Dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục

Thanh Xuân
Thanh Xuân
12/03/2022 06:33 GMT+7

Tốc độ tăng trưởng dự trữ ngoại hối của VN hiện gấp 10 lần so với 12 năm trước, gần 4 lần so với cách đây 7 năm và đạt gần 110 tỉ USD, mức kỷ lục từ trước tới nay. Đây được coi là “bộ đệm”, hỗ trợ rất tốt cho tăng trưởng kinh tế.

Tăng 10 lần trong 12 năm

Năm 2021, nhập khẩu của VN đạt hơn 332 tỉ USD, như vậy với mức 110 tỉ USD, dự trữ ngoại hối (DTNH) hiện tương ứng khoảng 17 tuần nhập khẩu, cao hơn rất nhiều mức 9 - 12 tuần những năm trước đây. Lý giải về thành quả này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thời gian qua đã thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, sử dụng linh hoạt các công cụ điều hành chính sách tiền tệ bao gồm tỷ giá, lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát, thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối... nhằm hạn chế tình trạng đô la hóa và vàng hóa trong nền kinh tế.

Dự trữ ngoại hối của VN hiện cao kỷ lục, sẽ hỗ trợ rất tốt cho tăng trưởng kinh tế

Ngọc Thắng

Tình hình cung - cầu trên thị trường ngoại hối đã được cải thiện, nguồn cung ngoại tệ trên thị trường trong nước từ tình trạng khan hiếm chuyển sang thặng dư, không chỉ đáp ứng đủ cho các nhu cầu nhập khẩu của nền kinh tế mà còn góp phần cải thiện thặng dư cán cân thanh toán quốc tế, bổ sung nguồn ngoại tệ cho DTNH.

DTNH tăng lên cao kỷ lục 110 tỉ USD, theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, sẽ giúp tỷ giá ổn định hơn trong thời gian tới. Đây là mục tiêu quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút dòng vốn đầu tư dài hạn nước ngoài vào VN. Khi các dòng vốn ngoại tệ như xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, kiều hối… chuyển về VN tăng cao, dẫn đến thặng dư thì lúc này NHNN sẽ mua ngoại tệ vào tăng DTNH; còn khi thị trường cần ngoại tệ, NHNN sẽ là người điều tiết cuối cùng trên thị trường bán ra. Trong bối cảnh kinh tế khá ổn định, đồng tiền nội tệ không biến động mạnh, chỉ ở mức 1 - 2% đã giúp dòng vốn đầu tư nước ngoài gia tăng thêm. “Hơn nữa, lượng DTNH dồi dào sẽ giúp NHNN có nhiều dư địa và giải pháp phù hợp trong việc điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là việc điều hành linh hoạt và ổn định tỷ giá, nâng cao giá trị tiền đồng, từ đó gia tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài cũng như người dân. Người dân, doanh nghiệp cũng bớt nắm giữ ngoại tệ khi thấy không có lợi, họ bán lại ngoại tệ thay vì găm giữ như những năm trước đây. Điều này tác động tích cực đến việc chống đô la hóa nền kinh tế”, TS Nguyễn Đức Độ nhận định.

Tín nhiệm quốc gia tăng

Theo IMF, quy mô DTNH của một quốc gia sẽ bị coi là thấp nếu chỉ tiêu này nhỏ hơn 8 tuần nhập khẩu; từ 8 - 12 tuần nhập khẩu là mức tối thiểu; 12 - 16 tuần là mức trung bình; 16 - 24 tuần là mức cao; trên 24 tuần là mức quá cao. DTNH ở mức 12 tuần nhập khẩu là đảm bảo theo thông lệ quốc tế, đủ sức chống đỡ các cú sốc ngắn hạn. Ông Nguyễn Đức Độ nhận xét quy mô DTNH 110 tỉ USD của VN là tương đối phù hợp để hỗ trợ kinh tế. Không nên tăng DTNH bằng mọi giá mà phù hợp với bối cảnh thực tế, quan trọng là phải cân bằng nhiều mục tiêu như điều tiết cung tiền, lạm phát, cân bằng tỷ giá...

Ngược lại, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn thị trường tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ủng hộ nên tăng mức DTNH ở mức cao. Các nước trên thế giới đều mong muốn gia tăng nguồn DTNH để nâng cao vị thế đồng nội tệ, đặc biệt sẽ giúp nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia, điều này hết sức quan trọng khi phát hành các giấy tờ có giá như trái phiếu trên thị trường quốc tế. VN luôn bội chi ngân sách, bình quân hằng năm khoảng 5%. Để bù đắp cho khoản này thì phải vay nợ, tỷ lệ nợ nước ngoài của khu vực công hiện chiếm khoảng 60 - 70% GDP. Có 2 nguồn vay là trong và ngoài nước nhưng chủ yếu vay nước ngoài. Qua giai đoạn dịch Covid-19, nguồn thu ngân sách trong nước cũng có hạn khi các doanh nghiệp gặp khó khăn. Với DTNH ở mức cao, đánh giá khả năng trả nợ của một quốc gia tốt thì tín nhiệm cũng sẽ tăng, giúp chi phí vay vốn ngoại tệ nước ngoài qua hình thức phát hành trái phiếu sẽ giảm. Ông Huân cũng cho rằng không nên lo ngại DTNH cao sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, vì khi nhà nước bỏ tiền mua ngoại tệ tăng dự trữ thì đồng thời cũng thực hiện các công cụ để thu hút tiền trở về. Lạm phát hiện nay không hẳn là do cung tiền mà chủ yếu là chi phí đẩy. Hậu Covid-19, nhu cầu hàng hóa tăng cao cộng thêm chuỗi cung ứng vẫn còn đứt gãy, giá nguyên vật liệu tăng, đặc biệt là giá dầu đã đẩy lạm phát thế giới tăng cao. Việc nhà nước mua vào ngoại tệ tăng dự trữ còn giúp cho một lượng tiền đồng bơm ra thị trường, hệ thống ngân hàng thanh khoản để có thể duy trì được lãi suất ổn định. Điều này hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Kiến nghị thành lập Cục Quản lý DTNH nhà nước

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN. Hiện nay, NHNN có 2 đơn vị trực tiếp tham gia vào công tác quản lý DTNH là Vụ Quản lý ngoại hối (thực hiện quản lý DTNH nhà nước) và Sở Giao dịch (thực hiện các nghiệp vụ cụ thể về DTNH nhà nước). Ngoài DTNH lên gần 110 tỉ USD, tổng tài sản có do Sở Giao dịch quản lý (cả bằng nội tệ và ngoại tệ) tính đến cuối năm 2021 đã lên hơn 3,1 triệu tỉ đồng, cao hơn nhiều so với thời điểm cuối năm 2015 là 800.636 tỉ đồng. Do vậy, khối lượng công việc tác nghiệp tại Sở Giao dịch đã trở nên quá tải do sự gia tăng của lượng tài sản cần quản lý, gây áp lực công việc lên lực lượng công chức. NHNN dự kiến thành lập Cục Quản lý DTNH nhà nước trên cơ sở sắp xếp, điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ của Vụ Quản lý ngoại hối và Sở Giao dịch thuộc NHNN.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.