Đưa cảng biển Cần Giờ về thời hoàng kim

20/02/2023 13:50 GMT+7

Trong lịch sử, Cần Giờ đã từng là cảng biển viễn dương nổi tiếng trên đường hàng hải Á - Âu. Về sau, cảng biển Cần Giờ dần dần lụi tàn vì thiếu đường bộ chuyển tiếp vào nội địa, trong khi đường bộ ngày càng chiếm ưu thế độc tôn.

Từng là cảng biển viễn dương phồn thịnh

Trong lịch sử, Cần Giờ từng là cảng biển viễn dương phồn thịnh nổi tiếng. Nhiều thư tịch cổ đã nhắc đến Cần Giờ trên con đường hàng hải phương Đông và cửa ngõ vào ĐBSCL.

Đưa cảng biển Cần Giờ về thời hoàng kim - Ảnh 1.

Cần Giờ nằm chính giữa hai vùng kinh tế quan trọng là Vũng Tàu và Mỹ Tho - trung tâm đầu mối giao thông vùng ĐBSCL

NGỌC DƯƠNG

Trong sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn năm 1776 đã viết: "Cửa biển Cần Giờ ở giữa có sông Soài Rạp, phía dưới thì vào Cửa Đại, Cửa Tiểu, chỗ nào cũng là thuyền buồm tụ họp". Điều này cũng được nhắc đến trong cuốn "Chân Lạp Phong thổ ký" của Châu Đạt Quan năm 1296. Xa hơn nữa, trong sách địa lý cổ Ptoleme cũng kể đến tên một thị trấn lớn trên cung đường hàng hải viễn đông là Katigara. Trong cuộc tìm kiếm xem Katigara ở đâu, nhiều nhà nghiên cứu căn cứ trên vị thế nơi dừng chân trong hải trình viễn dương, nhu cầu trao đổi hàng hóa và cung ứng dịch vụ tàu biển, cùng với mô tả của các thuyền trưởng, đã cho rằng đó là khu vực cảng Cần Giờ.

Nhiều năm sau, Cần Giờ mất dần vị thế của mình, nhường dần nguồn lực cho Gia Định, Cù lao Phố (Biên Hòa) và Sài Gòn. Cảng xưa, bến cũ nay chỉ còn là Rừng Sác vắng vẻ mênh mông. Cần Giờ ngày nay chỉ là một huyện ngoại thành, chủ yếu là đất rừng ngập mặn, là lá phổi xanh, là vùng bảo tồn sinh thái của TP.HCM.

Thế nhưng, giao thông nội địa là sống còn của cảng biển và đô thị. Xưa kia, đường sông chiếm ưu thế nên Cần Giờ là nơi lý tưởng để dừng chân, sang mạn, để tiếp ứng nguồn lực với đất liền, giao lưu vào sâu trong nội địa.

Khi vận tải phát triển với nhiều xe tải nặng và nhanh, Cần Giờ không có đường bộ trở thành cách biệt, cô lập chơ vơ, dần dần bị quên lãng, biến thành rừng vắng. Bên cạnh đó, lịch sử đã biến Cần Giờ thành rừng ngập mặn có hệ sinh thái tiêu biểu hiếm có trên thế giới, thành vùng dự trữ sinh quyển quan trọng, là lá phổi xanh cho thành phố.  Con đường từ Bình Khánh đi Cần Giờ hiện nay băng ngang rừng Sác không mở rộng thêm hơn để giữ cân bằng tác động môi trường.

Cần thiết trục đường Vũng Tàu - Cần Giờ - nối Gò Công - Mỹ Tho

Để hồi sinh vị thế của Cần Giờ, luồng đường mới từ Cần Giờ phải phát triển theo hướng qua vịnh Gành Rái sang Vũng Tàu và qua sông Soài Rạp sang tới Gò Công - Mỹ Tho. Đó là tuyến đường mới đi men theo ngoài rìa rừng ngập mặn để bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, trên luồng đường hàng hải viễn dương Âu - Á qua Biển Đông và hải đảo Việt Nam, vùng biển Vũng Tàu - Cần Giờ vẫn có tiềm năng lớn chưa khai thác hết năng lực cung ứng dịch vụ tàu biển, chưa trở thành nơi dừng chân thư giãn, du lịch, nghỉ dưỡng, và giao lưu văn hóa. Có thể thấy, tuyến giao thông nối các vùng dân cư kinh tế ven biển vẫn còn tiềm năng và cơ hội phát triển.

Thực tế, hiện nay phát sinh nhiều nhân tố mới mà khi làm quy hoạch mạng lưới giao thông trước đây chưa định rõ, cần cập nhật bổ sung.

Đưa cảng biển Cần Giờ về thời hoàng kim - Ảnh 2.

Cụ thể, Mỹ Tho là tụ điểm giao thông quan trọng, một điểm nút trên mạng đường giao thông từ miền Tây sang miền Đông. Mọi nguồn lực lớn lưu chuyển đông - tây bằng đường sắt, đường bộ, đường sông đều hội tụ tại Mỹ Tho. Tụ rồi phải tán. Các con đường giải tỏa cho nguồn lực tụ lại Mỹ Tho đến nay đều phải đi vòng quanh miên man theo các đường vành đai lớn rất tốn chi phí logistics, lãng phí năng lượng thời gian.

Trong khi đó, Cần Giờ là nơi bị hạn chế bởi môi trường sông nước bùn lầy, thiếu đường liên vùng, đang cần tăng cường phát triển cảng biển và đô thị hóa. Dự án xây dựng siêu cảng tại trung chuyển container Cần Giờ do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) liên kết với hãng tàu Mediterranean Shipping (MSC) đang đề xuất cùng dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ nghiên cứu đã chứng tỏ tiềm năng to lớn của vùng đất này.

Đồng nghĩa, nhu cầu trao đổi nguồn lực từ Cần Giờ với các tỉnh bên ngoài và phát sinh tụ tập dân cư sẽ ngày càng lớn, dẫn đến sự cần thiết phải mở thêm cầu đường theo những trục giao thông mới.

Nhìn rộng ra, chúng ta sẽ thấy: Gò Công là vùng đất lịch sử văn hóa truyền thống nổi tiếng nằm giữa lưu vực sông Tiền Giang và sông Vàm Cỏ đang chuyển mình nhanh chóng. Gò Công cần kết nối với các vùng kinh tế văn hóa ven biển để phát triển xứng tầm.

TP.HCM muốn tìm đường đi Vũng Tàu với lưu lượng lớn hơn thì buộc phải mở tuyến mới men rừng Sác Cần Giờ rồi qua biển sang Vũng Tàu. Có thể tìm thêm cách đi gần nhất bằng các con đường ven bờ tả ngạn sông Soài Rạp về Bình Khánh và hữu ngạn về Hiệp Phước.

Vũng Tàu đang phát triển mạnh, cần mở thêm luồng đường giao lưu theo hướng tây kết nối với ĐBSCL. Nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày 18.12.2021, Thủ tướng Chính Phủ đã tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho tỉnh này và khẳng định: "Bà Rịa-Vũng Tàu phải trở thành trung tâm logistics của cả nước và vươn lên tầm khu vực, quốc tế". Các cảng biển lớn nhất là Thị Vải và Cái Mép sẽ phải đón nhiều tàu biển lớn của đường hàng hải quốc tế ra vào trên vùng nước giữa Vũng Tàu và Cần Giờ với mật độ cao hơn nữa.

Khu vực Vũng Tàu và Long Hải, Bình Châu là những chuỗi đô thị du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng nổi tiếng thu hút khách du lịch trong ngoài nước, nay lại phát triển thêm hoạt động kinh tế dịch vụ thương mại giao lưu quốc tế, sẽ trở thành khu đô thị lớn đặc biệt.

Từ những yếu tố mới nổi trội trên đây, ta thấy cần thiết phải xây dựng trục đường nối liền Vũng Tàu - Cần Giờ - Gò Công với đoạn đường Gò Công - Mỹ Tho đã có. Trong đó, đoạn cầu vượt biển Vũng Tàu - Cần Giờ cần hoàn thành trước, sau đó nối tiếp làm cầu Soài Rạp sang Gò Công để có lối tắt gần hơn cho cả một mạng đường vận tải.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.