Du thuyền đóng ở TP.HCM nhưng phải mang ra Nha Trang đăng kiểm, sang Thái Lan chạy thử?

12/12/2023 20:09 GMT+7

Đó là bất cập được các doanh nghiệp chia sẻ tại tọa đàm “Tiềm năng phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn" do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức sáng nay (12.12).

Duthuyền đóng ở TP.HCM nhưng phải mang ra Nha Trang đăng kiểm, sang Thái Lan chạy thử? - Ảnh 1.

Nhu cầu sở hữu du thuyền, ca nô cá nhân tại TP.HCM ngày càng tăng

ĐỘC LẬP

Tiềm năng lớn nhưng... thiếu đủ thứ

Phát biểu tại tọa đàm, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch CLB Du thuyền TP.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết hiện thành phố có 101 tuyến đường thủy với tổng chiều dài 913 km, 17 sản phẩm tour, 73 bến đủ điều kiện phục vụ du lịch và hơn 100 doanh nghiệp tham gia khai thác các sản phẩm du lịch trên sông Sài Gòn. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển vận tải hành khách, kết nối giao thương kết hợp với du lịch bằng đường thủy, đặc biệt phát triển tour du thuyền, taxi nước. 

"Hiện nay, TP.HCM có khoảng 100 du thuyền, tính cả cano là 200 chiếc nhưng chưa có tiêu chuẩn, cũng chưa có chỗ nào đăng kiểm, bảo dưỡng du thuyền tại thành phố. Có thuyền nhỏ đóng xong phải mang ra tận Nha Trang đăng kiểm" - ông Việt dẫn chứng.

Mở công ty đóng tàu đã tham gia sản xuất ở Việt Nam hơn 10 năm, ông Richard Ward - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Corsair Marine International, chia sẻ: Ban đầu, ông nghĩ Việt Nam có hệ thống sông ngòi, biển rộng khắp, là tiền đề quan trọng để phát triển du thuyền và các dịch vụ liên quan. Thế nhưng, khi vào làm mới biết doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn lớn về cơ sở hạ tầng để đầu tư nhà máy đóng tàu. 

"Hơn 10 năm qua chúng tôi đi tìm vị trí đất có mặt nước để đóng tàu, du thuyền nhưng nhiều nơi đã bị giữ chỗ. Rất may, công ty đã tìm được một nhà máy và chúng tôi đã tăng doanh thu gấp đôi trong một năm qua. Ngoài ra, một khó khăn khác là về cơ chế chính sách. Khi một phương tiện mới xuất xưởng cần thử nghiệm rất nhiều. Những con tàu vượt đại dương càng cần phải chạy thử, kiểm tra một cách bài bản nhất. Do một số vướng mắc về chính sách ở Việt Nam nên công ty phải hình thành một trung tâm chạy thử ở Thái Lan" - ông Richard Ward cho biết.

Theo ông Phạm Văn Việt, thành phố cần khảo sát các bến thủy nội địa, xác định bến nào có tiềm năng du lịch để nâng cấp thành bến du thuyền. Đồng thời có nhiều chính sách để thu hút đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP), khuyến khích doanh nghiệp cùng đầu tư và khai thác tối đa các tiềm năng mà sông Sài Gòn đem lại.

"Sông Sài Gòn hoàn toàn có thể trở thành dòng sông di sản, dòng sông văn hóa, dòng sông giao thông và dòng sông kinh tế như sông Chao Phraya (Bangkok), sông Hoàng Phố (Thượng Hải), sông Hàn (Seoul)… mang lại hàng tỉ USD mỗi năm nếu thành phố biết khai thác tốt mặt nước, bờ sông và quỹ đất ven sông. Ngay giữa lòng thành phố, chỉ cần bước chân xuống bến du thuyền là có thể cảm nhận được một không gian hoàn toàn khác với hai bên bờ sông. Ban ngày năng động, ban đêm rất thơ mộng. Với sự chung tay và nỗ lực của tất cả mọi người, sông Sài Gòn sẽ trở thành thương hiệu vàng của TP.HCM, trở thành điểm đến nổi bật trên bản đồ du lịch thế giới" - ông Việt kỳ vọng.

Duthuyền đóng ở TP.HCM nhưng phải mang ra Nha Trang đăng kiểm, sang Thái Lan chạy thử? - Ảnh 2.

TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn chưa có chính sách phát triển ngành công nghiệp du thuyền

CTV


Không có cảng bến, sông Sài Gòn sẽ thành "ao làng"

Theo TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký hội Khoa học lịch sử TP.HCM: Sông Sài Gòn không chỉ nối nội vùng đô thị với nhau, nối giữa đô thị với các tỉnh miền Đông, miền Tây mà còn có tính chất hướng biển. Có lẽ không có thành phố nào ở sâu trong nội địa đến 70 - 80 km mà vẫn có cảng biển lớn mà đã được hình thành ngay từ khi hình thành đô thị Sài Gòn, đặc trưng từ việc xây dựng xưởng thủy của chúa Nguyễn Ánh từ cuối thế kỷ 18. 

Tính chất sông nước và hướng biển là quan trọng nhất, tạo nên sắc thái kinh tế, tiềm năng kinh tế của TP.HCM là nền kinh tế xuất nhập khẩu, dịch vụ, cởi mở. Đây là những đặc điểm hình thành nên hình thái kinh tế cơ bản của TP.HCM trên cơ sở sông Sài Gòn.

Với hình thái này, một trong những đặc trưng kinh tế quan trọng của thành phố là hệ thống cảng. Cảng sông nối liền với cảng biển. Hiện nay, thành phố đã và đang chủ trương di dời tất cả hệ thống cảng biển ra bên ngoài để bảo vệ cho môi trường và phát triển đô thị. Tuy nhiên, cần thiết phải lưu giữ và phát triển hệ thống cảng du lịch nội tuyến cũng như cảng du lịch đường sông.

"Nếu như TP.HCM mất cảng thì sẽ mất 1 đặc trưng vô cùng quan trọng, không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn làm mất đặc trưng văn hóa cởi mở, giao lưu và kết nối với các vùng. Vì thế, có thể chuyển đổi công năng các cảng thành cảng du lịch nội vùng, cảng du lịch đường biển. Ngay cả độ tĩnh không của các cầu cũng cần lưu ý vấn đề này. Nếu tàu thấp, không thể cho những tàu lớn vào đến bến cảng của Sài Gòn thì sông Sài Gòn sẽ "biến" thành ao làng. Khi bị khép kín như vậy thì cả tính chất văn hóa và kinh tế của thành phố sẽ không còn nữa" - TS Nguyễn Thị Hậu lưu ý. 

Chuyên gia này nhấn mạnh TP.HCM cần rút kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế ven sông, đừng chăm chăm nhìn vào hai bờ sông để phát triển bất động sản. Khi phát triển du lịch đường sông và cả giao thông đường thủy phải hình thành hệ thống các dịch vụ ven bờ sông, bến bãi, nhà chờ... gắn chặt với đường sông Sài Gòn nói riêng và TP.HCM nói chung.

"Một thành phố lớn thì không thể không phát triển du lịch dựa vào đặc trưng cơ bản nhưng luôn bắt đầu từ việc phục vụ nhu cầu cho người dân địa phương. Không nên chỉ chăm chú đến du khách bên ngoài mà cần chú ý đến những thuận lợi giao thông cho cư dân thành phố. Khi cư dân thành phố được hưởng lợi thì chắc chắn sẽ chung tay gìn giữ môi trường, thậm chí kết hợp với ngành du lịch để tạo nên những điểm, nơi sinh hoạt cộng đồng, hình thành những tuyến điểm văn hóa phục vụ du lịch đường sông" - TS Nguyễn Thị Hậu nêu ý kiến


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.