Mới học năm 2, Khoa Giáo dục tiểu học và mầm non, Trường ĐH Quy Nhơn, nhưng cô sinh viên Phan Minh Nhựt (quê Bình Định) đã trở thành một trong 11 tác giả được nhận giải trong cuộc thi “Giải thưởng nghiên cứu Biển Đông năm 2014” với phần thưởng 15 triệu đồng.
Phan Minh Nhựt (phải) và cô giáo - Ảnh: Tâm Ngọc
|
Cuộc thi trên do Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông phát động dành cho sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, học giả, nhà nghiên cứu trên toàn quốc. Đề tài mà Phan Minh Nhựt thực hiện có tên Giáo dục kiến thức biển - đảo cho học sinh tiểu học qua môn Tự nhiên - Xã hội. Đề tài có 3 chương, dài gần 80 trang, gồm tiểu luận và tranh, ảnh minh họa.
|
Nhựt kể lại: “Em biết đến cuộc thi này là nhờ có cô giáo Nguyễn Thị Tường Loan, giảng viên bộ môn Tự nhiên - Xã hội trên khoa giới thiệu và hướng dẫn thực hiện. Lúc đầu, em cũng không hình dung sẽ làm một đề tài nghiên cứu ra sao, nhưng càng làm, em càng thấy hứng thú vì vấn đề này thiết thực, hữu ích, nhất là tầm quan trọng của việc giáo dục ý thức chủ quyền, lãnh thổ biển đảo của nước ta cho các em học sinh ngay ở cấp tiểu học”.
Tại buổi bảo vệ đề tài ở Hà Nội vào cuối tháng 3.2015, trước Hội đồng giám khảo gồm các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Biển Đông như PGS-TS, thiếu tướng Lê Văn Cương, thiếu tướng Trần Văn Hương (Bộ Quốc phòng), PGS.TS Vũ Thanh Ca - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý biển và hải đảo… Phan Minh Nhựt đã tự tin trả lời các câu hỏi khó như giáo viên làm thế nào để có thể đưa nội dung đề tài vào giảng dạy và liệu học sinh tiểu học có thể “tiêu hóa” được lượng kiến thức đó không. Cách giải quyết của Nhựt cho cả 2 vấn đề này đều phụ thuộc phần lớn vào giáo viên. Có trang bị, trau dồi kiến thức biển đảo tốt, dựa vào trình độ học sinh, tình hình thực tế cơ sở vật chất và quyết tâm thì người đứng lớp sẽ làm được.
Cô Nguyễn Thị Tường Loan nói thêm, thật ra, việc lồng ghép kiến thức biển đảo cho các em cũng không quá khó. Chẳng hạn, khi dạy bài về cá, giáo viên sẽ hỏi cá sống ở đâu các em? Cá sống ở sông, suối, hồ, biển, vậy các em có biết nước ta có những vùng biển nào và có những quần đảo nào không?... Với cả hai cô trò, việc cụ thể hóa tình yêu đất nước, ý thức về chủ quyền qua những trang giáo án cho học sinh vô cùng thú vị. Bài giảng vì thế mà mở rộng, hấp dẫn hơn và đóng một vai trò thiết thực hơn trong việc giáo dục cho các em ngay từ buổi đầu đến lớp.
“Đây chỉ là bước khởi đầu với em, dù em đã rất hạnh phúc và vui mừng đến nỗi nhảy cẫng lên khi nghe tin mình được giải. Nó giúp em có thêm trải nghiệm, kiến thức và sự tự tin. Nếu sau này, có cuộc thi nào tương tự, em sẽ tiếp tục tham gia. Và mong rằng, những bạn trẻ như em sẽ cùng tham gia hoặc làm được điều gì đó thiết thực để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mà cha ông ta bao đời xây đắp!”, Phan Minh Nhựt chia sẻ.
Bình luận (0)