Thời gian gần đây, khá đông bạn trẻ tại TP.HCM nuôi và huấn luyện chim bồ câu để… đua.
Bí mật căn cứ
Căn cứ là nơi nuôi, đào tạo những “chiến binh” (chim bồ câu đua). Anh Lễ - dân trong nghề hay gọi là Lễ “quận 8”, năm nay 28 tuổi, có thâm niên 5 năm đào tạo những “chiến binh” và hiện sở hữu một căn cứ khá hoành tráng. Mỗi ngày, anh dành thời gian gần 4 giờ đồng hồ để chăm sóc, đào tạo chúng. “Mỗi căn cứ đều có bí mật riêng trong huấn luyện, ví như bí mật quân sự vậy”, Lễ bộc bạch, “Bí mật này nằm ở việc chọn chim, chọn thức ăn, phương pháp huấn luyện...”.
Lê Khai Đông - Hội trưởng Hội Bồ câu đua Q.8 - cho biết: “Để có được những “chiến binh” giỏi, người nuôi phải dành ra rất nhiều công sức và tiền của. Đầu tiên là việc chọn bổn chim (giống chim), phải chọn những bổn tốt, có sức dẻo dai, khỏe mạnh. Kế đến là việc chọn thức ăn, bổ sung đủ chất béo, chất xơ cho chim, không được thiếu hoặc thừa, và quan trọng nhất là phương pháp tập luyện. Thông thường, chim từ 2,5 - 3 tháng tuổi là bắt đầu quá trình huấn luyện. Bước đầu sẽ thả chim xa căn cứ chừng 20 km để chim bay về, sau tăng dần khoảng cách”.
|
Khi chim trưởng thành sẽ cho tham gia các cuộc thi. Ở TP.HCM hiện có khá nhiều cuộc đua chim bồ câu, nên các “chiến binh” có nhiều cơ hội để cọ xát. Khi tham gia đua, mỗi “chiến binh” sẽ được dán một con tem bí mật trên kiềng chân (chủ nuôi chim không biết mã số), đồng thời đóng dấu giáp lai cánh chim vào hồ sơ lưu của ban tổ chức (BTC). Người mang chim đến điểm xuất phát khi đua gọi là nài. Khi chim đua về tới căn cứ, chủ cào tem, ghi số bí mật rồi nhắn tin hay điện thoại cho BTC, nếu mất tem thì chủ nuôi mang chim đến BTC để so dấu giáp lai. Căn cứ vào đó BTC sẽ phân định chiến binh nào về nhất, nhì, ba…
“Khi chiến binh của mình đoạt giải trong các cuộc thi, thì đó là niềm hạnh phúc rất lớn. Công sức của mình đã được đền đáp xứng đáng và anh em trong nghề cũng sẽ ngưỡng mộ mình hơn. Niềm đam mê của người nuôi chim đua là ở đó”, Đặng Quốc Bình - Hội phó Hội Bồ câu đua Q.8 - đúc kết.
|
Mỗi cuộc đua, một căn cứ sẽ cử 2 hay nhiều “chiến binh” tham gia. Khi xuất quân, người nuôi chim nào cũng mong “chiến binh” của mình an toàn trở về và chiến thắng. Thế nhưng có những chiến binh đã “ngã ngựa” trên đường đua do bị chim khác ăn thịt, bị bắn hay bay lạc, cũng có khi do bão đẩy đi, chết do mất sức...
|
Anh Nguyễn Gia Hưng - thành viên Hội Bồ câu đua Q.8 - tâm sự: “Kể từ thời điểm chim được đưa đi đua là lòng như lửa đốt, cả ngày chẳng làm được gì, chỉ ngồi trông ngóng chim về. Trông chim về sớm để đoạt giải cũng có nhưng hơn hết là mong chim trở về an toàn. Nâng niu, nuôi dưỡng một con chim đua ví như nuôi một đứa con tinh thần. Xa hay mất nó đi, lòng sẽ nhớ và tiếc nuối lắm”.
Sẽ tham gia các cuộc đua thế giới
Anh Đặng Quốc Bình cho biết: “Đua chim bồ câu đã có từ lâu tại Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ, Đài Loan, Thái Lan… Ở Việt Nam, chủ yếu là TP.HCM, nuôi chim đua có cách đây gần 20 năm, đầu tiên là khu vực Chợ Lớn do người Hoa sang công tác hay du lịch mang chim theo và truyền lại. Giống chim đua ngày xưa chủ yếu là chim Trung Quốc, Đài Loan. Qua quá trình nuôi, lai tạo giống, hiện nay chúng ta tự hào đã có giống chim đua Việt Nam. Hy vọng trong vòng 3 năm tới, với điều kiện thuận lợi, anh em trong hội sẽ cố gắng đưa giống chim Việt Nam tham dự cuộc thi One Loft tại Thái Lan. Cuộc thi này thu thập giống chim từ khắp nơi trên thế giới, nuôi cùng một địa điểm, khi trưởng thành sẽ cho tham gia đua, thả cùng một điểm, về cùng một điểm (không về từng căn cứ như ở ta). Và chắc chắn, các chiến binh của Việt Nam cũng sẽ tham gia các cuộc đua quốc tế trong thời gian sắp đến”.
Thanh Đông
Bình luận (0)