Tư vấn truyền hình trực tuyến: Điều kiện có việc làm khối ngành kinh tế

21/02/2014 01:32 GMT+7

Nhiều trăn trở của thí sinh về cơ hội việc làm khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, luật đã được chuyên gia đến từ các trường ĐH giải đáp trong buổi trực tuyến truyền hình qua Báo Thanh Niên điện tử (www.thanhnien.com.vn) chiều 20.2.

Nhiều trăn trở của thí sinh về cơ hội việc làm khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, luật đã được chuyên gia đến từ các trường ĐH giải đáp trong buổi trực tuyến truyền hình qua Báo Thanh Niên điện tử (www.thanhnien.com.vn) chiều 20.2.

Tư vấn truyền hình trực tuyến: Điều kiện có việc làm khối ngành kinh tế
Học sinh Trường THPT Marie Curie (TP.HCM) đặt câu hỏi trong buổi tư vấn truyền hình trực tuyến về khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, luật - Ảnh: Khả Hòa

Chọn ngành hôm nay để cho tương lai

Trước rất nhiều lo lắng của bạn đọc về tình trạng thất nghiệp của sinh viên ngành kinh tế, thạc sĩ Dương Tôn Thái Dương, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), khẳng định: “Chúng ta chọn ngành hôm nay là cho 5 năm sau nữa”.  Thạc sĩ Dương phân tích hiện tại chúng ta đang trong phân khúc suy thoái của thời kỳ kinh tế, sự suy thoái này chính là tiền đề cho sự phát triển mới của nền kinh tế. Hơn nữa, chúng ta đang hội nhập kinh tế rất mạnh, vài năm nữa chúng ta không chỉ cạnh tranh với nhân lực trong nước mà còn nhiều nước khác trên thế giới. Để vượt qua được thách thức này, khi chọn ngành cần xuất phát từ sự yêu thích của bản thân để trang bị tốt kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và thái độ làm việc chuyên nghiệp để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chia sẻ thêm, tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng cơ hội việc làm lĩnh vực này do chính bản thân người học quyết định. “Tình trạng thất nghiệp hiện nay là có thật nhưng không đồng đều. Xã hội đang thừa người có bằng ĐH nhưng thiếu người có bằng ĐH giỏi thực sự. Các ngân hàng vẫn tuyển dụng dù quy mô có hạn chế hơn. Do vậy, quan trọng là phải kiên định và chuẩn bị hành trang tìm việc của mình theo đúng yêu cầu xã hội đặt ra”.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chia sẻ bằng những con số cụ thể, khi theo số liệu khảo sát của trường có tới trên 80% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp 6 tháng. Tại Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn tỷ lệ này cũng trên 80%. “Sở dĩ vậy là do sinh viên có được lợi thế, thế mạnh về ngoại ngữ và các kỹ năng ngoại khóa”, thạc sĩ Văn Thị Thiên Hà, Giám đốc Hệ thống chương trình Việt Nam - Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, nói thêm.

Nói về thế mạnh đóng trên địa bàn Đồng Nai, thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Hiệu phó Trường ĐH Lạc Hồng, cho hay: “Nhu cầu nhân lực của Đồng Nai rất lớn khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư về tỉnh này, vì vậy trong tương lai sẽ cần một nguồn nhân lực trình độ cao”.

Cơ hội từ những ngành học mới

Dù chỉ tiêu tuyển sinh các ngành khối kinh tế giảm mạnh vào năm 2013 và cả năm nay nhưng vẫn có những ngành mới ở các trường. Thạc sĩ Lâm Thành Hiển cho biết trường vừa được Bộ GD-ĐT cho phép mở ngành mới là luật kinh tế, tuyển sinh ngay trong năm 2014. Chia sẻ về cơ hội việc làm ngành này, thạc sĩ Hiển thông tin: “Thực tế, số lượng trường có đào tạo ngành này không nhiều trong khi nhu cầu nhân sự ở ngành này có thể nói rất lớn. Trước khi mở ngành này, trường đã tiến hành khảo sát nhu cầu của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai thì thấy nhu cầu nhân sự rất lớn, cụ thể là gần 10.000 nhân viên pháp chế”. Tiến sĩ Phan Ngọc Minh, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, chia sẻ: “Năm nay Bộ cũng cấp phép cho trường được tuyển sinh và đào tạo thêm 2 ngành mới là kinh tế quốc tế và luật kinh tế nhằm đáp ứng nhân sự cho xu hướng mở rộng quan hệ quốc tế của VN và thế giới”.

Những tố chất cần thiết

Ngay trong phần mở đầu của buổi trực tuyến, rất nhiều học sinh Trường THPT Marie Curie (TP.HCM) có mặt tại hội trường đã cho biết rất quan tâm tới khối ngành kinh tế. Tuy nhiên, các học sinh đều không trả lời được lý do vì sao có lựa chọn này. Tư vấn cho các học sinh những tố chất cần thiết cho khối ngành này, thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, khuyên: “Đầu tiên học sinh cần có tính năng động và sự ham thích các hoạt động quản lý, mua bán”.

Tiến sĩ Dương Tấn Diệp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế  - Tài chính TP.HCM, phân tích thêm: Người thích làm những công việc mang tính thách thức, có tính tương tác cao sẽ phù hợp khi chọn lựa vào ngành kinh tế. Chẳng hạn, nếu thích theo dõi tiền tệ, tài chính học sinh này có thể phù hợp khi chọn thi vào ngành tài chính ngân hàng. Hoặc đơn giản, nếu thấy mình thích quan sát cách trưng bày trong các siêu thị, có thể sẽ phù hợp với marketing. Người yêu thích sự di chuyển, quan tâm đến các nền văn hóa khác nhau thì có thể dự thi vào ngành quản trị du lịch. Trong khi đó, để thi ngành kế toán kiểm toán thí sinh cần có tính tỉ mẩn, cẩn thận... Tóm lại, người phù hợp với nhóm ngành kinh tế cần có óc quan sát, khả năng lãnh đạo, gây được ảnh hưởng của mình tới người khác, sáng tạo, có suy nghĩ giải quyết độc lập, giao tiếp tốt...

Thông tin chi tiết về buổi trực tuyến tại địa chỉ www.thanhnien.com.vn

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.