Dù tính cách khác nhau, nhưng cụ Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt rất hợp nhau

Vũ Hân
Vũ Hân
07/10/2018 16:11 GMT+7

Khi gặp cả trợ lý của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười và nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một căn phòng, tôi không thể không hỏi, phải chăng một người cố sức đạp ga, một người "vừa cầm lái vừa đạp phanh" như lời đồn?

Đó là cách nói nếu không ác ý thì là không hiểu
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy, người có 8 năm làm trợ lý kinh tế của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười (từ tháng 6.1988 đến tháng 10.1996), cho biết bản thân ông đã chủ động xa rời truyền thông kể từ khi về hưu, nhưng ông nhận lời nói về nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, mà theo lời ông Thuý lý giải, “để mọi người nhìn cụ đầy đủ hơn, mà có thể là đúng đắn hơn”; bởi người không gần thì chỉ nhìn 1 chiều, chỉ thấy cái hay hoặc cái dở; thậm chí cái đáng lẽ là hay thì họ nghĩ là dở.
Công trạng, sự nghiệp của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đã nhiều người nói đến, nhưng phải chăng ông là người bảo thủ, và sự bảo thủ đó đã kiềm chế những nỗ lực cải cách của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt?
Ông Lê Đức Thúy khẽ bật cười khi trả lời câu hỏi này: “Tôi cũng thấy có người viết trên facebook, nói cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người đạp ga, cố Tổng bí thư Đỗ Mười là người vừa cầm lái vừa đạp phanh, nên muốn chạy nhanh chắc chắn không được, mà chạy chậm cũng chưa chắc được. Tất cả đều là cách nói nếu không ác ý, thì là không hiểu”.
Rồi ông chỉ người ngồi cách đó một bàn, giới thiệu: “Anh Lê Đình Ân, nguyên là thư ký, trợ lý của ông Võ Văn Kiệt hàng chục năm, kể từ thời ông Đỗ Mười lên làm Thủ tướng. Chúng tôi vẫn thường nói chuyện về thời giúp việc 2 cụ. Thành quả của đổi mới (mà tôi thấy rằng là công của nhiều người lắm, như cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh...) liệu có được không, nếu ông Võ Văn Kiệt làm Phó thủ tướng thì cải cách, mà ông Đỗ Mười làm Thủ tướng thì bảo thủ?”
“Mọi người có thể nói, nếu không có những người bảo thủ như ông Đỗ Mười thì thành quả đã cao hơn nhiều. Nhưng thử hỏi, một ông Phó thủ tướng có thể triển khai đạt mọi việc thành quả nếu ông Thủ tướng ngăn cản không? Tôi không cho đó là cách nhìn đúng, dù chỉ là nhìn từ xa. Còn với những người ở rất gần như chúng tôi, thì biết được 2 cụ đều có cái hay, cái dở, cái được, cái mất; con người đều như vậy cả; nhưng vẫn là một khối gắn bó với nhau để làm, và làm được thành công”, nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước nhận định.
Ông Thúy nói thêm: “Nếu hỏi 2 ông có gì bất đồng không, thì đương nhiên là có. Khác ý kiến nhau là bình thường, khác nhau lối sống cũng là bình thường. Nhưng với những chủ trương lớn, chính sách lớn, ít kíp nào mà có sự bàn bạc với nhau cẩn thận như thời ấy và đi đến những quyết sách tốt như thế. Có những cái ông Đỗ Mười phải điều chỉnh cho ông Võ Văn Kiệt, vì có khi đổi mới đi “quá” chẳng hạn. Ngược lại, có những cái ông Kiệt lại tháo gỡ những cái mà mọi người cho rằng ông Mười còn bảo thủ”.
Hai cụ đều biết nghe cái mới
Ông Lê Đình Ân cũng cho rằng: “Hai cụ nhất quán với nhau. Dù tính cách mỗi người một khác, cách làm cũng khác, nhưng quan trọng là 2 người ủng hộ nhau. Ví dụ làm đường dây 500 kV, ông Đỗ Mười không cho làm, thì ông Võ Văn Kiệt có muốn cũng chẳng làm được. Nhưng ông Kiệt đề xuất ra đường dây đó, quyết làm, ông Mười vẫn ủng hộ”.
“Người ta nói một đường, nhưng trong cuộc sống thực ra 2 ông lại rất hợp nhau. Tất nhiên, phải gắn với thời cuộc lúc đó, chứ không phải như thời nay nhìn lại, tưởng rằng tự do đến mức muốn làm gì thì làm. Nhìn chung, các cụ biết nghe những cái mới. Ông Võ Văn Kiệt đề xuất những cái để phá rào, nếu nó tốt thì ông Đỗ Mười ủng hộ ngay. Còn những cái không thể làm trong thời điểm ấy thì ông ngăn, và ông Võ Văn Kiệt cũng phải nghe”, ông Ân nhớ lại.
Theo ông Lê Đức Thúy, với tư cách tham mưu, ông và ông Lê Đình Ân luôn phải biết 2 người có gì kiềng nhau không để trong việc viết lách, tham mưu tránh những thứ tạo nên xung đột. “Hai ông có khác nhau, nhưng đó là việc nhỏ, con người ai cũng vậy thôi. Như ông Mười khi hết việc thì cúi đầu đọc sách, ông Kiệt thì thích chơi thể thao, chơi tennis, mà hồi bấy giờ tennis được coi là một môn thể thao quý tộc. Ông sắm quần áo, vợt bóng, làm 1 cái sân bóng trong Văn phòng Chính phủ ấy. Cụ Mười không hài lòng. Nhưng nói như thế để cho rằng 2 ông mâu thuẫn về quan điểm là không đúng”, ông Thuý nói.
Hay một khác biệt khác mà ông Thuý dẫn ra là nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười không phải người rượu chè, thuốc men. Địa phương không bao giờ dám mang 1 chai rượu ngoại, một bao thuốc lá ngoại ra mời. Khi họp Chính phủ hay họp T.Ư, ai muốn hút thuốc cũng không dám để cả bao lên bàn, mà phải rút từng điếu (thời đó gọi là “thuốc móc”). Ngược lại, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lại là người thoải mái, vui anh em vẫn làm chén rượu.
“Tuy nhiên, tôi không chê cụ nào, mà tôi cho rằng đó là cá tính của từng người”, ông Thúy nói, và đặt dấu hỏi: “Tôi cũng không hiểu sao thiên hạ nhìn vào đó thì lại thấy rằng ông Kiệt thì thoải mái, ông Mười thì bảo thủ? Thậm chí, trong khía cạnh nào đó, tôi thấy, vào cái thời điểm mà dân ăn cũng không đủ no, thì việc cụ (nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười - PV) giữ gìn cũng phát ra thông điệp cho cán bộ noi gương, phải sống cần kiệm thôi”.
Nguyên Tổng bí thư có bao giờ nhận thức lại cải tạo tư sản?
Trả lời câu hỏi này, ông Lê Đức Thúy kể lại một lần tâm sự với “anh Mười” mà ông rất nhớ: “Ông (nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười - PV) bảo: Người ta phê phán tôi "đánh" tư sản. Nói thật với chú, lúc đó Đảng giao cho tôi làm, trong Đảng có ai nói ngược lại không? Lúc đó ai cũng nói phải đẩy nhanh cải tạo XHCN theo kiểu miền Bắc đã làm, theo kiểu Liên Xô, Trung Quốc đã làm, để thống nhất về mô hình phát triển”.
Ông Thúy nhắc đến ông Trần Phương, nhà lý luận về kinh tế học của Đảng lúc bấy giờ, cũng nói rằng không thể duy trì kinh tế tư nhân được; và nói “ngay cả tôi là thế hệ trẻ hơn, và các anh em trẻ hơn tôi nữa, lúc bấy giờ, cũng không nghĩ được là không nên làm cải tạo”.
Theo ông Thuý, chúng ta phải trả giá nhiều năm mới đi tới được nhận thức gần đây là lấy kinh tế tư nhân làm động lực. Đại hội VI mới đưa ra được tư tưởng phát triển kinh tế nhiều thành phần đã là một bước tiến rất xa. "Có ai nói khác không? Không có. Mà không có không phải chúng ta không cho nói, mà do nhận thức thời đó của chúng ta chưa tới”, ông Thuý lý giải.
“Mặc dù Việt Nam có câu: cái quan định luận, đóng nắp quan tài vào mới nhận định được hết về một con người, nhưng chưa hẳn đã đúng. Có những thứ cần nhiều thời gian hơn, càng có thông tin nhiều chiều, càng có sự kiểm chứng của lịch sử, thì sẽ càng đúng hơn”, ông Thúy bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.