Thi khối ngành khoa học xã hội - nhân văn, sư phạm: Nhu cầu xã hội rất cao

25/02/2014 14:00 GMT+7

Tham gia chương trình có chuyên gia đến từ nhiều trường ĐH, gồm:

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Hợp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến

Thạc sĩ Nguyễn Phước Đại, Trưởng phòng Đào tạo và nghiên cứu khoa học Trường ĐH Ngoại ngữ và Tin học TP.HCM

Thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng.

Bạn đọc quan tâm có thể đặt câu hỏi tại địa chỉ www.thanhnien.com.vn ngay từ bây giờ.

Mở đầu chương trình, nhà báo Thùy Ngân, Phó ban Thanh Niên - Giáo dục báo Thanh Niên cho biết, sau 2 buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề những lưu ý thi khối ngành kỹ thuật - công nghệ  và kinh tế - tài chính - ngân hàng - luật, hôm nay là buổi thứ ba với nội dung tìm hiểu thông tin khối ngành khoa học xã hội - nhân văn - sư phạm.

Bạn đọc quan tâm có thể gửi câu hỏi về chương trình qua địa chỉ: www.thanhnien.com.vn hoặc điện thoại vào đường dây nóng trực tuyến số: (08).39256248.

 
Ban tư vấn tặng hoa cho các thầy tham gia buổi tư vấn trực tuyến - Ảnh: Ngọc Thạch

Hai câu hỏi đầu tiên của chương trình dành cho trường ĐH KHXH & NV TP.HCM: "Các  khối nghành nào của trường đã ngừng đào tạo? Và các ngành này có tiếp tục đào tạo trong tương lai không?"

"Em định nộp hồ sơ vào ngành Quản trị vùng và đô thị của Trường nhưng rất ít thông tin cụ thể và chương trình đào tạo về ngành đó của trường. Ban tư vấn có thể cung cấp thông tin về ngành đó không? Cơ hội việc làm thế nào?".

Trả lời hai câu hỏi trên, Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM cho biết: Vừa rồi Bộ GD-ĐT thông báo trường ngừng đào tạo hai ngành là ngữ văn Tây Ban Nha và ngữ văn Ý. Tuy nhiên do số liệu báo cáo của trường có sự sai lệch khi gửi ra bộ nên sẽ có sự điều chỉnh lại. Trường khẳng định có đủ cơ sở đào tạo ngành này trong 2014 bởi trước khi mở ngành trường đã thẩm định kỹ về năng lực đào tạo hai ngành ngôn ngữ Ý và Tây Ban Nha. Thông tin cuối cùng về hai ngành này có được tuyển sinh hay không sẽ được Bộ cung cấp trong thời gian tới.

Còn về ngành Quản trị vùng và đô thị thì trường là cơ sở duy nhất cả nước đào tạo về ngành này. Hiện đã có hai khóa sinh viên ra trường. Thí sinh thi vào 2 khối A, A1.

Tiếp theo là một câu hỏi của bạn đọc ở An Giang: "Em muốn học ngành Đông phương học em phải thi khối nào? Trường nào có đào tạo ngành này?".

Thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng trả lời: Trong ngành Đông phương học trường đào tạo hai ngành nhỏ là Nhật Bản học và Hàn Quốc học thi khối C, D1.

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Hợp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến cho biết: Trường chúng tôi cũng đào tạo Đông phương học có hai ngành nhỏ là Nhật Bản học và Hàn Quốc học.

Thạc sĩ Nguyễn Phước Đại, Trưởng phòng Đào tạo và nghiên cứu khoa học Trường ĐH Ngoại ngữ và Tin học TP.HCM thông tin thêm: Ngành Đông phương học của trường chúng tôi có 4 chuyên ngành: Nhật Bản học, Hàn Quốc học, Trung Quốc học và Việt Nam học cho SV nước ngoài. Có các khối thi D1, D4 (toán, văn, tiếng Trung), D6 (toán, văn, tiếng Nhật).

Một bạn đọc cũng thắc mắc: "Muốn học ngành Đông Phương học, ngoài tiếng Anh ra em có cần học thêm các tiếng khác?".

 Thạc sĩ Lâm Thành Hiển
Thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Lạc Hồng - Ảnh: Đ.N.T

Thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng chia sẻ: Ngành Đông Phương học đào tạo sâu về ngoại ngữ, sau đó về văn hóa, phong tục, tập quán nước đó để hỗ trợ kiến thức. Đào tạo chính vẫn là ngôn ngữ của chính nước mà các em chọn học. Nên sau khi vào học các em mới học ngôn ngữ chính còn thi vào chỉ cần tiếng Anh.

"Em muốn học sau này làm việc tại thành đoàn Hà Nội thì em phải thi khối nào? học trường nào?", một học sinh từ Bình Định gửi câu hỏi đến chương trình.

Trả lời câu hỏi thú vị này, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nói: Công việc ở Thành Đoàn không phải đơn giản vì đòi hỏi sự cống hiến rất nhiều. Thành Đoàn là đơn vị làm việc không chỉ đòi hỏi chuyên môn cụ thể. Làm việc ở đây đòi hỏi các kỹ năng hoạt động, hiểu biết tâm sinh lý của sinh viên, thanh niên, kỹ năng sống tốt. Các em không phải chỉ tốt nghiệp một trường nào đó mới làm được công việc ở Thành Đoàn mà có thể từ nhiều trường hay những nơi có đào tạo ngắn hạn. Trường chúng tôi cũng đào tạo giáo viên và cán bộ, sinh viên tốt nghiệp các ngành này có thể làm việc ở Thành Đoàn.

Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn chia sẻ thêm: Công việc trong thành đoàn gồm nhiều lĩnh vực khác nhau. Ngành giáo dục chính trị là một trong những ngành liên quan có thể làm việc tại Thành Đoàn. Ngành học này có các yếu tố liên quan chính trị, lịch sử. Người tốt nghiệp ngành này sẽ hoạt động trong lĩnh vực liên quan nghiên cứu lịch sử, chính trị hoặc dạy ở phổ thông môn giáo dục công dân. Trường có đào tạo trình độ CĐ môn giáo dục công dân.

 Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội - nhân văn TP.HCM -  Ảnh: Đ.N.T

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội - nhân văn TP.HCM: Tôi cũng trưởng thành từ người làm công tác Đoàn nên biết rõ là không đơn giản là để làm ở Thành Đoàn thì phải học ngành nào đó. Thực tế, nếu em muốn làm công tác đoàn thì bản thân phải có tố chất phù hợp. Đây là điều đầu tiên các bạn phải có.

Theo thầy Hạ, tại Thành Đoàn sẽ có nhiều ban, ví dụ ban đối ngoại thì cần người học ở các trường về ngôn ngữ hoặc ở ban tư vấn thì học ở trường nhóm ngành khoa học xã hội như công tác xã hội, triết học, tâm lý,... tùy vào khả năng, tố chất của bản thân. Các anh chị làm ở Thành Đoàn cũng xuất phát từ nhiều ngành nghề khác nhau.

Một học sinh đặt câu hỏi ngay trong trường quay: "Đại học KHXH - NV TP.HCM có ngành quan hệ quốc tế. Xin hỏi ngành này học về cái gì, thời gian học bao lâu?".

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH - NV TP.HCM cho biết: Khoa quan hệ quốc tế hiện tròn 10 năm, sinh viên tốt nghiệp ngành này ra trường làm nhiều lĩnh vực khác nhau. Về chuyên ngành chính trị ngoại giao của khoa sẽ dạy các em kỹ năng về đàm phán. Chuyên ngành này có điểm đầu vào tương đối cao. Sinh viên tốt nghiệp thường làm các lĩnh vực về đối ngoại, truyền thông. Bạn có thể vào trang web của trường để tìm hiểu thêm về chuyên ngành này.

Một bạn đọc ở Đà Nẵng hỏi: "Tôi là phụ huynh của một học sinh lớp 12. Cháu giỏi môn Anh văn vì đã 10 năm học trường quốc tế trước khi chuyển qua trường dân lập. Dù cháu không giỏi môn toán và văn nhưng cũng đành chọn thi khối D1 vì không còn lựa chọn khác. Cháu định thi ngành ngôn ngữ Anh của Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM nhưng không mấy hy vọng. Gia đình cũng muốn thi vào Trường ĐH Sài Gòn ngành này nhưng kinh tế gia đình không thể đáp ứng được. Xin tư vấn giúp hướng đi nào có thể vào được ĐH để tiếp tục học môn Anh văn với mức học phí vừa phải?".

Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn giải đáp: "Trường từ năm 2014 – 2015 nhân hệ số 2 cho môn thi tiếng Anh thì việc gỏi tiếng Anh cũng sẽ thuận lợi hơn để có điểm số tốt. Mức học phí nằm trong quy định, học theo tín chỉ, bình quân học kỳ là khoảng 3 triệu ở bậc đại học và 2,8 triệu cho bậc cao đẳng. Mức điểm 18 (năm 2013) cho khối D1 chưa nhân hệ số. Nên phụ huynh có thể cân nhắc để cho con thi vào trường".

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM lưu ý thêm: Ngành sư phạm tiếng Anh của đại học Sư phạm được miễn học phí. Khi vào ngôn ngữ Anh hoặc sư phạm Anh thì phải thi khối D1, việc giỏi tiếng Anh sẽ là cơ hội để các bạn được điểm số cao vì thi khối này điểm tiếng Anh sẽ nhân đôi.

Ngành sư phạm Anh điểm đầu vào năm 2013 là 28 điểm, còn ngôn ngữ Anh là 29 điểm nên phụ huynh và học sinh có thể cân nhắc xem khả năng của mình thích hợp đến đâu.

 PGS.TS Nguyễn Kim Hồng
PGS - TS Nguyễn Kim Hồng - Hiệu trưởng trường ĐH Sư Phạm TP.HCM - Ảnh: Đ.N.T

Một câu hỏi khá hay khác được gửi đến chương trình: "Nếu có bạn giỏi tiếng Anh nhưng muốn thi vào ngành khác hoặc giỏi các môn khác nhưng không giỏi tiếng Anh muốn thi ngành ngôn ngữ thì làm sao?".

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tư vấn: "Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có các ngành tin học, ngữ văn, giáo dục chính trị, sư phạm song ngữ Nga - Anh, sư phạm tiếng Pháp, giáo dục tiểu học, ngôn ngữ Anh,... và nhiều ngành khác thi tiếng Anh".

Một học sinh khác hỏi: "Khối C ít ai chịu đăng ký dự thi. Vậy những ngành học nào có thể thi khối C?".

Thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng giải đáp: Khối C có những ngành có nhu cầu nhân lực cao, lương tốt như Việt Nam học, Đông Phương học. Nếu số lượng người lựa chọn ít thì có khi đó lại là thế mạnh khi chọn khối C. Có thể xu thế ra đề sắp tới của Bộ G-ĐT sẽ giảm tải những kiến thức mang tính thuộc lòng.

"Em rất mê lịch sử và dự định thi vào khối C, nhưng gia đình không muốn em học sư phạm lịch sử. Vậy em nên chọn ngành nào mới phù hợp với niềm đam mê?", một học sinh ở An Giang hỏi.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM chia sẻ: Có lẽ các bạn chưa hình dung được hết khối C. Thật sự khối C cũng đòi hỏi khả năng tư duy tốt chứ không chỉ học thuộc lòng. Khối C có người nói khả năng sáng tạo rất ít nhưng theo số liệu thống kê của Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, những sinh viên có điểm văn đầu vào cao lại thường là sinh viên giỏi.

Tiến sĩ Hạ nói tiếp: Thi khối C vào trường chúng tôi thì thí sinh hay chọn báo chí, tâm lý, du lịch - lữ hành,... Các ngành khác như nhân học, lưu trữ, công tác xã hội, thư viện thông tin, văn hóa học,... điểm không quá cao mà xã hội vẫn rất cần.

"Mình mạnh khối nào thì thi khối đó, đừng chạy theo xu thế mà không đúng với khả năng, sở thích của mình. Đừng chạy theo khối thi mà cho là khối này thông minh hơn khối khác" - Tiến sĩ Hạ cho lời khuyên.

Một câu hỏi được gửi đến chương trình: "Em muốn thi khối C của trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Cho em hỏi khối C học những ngành gì?"

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết: Các bạn có thể nghe lời khuyên của cha mẹ, thầy cô giáo nhưng quan trọng là bản thân các bạn muốn thi vào ngành nào. Phu huynh không nên cản con cái thi vào ngành nào cả. Các em sẽ thành công khi chọn ngành nghề mà mình yêu thích chứ không phải chạy theo xu hướng.

Hiện khối C của trường có 11 ngành, tiêu biểu như: ngữ văn, đia lý, lịch sử, văn học, Việt Nam học, tâm lý học, quốc tế học…

Bạn đọc tiếp tục đặt câu hỏi: "Em định thi khối C nhưng thích học ngành nào liên quan đến tiếng Anh? Vậy học ở đâu?"

Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn nói: Trường có các ngành đào tạo thi đầu vào khối C là ngành quản trị văn phòng, quản lý giáo dục, giáo dục tiểu học, sư phạm ngữ văn, sư phạm lịch sử, sư phạm địa lý.

Trường có đề xuất mở rộng khối C cho các ngành sư phạm Anh và ngôn ngữ Anh nhưng Bộ không đồng ý. Tuy nhiên, ngành Việt Nam học chủ yếu về văn hóa, du lịch có thi khối C, nếu bạn thích tiếng Anh thì ra trường có thể làm việc tốt nên có thể chọn ngành này.

 Thạc sĩ Nguyễn Quốc Hợp
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Hợp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Văn Hiến - Ảnh: Đ.N.T

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Hợp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến góp ý thêm: Các ngành tâm lý học, xã hội học, du lịch, Đông phương học,... của trường có xét tuyển khối C. Nếu thi khối C mà chọn ngành liên quan ngoại ngữ thì có ngành Hàn Quốc học, Nhật Bản học, Đông phương học, ngoài khối D1 còn có khối C. Ngành du lịch xét tuyển cả khối A, D1 và C. Thí sinh nào không đủ điểm xét tuyển ĐH, chỉ đủ điểm xét tuyển trình độ CĐ thì trường có xét tuyển khối C ngành du lịch.

Học sinh đặt câu hỏi cho trường ĐH Ngoại ngữ và tin học TP.HCM: "Ngành quan hệ quốc tế của trường có những chuyên ngành nào? Mức học phí ra sao? Khi làm hồ sơ ghi chuyên ngành hay vào học mới đăng ký?".

Thạc sĩ Nguyễn Phước Đại, Trưởng phòng Đào tạo và nghiên cứu khoa học Trường ĐH Ngoại ngữ và Tin học TP.HCM giải đáp: Hiện chuyên ngành này có hai chuyên ngành là: quan hệ công chúng và quan hệ quốc tế. Sinh viên học ngành này rất năng động, chưa ra trường đã có việc làm. Điểm tuyển đầu vào thi D1, trong đó điểm tiếng Anh nhân hệ số hai.

 
Thạc sĩ Nguyễn Phước Đại, Trưởng phòng đào tạo và nghiên cứu khoa học trường ĐH Ngoại ngữ và Tin học TP.HCM - Ảnh: Đ.N.T

Học phí học ngành này tương đối cao, dự kiện 17,5 - 19,5 triệu đồng/năm, tùy theo chuyên ngành. Sinh viên khi làm hồ sơ chưa cần thiết đăng ký chuyên ngành mà sẽ đăng ký khi học hết học kỳ 1 của năm nhất.

Một bạn đọc ở Bình Định thắc mắc: "Em học tốt môn Văn và tiếng Anh nhưng không giỏi môn Toán thì nên thi khối nào? Trường nào, ngành nào?".

Thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng cho biết: Nếu các em giỏi môn Văn và tiếng Anh thì có thể chọn khối thi gần nhất là khối D1. Ngoài hệ thống trường công lập, điểm đầu vào khá cao thì trường ngoài công lập tuyển đa số bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT hoặc cao hơn điểm sàn từ 1 -2  điểm. Điểm sàn các năm trước dao động từ 13 – 14 điểm.

Nếu khá văn, tiếng Anh, điểm toán thấp hơn một chút thì các em vẫn có thể chọn ngành khối D để thi. Ngành Việt Nam học, tiếng Trung Quốc học,... thi khối D. Các thí sinh lựa chọn ngành Trung Quốc học khá là ít. Do vậy, thực tế là trong khi nhu cầu nhân lực biết tiếng Trung Quốc rất lớn ở các doanh nghiệp thì họ lại không tuyển được người.

 
Nhiều học sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai có nhiều thắc mắc về chọn ngành, nghề - Ảnh: Đ.N.T

Một bạn đọc ở Hà Nội hỏi: trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay có định tổ chức thi riêng hay không? Ngành sư phạm vật lý, sư phạm Anh văn, sư phạm toán thi những khối nào? Em có thể thi cả chung lẫn riêng cho cùng một ngành hay không?

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho hay: Ngành sư phạm vật lý, toán thi khối A, sư phạm Anh văn thi khối D nên bạn không thể thi cả chung lẫn riêng cho cùng một ngành. Năm 2013, điểm chuẩn sư phạm toán là 24,5 điểm.

Trong các nhóm ngành ở trường thì ngành sư phạm toán, vật lý có điểm thi cao nhất nên các bạn cần tính toán kỹ.

Một bạn đọc ở Tiền Giang thắc mắc: Mình muốn học sư phạm toán ở TP.HCM. Không biết Trường ĐH Sài Gòn có ngành sư phạm Toán hoặc có ngành nào ra dạy Toán được không? Mình chắc không đủ khả năng vào ĐH Sư phạm TP.HCM.

 Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp
Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn - Ảnh: Đ.N.T

Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn chia sẻ: Trường có đào tạo ngành sư phạm toán, lý, hóa thi khối A. Trường có đào tạo cả bậc đại học và cao đẳng cho các ngành sư phạm. Điểm chuẩn sư phạm toán bậc đại học năm 2013 là 22 điểm, sư phạm Lý 19 điểm, sư phạm hóa: 20 điểm.

Một học sinh đặt câu hỏi ngay tại buổi tư vấn: Ngành xã hội học của trường Đại học KHXH - NV TP.HCM học như thế nào, ngành này có ngành nghề nào phù hợp để ra trường đi làm?

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH -NV TP.HCM giải đáp: Nhiều anh chị học ngành xã hội học ra trường có thể làm nhiều ngành nghề khác nhau. Đây là ngành đào tạo nhiều kỹ năng xã hội cho các em. Các em có khả năng đặt câu hỏi, nghiên cứu khoa học, đề ra hướng nghiên cứu phát triển của từng ngành, từng vùng. Nhiều anh chị học ngành xã hội học có thể làm báo. Nếu không các em có thể học thêm văn bằng 2 vào một chuyên ngành khác của trường. Nếu học tốt các em có thể tốt nghiệp ngành này trong vòng 3,5 năm.

Câu hỏi khác được gửi đến chương trình: Em muốn hỏi khối ngành D3 (toán, văn, tiếng Pháp) có thể chọn ngành gì?

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết: Lựa chọn thi tiếng Pháp thì việc lựa chọn rất hẹp. Nếu có nền tảng tiếng Pháp tốt thì khả năng đậu ĐH KHXH-NV và Trường ĐH Sư phạm không quá khó. Trường có đào tạo ngành sư phạm tiếng Pháp và ngôn ngữ Pháp để em lựa chọn thi vào.

Còn thạc sĩ Nguyễn Quốc Hợp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến nói: Trường xét tuyển khối D1 đến D6 cho các ngành ngoại ngữ. Nên em vẫn có thể lựa chọn thi vào trường.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM lưu ý: tiếng Pháp không phải tiếng dễ học. Khi học tiếng Pháp, trường hợp các bạn muốn chuyển đổi sang ngôn ngữ khác là một lợi thế. Ngành ngôn ngữ Pháp của trường khi sinh viên tốt nghiệp có thể đi dạy và phiên dịch. Để tốt nghiệp, trường còn đòi hỏi phải có chứng chỉ một ngôn ngữ khác. Vì vậy mà người tốt nghiệp tiếng Pháp vẫn có rất nhiều cơ hội khi tìm việc. Hai ngành ngôn ngữ Ý và ngôn ngữ Tây Ban Nha của trường vẫn thi khối D3.

 
Khối ngành nhân văn - xã hội và sư phạm thu hút sự quan tâm của các thí sinh - Ảnh: Đ.N.T

"Em muốn học ngành sư phạm tiếng Pháp nhưng khi ra trường em muốn dạy một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Pháp có được không ạ?", một học sinh đặt câu hỏi tại trường quay.

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM phân tích: "Nếu học khá bạn có thể học thêm ngôn ngữ khác như tiếng Anh và sau khi ra trường bạn có thể đi dạy ngôn ngữ thứ hai này. Tôi muốn nhấn mạnh là dù bạn học một chuyên ngành này nhưng khi ra trường vẫn có thể làm công việc liên quan đến những chuyên ngành khác, trừ những bạn học những chuyên ngành rất hẹp".

Một học sinh đặt câu hỏi: "Ngành tâm lý học thì nội dung học ở ĐH như thế nào? Tương lai sau khi đi làm ra sao?"

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM cho biết: Trong xu hướng gần đây, nhiều học sinh chọn ngành tâm lý học. Trường đào tạo theo hai hướng quản trị nhân sự và tham vấn tâm lý. Nếu muốn làm tư vấn tâm lý thì có thể làm ở công ty, doanh nghiệp, các trung tâm xã hội, bệnh viện. Muốn tư vấn tốt cần có các yếu tố như trải nghiệm trong cuộc sống, tư chất, đam mê.

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nói thêm: "Đây là nghề nghiệp học tương đối vất vả, cần có sức khỏe, sự hiểu biết, tâm huyết với nghề nghiệp".

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Hợp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến nhấn mạnh: Hướng đi của trường trong đào tạo ngành tâm lý học là ứng dụng tâm lý trong tham vấn và trị liệu. Các yếu tố của người làm nghề này là phải dấn thân, tận tụy với nghề.

"Có mức học tập bình thường, khả năng đậu vào trường có cao không? Em có thể đạt khoảng 15 điểm, có thể vào ngành nào? Em thích ngoại giao vì tính tình hoạt bát", bạn đọc ở Quảng Ngãi hỏi.

Thạc sĩ Nguyễn Phước Đại, Trưởng phòng Đào tạo và nghiên cứu khoa học Trường ĐH Ngoại ngữ và Tin học TP.HCM chia sẻ: Em hoàn toàn có thể thi vào trường. Tính tình thích hoạt động thì có thể thi vào quan hệ quốc tế, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị khách sạn, Đông phương học... Những ngành này năm ngoái lấy điểm chuẩn cao hơn điểm sàn của Bộ GD-ĐT 1 – 2 điểm. Riêng ngành quan hệ quốc tế lấy Anh văn hệ số 2.

"Đại học Lạc Hồng năm nay có tuyển sinh ngành nào mới không, có tuyển sinh cao đẳng không?", một học sinh đặt câu hỏi cho đại diện ĐH Lạc Hồng.

Giải đáp thắc mắc này, thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng cho hay: ngành tuyển sinh mới là dược, luật kinh tế. Trường có đào tạo hệ cao đẳng nghề như tiếng Anh, quản trị, CNTT, xây dựng, cơ khí… Ngoài ra trường cũng được phép đào tạo liên thông từ cao đẳng nghề lên đại học.

Bạn đọc ở Khánh Hòa hỏi: Em muốn thi ngành kế toán hệ CĐ của Trường ĐH Sài Gòn, nhưng trường lại không tổ chức thi cao đẳng mà lấy kết quả thi Đại học năm 2013 để xét. Bây giờ em muốn thi nhờ 1 trường CĐ tổ chức thi rồi lấy kết quả của trường CĐ thi đó chuyển sang để xét hệ CĐ của của Trường ĐH Sài Gòn được không hay em bắt buộc phải thi nhờ 1 trường ĐH rồi mới được gửi điểm sang hệ CĐ của của Trường ĐH Sài Gòn để xét?

Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn giải đáp: Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, những trường ĐH thì phải tập trung đào tạo các ngành xét tuyển bậc ĐH. Chỉ tiêu tuyển sinh của trường tập trung chủ yếu ở bậc ĐH, với khối ngành kinh tế cũng chỉ đào tạo đại học chứ không đào tạo hệ cao đẳng, nên chúng tôi không tuyển hệ cao đẳng kế toán.

Trường không sử dụng mức điểm của cao đẳng để xét tuyển các ngành bậc đại học.

"Xin hỏi em là bộ đội xuất ngũ theo đúng nghĩa vụ quân sự là 18 tháng nhưng khóa tháng 9 bọn em đi có 17 tháng đã là ra quân rồi. Em có được cộng 2 điểm không?", một câu hỏi gửi từ Quảng Ngãi.

Một thí sinh khác đặt câu hỏi: Bố em là thương binh 1/4 và em là học sinh khu vực I thì liệu được bao nhiêu điểm ưu tiên?

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM cho biết: Hiện tại quy định ưu tiên đối tượng ưu tiên và khu vực ưu tiên đến nay vẫn đang chờ. Trường hợp bố là thương binh thì năm ngoái được cộng thêm điểm nhưng năm nay chưa biết được. Khu vực 1 năm nay chắc chắn sẽ có sự thay đổi nên chưa nói trước được. Sự thay đổi cũng sẽ có lợi cho thí sinh. Các bạn nên chờ Bộ GD-ĐT công bố vào khoảng ngày 10.3.2014.

Câu hỏi tiếp theo: "Đang là sinh viên của một trường ĐH nhưng muốn thi vào trường ĐH khác thì có được không?".

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM cho biết: Các trường đều không lưu dữ liệu sinh viên của trường khác. Nếu các bạn thi lại không phải vào trường mình thì khi nộp hồ sơ vẫn không ai biết. Quan điểm trường tôi là tạo điều kiện cho sinh viên lựa chọn ngành nghề. Nếu sinh viên không thích học mà muốn thi lại thì chúng tôi vẫn chấp nhận.

Tiếp theo là câu hỏi khác gửi đến chương trình: "Có trường nào có phương án tuyển sinh riêng hay không?"

Thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng cho biết: Hiện các trường đang chọn phương án chung rồi đưa ra một phương án ưu tiên riêng cho thí sinh lựa chọn. Các trường sẽ dành cho 25-30% chỉ tiêu, dựa vào điểm cấp 3 của các em để xét tuyển vào. Những phương án xét tuyển này đã được các trường gửi Bộ GD-ĐT và đang được Bộ hướng dẫn.

Ngày 10.3, Bộ sẽ chốt sẽ chấp nhận phương án xét tuyển này hay không. Tuy nhiên cũng có ý kiến thắc mắc liệu phương án xét tuyển này có tuyển được thí sinh chất lượng hay không. Tôi xin trả lời với hướng xét tuyển như thế có thể tin tưởng được năng lực của thí sinh. Hiện các trường cũng rất dè dặt và có chỉ tiêu tương đối cho hướng tuyển sinh trên.

Học sinh khác đặt câu hỏi: "Em muốn hỏi ngành Nhật Bản học có liên kết đào tạo với các trường bên Nhật không? Sinh viên học ngành này có thể đi du học không?".

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM cho hay: Ngành Nhật Bản học tách ra từ khoa Đông Phương học. Sau 2 năm học, 10% sinh viên sẽ được sang nước Nhật học theo chương trình trao đổi sinh viên của trường, hoàn toàn miễn phí. Ngành này ở trường tuyển sinh điểm tương đối cao.

Chia sẻ thêm về câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nói: Trường có ngành ngôn ngữ Nhật, được hỗ trợ từ các đơn vị ở Nhật về chi phí giảng dạy.

Thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng cũng cho biết: Nhật là quốc gia quan tâm đến Việt Nam và đầu tư nhiều. Trường cũng có giáo viên ở Nhật giảng dạy. Sinh viên học tốt sẽ được sang Nhật tham dự các buổi giao lưu, ngày lễ văn hóa.

Thạc sĩ Nguyễn Phước Đại, Trưởng phòng Đào tạo và nghiên cứu khoa học Trường ĐH Ngoại ngữ và Tin học TP.HCM chia sẻ: học chuyên ngành Nhật Bản có chuyên gia Nhật giảng dạy. Hằng năm, trường có các khóa học và sau đó được cử đi Nhật để tham quan. Năm nào trường cũng gửi sinh viên đi từ 3 tháng đến 1 năm theo hệ trao đổi sinh viên để thực tập ở Nhật.

Đúng 16 giờ 40, chương trình khép lại, hẹn bạn đọc và thí sinh trong buổi tư vấn tiếp theo diễn ra vào chiều 25.2.2013 với nội dung nhưng lưu ý khi chọn khối ngành y, dược, sức khỏe và nông lâm.

Mời các bạn xem clip buổi tư vấn trực tuyến:

Lưu ý khi thi vào nhóm ngành y dược, sức khỏe và nông lâm

Vào lúc 14 giờ 30 ngày 27.2, chương trình sẽ tiếp tục với nội dung  về nhóm ngành y dược, sức khỏe và nông lâm.

Tham dự chương trình có chuyên gia đến từ các trường, gồm: PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM; thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch; tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM; tiến sĩ Trần Ái Cầm, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; thạc sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng; thầy Lý Trung Vinh, Trưởng ban Tuyển sinh Trường Trung cấp Đại Việt TP.HCM.

Các chuyên gia sẽ giải đáp thắc mắc của thí sinh, phụ huynh về lựa chọn ngành nghề đúng sở thích, phù hợp khả năng và theo nhu cầu xã hội liên quan đến nhóm ngành này. Bạn đọc quan tâm ngay từ bây giờ có thể đặt câu hỏi tại trang web: www.thanhnien.com.vn.

THANH NIÊN ONLINE

>> Tư vấn truyền hình trực tuyến: Lưu ý thi khối ngành kỹ thuật, công nghệ
>> Tư vấn truyền hình trực tuyến: Lưu ý thi khối ngành kỹ thuật, công nghệ
>> Tư vấn truyền hình trực tuyến: Điều kiện có việc làm khối ngành kinh tế
>> Tư vấn truyền hình trực tuyến: Cần biết khi thi khối ngành khoa học xã hội- nhân văn, sư phạm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.