Năm nào cũng vậy, khi cái nắng ấm ngày cuối thu dường như đã tan hết, hơi lạnh vương khắp xóm làng cũng là thời điểm giàn bầu bên ao nhà trĩu quả. Những quả dài lủng lẳng treo trên giàn nhiều đến nỗi ăn không kịp, phải đem biếu hàng xóm.
Trước khi nấu, má tôi ra giàn bầu chọn những quả thon dài, vỏ xanh mướt. Gọt vỏ bỏ ruột, rửa sạch băm bầu thành lát nhỏ vừa ăn hoặc thái chỉ. Người nội trợ thường có thói quen khoét bỏ ruột và hạt trước khi chế biến thành món ăn.
Tuy nhiên theo kinh nghiệm dân gian, chỉ nên bỏ ruột và hạt khi quả quá già. Không nên khoét bỏ đi bởi phần này không chỉ chứa nhiều vitamin và dưỡng chất, hạt bầu còn có tác dụng trị giun hay đau đầu.
Riêng cua, chọn con chắc, nặng, khỏe, nhanh nhẹn để đảm bảo độ tươi ngon. Cua mới bắt để lâu hàng tuần không chết nhưng chất lượng thịt giảm nhiều sau bốn, năm ngày. Vì vậy, cua mới mua về nên chế biến liền.
Ngâm một chút nước muối pha loãng để cua yếu đi trước khi bẻ hai càng và các chân. Tiếp tục bóc yếm, lấy thịt và bỏ phần màu xám không ăn được ở bên trong. Dùng tăm khều phần gạch ở mai cua để riêng, bẻ mình cua thành những miếng vừa ăn. Ướp cua với một ít muối, đường, tiêu chừng mười lăm phút.
Khi nguyên liệu đã sẵn sàng, làm nóng dầu trên chảo, cho hành vào phi thơm rồi xào cua, thêm nước dùng vào nấu sôi. Cua chín, tiếp tục cho bầu vào nấu sôi vài dạo. Cuối cùng cho hành, ngò cắt khúc và nhanh tay nhấc canh xuống.
Bầu nấu canh cua phải ăn thật nóng mới cảm nhận hết cái ngon ngọt vốn có. Múc từ nồi ra chén một ít canh, khói vẫn tỏa nghi ngút. Húp một tí nước, kèm theo một lát bầu. Chút ngọt đậm đà của nước canh lẫn với cái vị thanh nhẹ của bầu càng làm cho bữa cơm thêm thi vị.
Tuổi thơ của tôi đi qua những bữa cơm quê nghèo xứ Quảng. Bát canh bầu nấu cua là một trong những món đọng nhiều dư vị ngọt ngào ghi dấu một thời tuổi thơ cơ cực.
Bình luận (0)