|
Chưa đầy tháng tuổi đã "ra chợ"
Chúng tôi gặp bà ngoại của bé Bùm - bà Lê Thị Hương đang lui cui lau rửa mấy sạp cá, sạp thịt cho người ta bên trong chợ. Trên nền xi măng nhèm nhẹp, bé Bùm (tên thật là Huỳnh Thị Thanh Trúc, 6 tuổi) đi tới đi lui ngó chừng bà ngoại xong việc chưa, để cùng về nhà ăn cơm tối. Có khi sốt ruột quá, bé chạy đến ôm chân hoặc nắm vạt áo của ngoại.
Lát sau, chị H.T.T.T (26 tuổi), mẹ của bé Bùm với bụng bầu lặc lè, vác một bao tải đựng ve chai đi vào chợ. Đặt bao phế liệu lên một cái sạp, T.T nặng nhọc đi đến chỗ Bùm đứng rồi lôi trong túi áo một cái kẹp tóc màu đỏ tặng cho con gái. T.T hỏi Bùm: "Con có thích đeo vòng xi men không?". Bùm gật đầu lia lịa. Sau một hồi lục lọi trong bao phế liệu, T.T đưa cho Bùm mấy chiếc vòng đeo tay sáng lấp lánh. Bé Bùm nhảy cẫng lên, gương mặt xinh xắn và ngây thơ tràn ngập niềm hạnh phúc.
"Cha bé Bùm mất dạng từ khi nó còn trong bụng mẹ. Mẹ nó nghiện xì ke, đẻ ra là bỏ luôn cho vợ chồng tui để ra ngoài sống đầu đường xó chợ. Lúc bé Bùm chưa được 1 tháng tuổi, tui đã ẵm nó ra đây, thả nằm trên những sạp trống, vừa làm vừa canh cháu. 5 năm qua, hầu như ngày nào nó cũng theo tui ra đây”, bà Hương ngậm ngùi. Bà nói thêm: “Nó là cháu ruột, mình không thương nó thì ai thương bây giờ? Vợ chồng tui đã già, nuôi được nó ngày nào thì hay ngày đó thôi”.
|
Bà Hương cho hay ngoài bé Bùm, bà còn có một đứa cháu ngoại nữa tên Ni (tên thật là Huỳnh Thị Thanh Mai, 8 tuổi) cũng thường xuyên theo bà ra chợ. Hôm chúng tôi đến thăm, bé Ni bị cảm sốt nên chỉ quẩn quanh trên gác trọ chật hẹp. Cũng như Bùm, Ni không biết mặt cha từ lúc mới chào đời. Mẹ Ni là H.T.T.X, hành nghề bán vé số dạo. Người chồng sau của T.X làm thợ hồ. Cả Ni và Bùm đều gọi người dượng này bằng cha.
|
“Tui dẫn mấy đứa cháu ra chợ kiếm ăn, chứ ở nhà là đói. Bữa nào tui bị bệnh là thua”, bà Hương bộc bạch. Hằng ngày, bà lau dọn hai sạp cá, sạp gà ở chợ và mỗi tháng được trả công 500.000 đồng/sạp. “Ai kêu làm gì thì tui làm nấy. Đôi khi người ta cho ít tiền để mua gạo. Cũng có người cho đĩa cơm hay phần ăn còn lại của họ. Hôm nào rau củ ế, người ta cũng cho về ăn”, bà Hương kể.
Bà Trương Nhật Hưng, một tiểu thương bán thịt ở chợ Tân Định, kể: “Tôi biết bà Hương cả chục năm nay. Bà ấy hiền, siêng làm. Thỉnh thoảng tôi cũng kêu bà làm này làm nọ và cho tiền. Bà có mấy đứa con gái đẹp lắm, nhưng chúng đều gặp chuyện lỡ lầm. Mấy đứa cháu của bà cũng hay lang thang ở khu chợ này”.
Tương lai vô định
Căn phòng trọ khoảng 9 m2 nằm sâu trong một con hẻm nhỏ đường Trần Khắc Chân (P.Tân Định, Q.1) là nơi tá túc của gia đình bà Hương với 7 nhân khẩu. Mỗi ngày, họ chỉ ăn chung với nhau bữa cơm vào lúc 20 - 21 giờ, khi ông Huỳnh Văn Liêu, chồng bà Hương đi làm bảo vệ trở về. Tiếng là chờ nhau về ăn chung, song do nhà quá chật nên nhiều khi mấy đứa trẻ bưng cơm lên cầu thang hoặc lên gác để ăn.
Cái gác cũng rất nhỏ, khá bề bộn với mấy cái bao đựng đồ lặt vặt, 2 chiếc quạt, 1 chiếc ti vi cũ cùng áo quần giăng mắc khắp nơi. Đây cũng là chỗ ngủ của vợ chồng bà Hương và ba đứa cháu (trong đó có cháu bé 10 tháng tuổi, là em cùng mẹ khác cha với Ni). “Tụi tui nằm xếp lớp mới đủ chỗ. Ngặt những lúc mấy đứa nhỏ cựa quậy quá, làm thức cả chùm”, bà Hương bộc bạch.
Theo bà Hương, thu nhập chính trong gia đình là từ lương bảo vệ 2,6 triệu đồng/tháng của chồng bà. Tiền lãnh ra cầm chưa nóng tay, đã “bốc hơi” nhanh chóng: 1,8 triệu đồng tiền thuê nhà, 200.000 đồng tiền điện nước, còn lại mua gạo và chi tiêu dè xẻn hằng ngày.
Giọng nghèn nghẹn, bà Hương tâm sự: “Hồi trước, vợ chồng tui đều làm mướn ở chợ. Sống vất vưởng vạ vật, mấy đứa con gái của tui dính vào tệ nạn, có đứa chết rất trẻ. Sợ mấy đứa cháu cũng bị như vậy, tụi tui đành bấm bụng thuê nhà để có chỗ chui ra chui vào cho an toàn hơn”.
Tuy nhiên, khi hai bé Ni và Bùm lớn lên, hai ông bà lại trĩu nặng âu lo về sự thất học của các cháu. Chạy ăn mỗi bữa đã mướt mồ hôi, nên ông bà dù rất muốn cho các cháu cái chữ song cũng đành bất lực.
Thương hai đứa trẻ lăn lóc ở chợ ngày này qua tháng khác, một người dân đã giới thiệu các bé đến với nhóm thiện nguyện Nụ Cười (Q.1). Nhờ sự quyên góp của Nụ Cười, bé Ni tạm thời được đến trường để học lớp 1. Trong khi đó, bé Bùm tham gia lớp học tình thương của nhóm này. Thế nhưng, đầu năm nay, chính quyền địa phương đã yêu cầu ngưng hoạt động lớp học tình thương do lớp chưa có giấy phép.
Không được đi học, thế giới của bé Bùm lại tiếp diễn trong góc chợ Tân Định, bên cạnh người bà luôn đầu tắt mặt tối mưu sinh. Chợ đời vốn nhiều cạm bẫy, còn cô bé thì hồn nhiên đến nao lòng...
Như Lịch
>> Con cái lượm ve chai, mẹ cha cờ bạc
>> Bà bán ve chai giả làm đại gia lừa đảo vào tù
>> Cụ già nhặt ve chai làm việc thiện
Bình luận (0)