Bất chấp thị trường tài chính ẩn còn nhiều bất ổn và tài sản giảm đi, nhưng giới siêu giàu của thế giới vẫn không dừng 'đốt tiền' vào những mặt hàng xa xỉ.
Viên kim cương hồng giá 28,5 triệu USD của vị doanh nhân Hồng Kông - Ảnh: The Guardian |
Vừa qua, báo Standard (Anh quốc) dẫn thống kê của Công ty tư vấn Knight Frank cho hay tài sản của giới siêu giàu thế giới đang giảm đi.
Tài sản giảm sâu
Cụ thể, tổng tài sản của các tỉ phú toàn cầu giảm từ mức 1.825 tỉ USD vào năm 2014 xuống còn 1.810 tỉ USD vào năm 2015. Cũng theo thống kê trên, số lượng cá nhân được xếp vào hạng siêu giàu, tức có tài sản từ 30 triệu USD (gần 700 tỉ đồng) trở lên, cũng giảm từ 193.100 người vào năm 2014 còn 187.500 người vào năm 2015, và tổng tài sản của nhóm này giảm 3% còn 19.300 tỉ USD. Cùng giai đoạn, số triệu phú USD toàn cầu cũng giảm từ mức 13,6 triệu người còn 13,3 triệu người, dù tổng tài sản vẫn còn đạt 66.000 tỉ USD.
Tuy nhiên, tình hình trên dường như chẳng đủ sức khiến cho giới nhà giàu giảm chi tiêu vào những thứ đắt đỏ như bất động sản cao cấp, chuyên cơ, du thuyền hay kim cương… Chỉ số Knight Frank Luxury Investment Index (KFLII), đánh giá mức độ chi tiêu vào các khoản như rượu hạng sang, tranh quý, xe cổ… ghi nhận mức tăng 7% vào năm 2015, ấn tượng hơn hẳn so với các chỉ số tài chính toàn cầu.
Doanh thu siêu du thuyền tăng trưởng đến 40% - Ảnh: The Guardian
|
1 người mua 2 viên kim cương “khủng”
Theo báo cáo từ Knight Frank, doanh thu của ngành rượu vẫn tăng đến 5%, bằng với mức tăng của phân khúc đồng hồ cao cấp. Nhóm hàng nữ trang cũng đạt mức tăng đến 4%. Thị trường nữ trang và đá quý năm 2015 ghi nhận 2 thương vụ đình đám với giá trị “khủng”.
Cụ thể, cuối năm qua, một doanh nhân ở Hồng Kông đã lần lượt chi ra 28,5 triệu USD (khoảng 640 tỉ đồng) và 48,4 triệu USD (gần 1.100 tỉ đồng) để mua 1 viên kim cương hồng, 1 viên kim cương xanh vào loại siêu hiếm. Khó tin hơn, vị doanh nhân còn tuyên bố viên kim cương xanh giá 48,4 triệu USD chỉ để tặng cô con gái 7 tuổi. Hồi năm 2009, người này từng chi 9,5 triệu USD (hơn 200 tỉ đồng) để mua một viên kim cương xanh khác.
Không chỉ kim cương, các tác phẩm nghệ thuật cũng được mua với mức giá khó tin. Cuối năm ngoái, bức tranh Les Femmes d’Algerdo của danh họa Pablo Picasso (1881 - 1973) đã được mua với giá lên đến 179 triệu USD (hơn 4.000 tỉ đồng) trong một cuộc đấu giá được tổ chức bởi Hãng Christie’s (New York, Mỹ), dù mức kỳ vọng ban đầu là 140 triệu USD. Cũng tại cuộc đấu giá này, bức tranh Reclining Nude của danh họa Amedeo Modigliani (1884 - 1920) được mua với giá đến 170 triệu USD (hơn 3.800 tỉ đồng). Năm qua, bộ sofa có giá bán xấp xỉ 3,5 triệu USD (gần 80 tỉ đồng) cũng đã được bán.
Tất nhiên, các thương vụ mua bán xe hơi giá khủng cũng không thể bỏ qua. Trong các đợt bán đấu giá 25 chiếc xe hơi cổ đã có 8 chiếc vượt mức 10 triệu USD. Năm 2015, doanh thu nhóm sản phẩm này tăng đến 17% so với năm trước. Còn doanh thu của nhóm siêu du thuyền, tức các du thuyền dài trên 24 m, đã tăng chóng mặt khi cao hơn 40% so với năm 2014.
Theo các thống kê, giới siêu giàu đến từ châu Á đã góp phần lớn vào kết quả chi tiêu mua sắm hàng xa xỉ.
10 người giàu nhất thế giới
Đầu tháng 3, báo cáo của tạp chí Forbes, chuyên bầu chọn tỉ phú thế giới, chỉ ra tổng tài sản của 20 người giàu nhất thế giới năm 2015 đã giảm 72 tỉ USD so với năm 2014, từ mức 899 tỉ USD còn 827 tỉ USD. Theo báo cáo của Forbes, 10 người giàu nhất thế giới sở hữu trị giá tài sản như sau: Bill Gates (Mỹ): 75 tỉ USD; Amancio Ortega (Tây Ban Nha): 67 tỉ USD; Warren Buffett (Mỹ): 60,8 tỉ USD; Carlos Slim (Mexico): 50 tỉ USD; Jeff Bezos (Mỹ): 45,2 tỉ USD; Mark Zuckerberg (Mỹ): 44,6 tỉ USD; Larry Ellison (Mỹ): 43,6 tỉ USD; Michael Bloomberg (Mỹ): 40 tỉ USD; hai anh em Charles Koch và David Koch (Mỹ) đều có 39,6 tỉ USD.
|
Bình luận (0)