Tuy nhiên, do sản lượng dừa trong tỉnh giảm mạnh, nhà vườn không đủ hàng cung ứng nên nhiều cơ sở chế biến, kinh doanh vỏ và chỉ xơ dừa phải sang Trà Vinh, Vĩnh Long... thu mua để duy trì sản xuất theo hợp đồng và giữ công nhân.
Ông Nguyễn Văn Nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh vỏ dừa ở ấp Vĩnh Trị (xã Khánh Thạnh Tân, H.Mỏ Cày Bắc, Bến Tre), cho biết trung bình mỗi ngày cơ sở của ông cần đến 24.000 trái dừa để lột lấy vỏ. Nhưng do “gom” hàng tại địa phương không đủ nên gần 1 tháng nay ông phải sang tận H.Càng Long (Trà Vinh) thu mua. Trong khi đó, nhiều nhà vườn ở Bến Tre lấy làm tiếc vì hiếm khi giá dừa ở mức cao như vậy nhưng cây dừa đang kỳ giảm trái.
Theo Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Sở NN-PTNT Bến Tre, toàn tỉnh hiện có khoảng 70.000 ha vườn dừa, năng suất bình quân hơn 600 triệu trái/năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng hạn mặn mùa khô năm 2016 và thời điểm này là chu kỳ “treo trọt” nên năng suất bị giảm từ 50 - 70%, dẫn đến tình trạng khan hàng, sốt giá.
Trong khi đó, khoảng 5.600 ha chôm chôm ở huyện Châu Thành và Chợ Lách (Bến Tre) bị “nín bông”, sản lượng bị sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của những cơn mưa trái mùa từ đầu năm đến nay. Hiện giá chôm chôm Rong Riêng (còn gọi chôm chôm Thái) tại vườn ở Bến Tre lên đến 120.000 đồng/kg, chôm chôm Java cũng cán mức 100.000 đồng/kg - mức giá cao nhất của loại trái cây này từ trước đến nay.
TS Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT H.Chợ Lách, cho biết không chỉ chôm chôm mà sầu riêng, măng cụt cũng bị “nín bông” vì dư âm của đợt thiên tai hạn mặn mùa khô năm 2016. “Muốn cho cây ra trái theo ý muốn, tốt nhất là nhà vườn nên đầu tư mua bạt phủ gốc quanh năm bởi chu kỳ mưa nắng những năm gần đây rất thất thường, khó bề dự đoán”, TS Liêm khuyến cáo.
Hiện toàn tỉnh Bến Tre có hơn 27.000 ha cây ăn trái, sản lượng khoảng 400.000 tấn/năm. Trong đó, tập trung 5 loại chủ lực là bưởi da xanh (chiếm 20%), chôm chôm (20%), sầu riêng (6,7%), nhãn (14,5%), măng cụt (6%)...
Bình luận (0)