĐH Công nghệ TP.HCM không ạ? Nếu được thì hướng dẫn dùm em thủ tục hồ sơ giúp em.
 
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, tư vấn: Nếu bạn đã tốt nghiệp CĐ trên 36 tháng thì có thể tham gia thi liên thông CĐ lên ĐH theo kỳ thi riêng của trường. Hằng năm trường đều tuyển sinh liên thông 2 đợt vào khoảng tháng 5-6 và tháng 11-12. Nếu bạn nào tốt nghiệp CĐ chưa đến 36 tháng thì phải thi theo kỳ tuyển sinh chung ĐH.

Đối với bạn tốt nghiệp CĐ nghề thì sau khi học xong có thể thi, học liên thông ĐH như quy định đối với sinh viên tốt nghiệp CĐ chính quy. Học phí liên thông cũng giống như hệ chính quy, tính theo tín chỉ.

"Các trường ĐH Quốc gia có đào tạo ngành gì để tổ chức sự kiện, khối nào có khả năng đậu cao nhất?", một học sinh đặt câu hỏi tại hội trường.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM tư vấn: Ngành tổ chức sự kiện có ở một số trường nhưng ĐH Quốc gia TP.HCM không có nhưng có một số ngành liên quan có thể làm tổ chức sự kiện. Vì một sự kiện cần nhiều người, ở nhiều lĩnh vực khác nhau để tạo nên, có thể là người quay phim, kỹ thuật viên…

Tiếp theo là một số câu hỏi về chương trình đào tạo chất lượng cao và cơ hội việc làm ngành CNTT.
 
"Học chương trình chất lượng cao khi ra trường có khác các bạn học bình thường không? Cơ hội việc làm ra sao?",
một học sinh hỏi.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM giải đáp: ĐHQG-HCM có tuyển sinh chương trình Kỹ sư, cử nhân tài năng và chương trình Chất lượng cao với mức học phí tương ứng. Việc tuyển đầu vào khắt khe nên cơ hội việc làm cũng khá cao.

"Nếu em không trúng tuyển vào trường em thi thì có thể xét tuyển vào các trường thành viên không?", một câu hỏi khác gửi đến chương trình.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết: Thí sinh không trúng tuyển vào ngành mình thi, thì có thể đăng ký và tham gia xét tuyển vào ngành cùng khối thi còn chỉ tiêu và có điểm trúng tuyển thấp hơn tại các đơn vị đào tạo trong ĐHQG-HCM.

Bạn đọc hỏi tiếp: "Em đam mê CNTT và thích kinh doanh nên phân vân chọn học trường Bách khoa hay Khoa học tự nhiên?".

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM tư vấn: Hai trường em nhắc đến đây là hai trường đào tạo CNTT tốt, em có thể chọn tùy theo sở thích và phù hợp năng lực của mình.

Tiếp theo là câu hỏi khác: "Em muốn hỏi thi vào ngành CNTT trường ĐH Công nghệ thì thi vào khối ngành nào?".

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM giải đáp: Ngành CNTT trường tuyển sinh khối A, A1, D1 gồm ngành công nghệ phần mềm, lập trình mạng máy tính, phần cứng và hệ thống nhúng. Có thể vừa thi tuyển sinh 3 chung và xét tuyển học bạ. Nếu đam mê game thì có thể học để học lập trình để viết phần mềm. Học hệ thống nhúng cũng có thể áp dụng để viết lập trình.

Thạc sĩ Huỳnh Quốc Phong, Giám đốc Trung tâm tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết: Ngành Công nghệ thông tin của trường có các chuyên ngành: Lập trình game - hiệu ứng 3D, An ninh mạng, Hệ thống thông tin, Công nghệ phần mềm, Mạng máy tính và viễn thông
 
Thạc sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết, liên quan tới đào tạo lĩnh vực công nghệ thông tin, trường ĐH Lạc Hồng có ngành: Kỹ thuật phần mềm, Kỹ thuật phần cứng, Hệ thống thông tin, Hệ thống máy tính và truyền thông.
 
Thạc sĩ Huỳnh Tôn Nghĩa, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết, về ngành Công nghệ thông tin của trường có các chuyên ngành: Công nghệ phần mềm, Hệ thống thông tin và Mạng máy tính. Viết game thì rơi vào chuyên ngành công nghệ phần mềm. Năm đầu tiên, sinh viên ngành Công nghệ thông tin học như nhau. Qua năm thứ hai các em mới chọn chuyên ngành.

Một học sinh hỏi tiếp: Trong thời gian chờ báo kết quả thi ĐH, em bị gọi đi thực hiện nghĩa vụ quân sự, nếu kết quả là trúng tuyển thì em có được bảo lưu kết quả thi để khi thực hiện xong nghĩa vụ quân sự thì tiếp tục học tiếp không? Thời gian bảo lưu cho phép là bao lâu?".

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM nói: Theo nguyên tắc, nếu giấy nào đến trước thì TS thực hiện giấy đó, căn cứ theo ngày ký giấy. Nếu thí sinh nhận giấy báo trúng tuyển nghĩa vụ quân sự trước thì phải thực hiện nghĩa vụ quân sự trước và ngược lại. Kết quả đại học sẽ được bảo lưu sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự xong và được đăng ký nhập học bình thường.

Đối với điều chỉnh ưu tiên cho một số đối tượng thì nay chưa đầy đủ thông tin. Khi có thông tin thì Thanh Niên Online sẽ thông tin đầy đủ hơn.

Mời các bạn xem clip buổi trực tuyến:

 

THANH NIÊN ONLINE

>> Thi khối ngành công nghệ - viễn thông: Rất cần nhân lực trình độ cao cho tương lai
>> Thi khối ngành y, dược, sức khỏe và nông lâm: Thí sinh cân nhắc thật kỹ
>> Thi khối ngành khoa học xã hội - nhân văn, sư phạm: Nhu cầu xã hội rất cao
>> Thí sinh chọn khối ngành kinh tế, tài chính, luật: Việc làm trong tầm tay
>> Học lực trung bình khá vẫn có cơ hội vào khối ngành kỹ thuật - công nghệ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.