Báo The Guardian hôm 10.5 đưa tin kỹ thuật mới, được biết đến với tên gọi điều trị hiến ti thể (MDT), sử dụng mô từ trứng của người hiến là nữ giới khỏe mạnh để tạo ra phôi thai IVF không bị di truyền những đột biến có hại từ mẹ ruột.
Do phôi thai kết hợp từ trứng và tinh trùng của cha mẹ ruột, được bổ sung những cấu trúc ti thể từ trứng người hiến, đứa trẻ sinh ra vẫn thừa hưởng ADN từ cha mẹ như bình thường, cộng thêm một số lượng nhỏ gien di truyền (khoảng 37 gien) từ người hiến.
Quy trình can thiệp trên dẫn đến kết quả là các em bé có "3 cha mẹ", dù hơn 99,8% số ADN ở trẻ đến từ cha mẹ ruột.
Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản Newcastle là tổ chức đi tiên phong công cuộc nghiên cứu về MDT, còn được biết đến với cái tên khác là liệu pháp thay thế ti thể (MRT), tại Anh.
Đây là nỗ lực nhằm giúp những phụ nữ có ti thể đột biến vẫn sinh hạ những đứa trẻ khỏe mạnh mà không mắc những căn bệnh vô phương chữa khỏi vì thừa hưởng rối loạn di truyền từ mẹ.
Ti thể chiếm khoảng 0,1% của gien di truyền người, và toàn bộ đều thừa hưởng từ người mẹ. Vì thế những đột biến có hại ở ti thể có thể xuất hiện ở tất cả những đứa con sinh ra từ người mẹ này.
Rối loạn di truyền ti thể nhiều khả năng dẫn đến các căn bệnh liên quan đến tim mạch, suy gan, rối loạn não, mù lòa và loạn dưỡng cơ.
Trong số khoảng 6.500 đứa trẻ trên thế giới sẽ có một bé di truyền rối loạn ti thể từ mẹ.
Anh là quốc gia đầu tiên cấp phép điều trị hiến ti thể. Đứa bé đầu tiên trên thế giới được tạo ra 3 cha mẹ đã chào đời ở Mexico vào năm 2016 với sự trợ giúp của đội ngũ y khoa đến từ thành phố New York (bang New York, Mỹ).
Người mẹ trong trường hợp này có gien gây ra hội chứng Leigh, chỉ tình trạng rối loạn chết người có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thần kinh.
Bình luận (0)