Đưa con đi hết đường đời

06/01/2012 00:33 GMT+7

Bà mẹ ấy có đôi mắt mờ đục, chân khuỳnh ra như thân cây oằn mình trước bão, hai bàn tay run run cầm đoạn cây nhỏ nói với khách: “Vào nhà đi, nó có lên tui dứ cái này là nó không dám làm gì đâu”. “Nó” là cô con gái duy nhất của bà.

Bà mẹ ấy có đôi mắt mờ đục, chân khuỳnh ra như thân cây oằn mình trước bão, hai bàn tay run run cầm đoạn cây nhỏ nói với khách: “Vào nhà đi, nó có lên tui dứ cái này là nó không dám làm gì đâu”. “Nó” là cô con gái duy nhất của bà.

Ngôi nhà nhỏ của bà Trình Thị Ngọc Anh (thường gọi là bà Lộc, 83 tuổi, thôn Lục Lễ, xã Phước Hiệp, H.Tuy Phước, Bình Định) nằm lọt thỏm trong hàng rào dúi dại và mấy liếp rau ngay ngắn. Phía sau giếng, cô con gái đang chăm chú giặt quần áo. Nước trong thau đã chuyển đục nhưng người giặt vẫn mải miết như một cái máy. “Sáng nào nó cũng giặt vậy đó, mà toàn là đồ dơ bẩn lượm ngoài đường, giặt một nước cho có đem phơi rồi mặc”, bà Lộc ngậm ngùi.

 
Bà Lộc với mái đầu trắng xóa vẫn còn phải lo cho cô con gái - Ảnh: Trần Thị Duyên

Con dại cái mang

Năm bà Lộc 25 tuổi, con gái được 3 tuổi thì chồng bà mất. Bà ở vậy nuôi con ăn học. Bao nhiêu cực nhọc từ thời cuộc và hoàn cảnh, bà gánh gồng một cách xuất sắc. Cô con gái nhỏ ngày nào trở thành cô giáo. Ngấp nghé 30 tuổi, cô vẫn chưa chịu gật đầu với ai cốt để báo hiếu với mẹ già ít nhiều trước đã. Nhưng rồi, duyên chưa kịp tới thì từ những mâu thuẫn, bất đồng kéo dài, cô giáo trẻ đã không thể nhẫn nhịn với những điều mà cô cho là bất công từ những người có trách nhiệm khi đó. Uất ức lên đến đỉnh điểm, cô phát điên.

Vậy là bà trở lại việc nuôi và chăm bẵm con như thời trước. Chỉ có điều, nuôi một đứa trẻ dễ hơn nhiều so với việc lo cho một người điên. Hằng ngày, cô con gái tha thẩn nhặt nhạnh rác rưởi, gà vịt trương sình về chất đầy nhà.

Câu chuyện thỉnh thoảng bị ngắt quãng. Bà mẹ lặng lẽ vén tà áo chặm dòng nước rỉ ra trên đôi mắt đục ngầu. “Ngày nào nó cũng chửi um lên, kể cả tui. Làm gì không vừa ý là nó lại cầm dao rượt chém. Hồi nó mới điên, tui còn khỏe, còn chạy kịp chứ bây giờ thì đành để nó chém rồi qua nhờ hàng xóm băng bó lại”, bà Lộc kể.

Dù có bị điên cũng là con

Không chỉ chửi bới, đập phá, người con bị điên của bà Lộc còn đặt ra “luật nhà” hết sức oái ăm. Cô quy định, mỗi ngày mẹ chỉ được ăn một chén cơm, chia ra mỗi bữa nửa chén không hơn kém. Số cơm còn lại trong nồi phải để cô cho… gà hàng xóm ăn (!?). Có người ái ngại: “Sao bà không gửi gạo hàng xóm nấu ăn trước rồi về nhà ăn sau chứ làm nông mà ăn chưa đầy lưng chén?”. Bà xua tay: “Làm mẹ, ai nỡ trốn con mình ăn được. Mẹ mà ham ăn, lén con cũng là một cái tội”. Mỗi bữa cơm bà lại lặng lẽ nhìn con rồi ăn thật chậm “phần được chia” của mình. Cứ thế, tấm thân bà ngày càng khô héo. “Mắt tui mờ rồi, không còn khóc được như trước nhưng nó thì không khá hơn dù đã chạy chữa thầy này thuốc nọ”, bà nói thêm.

Đợi cô con gái bà Lộc đi khỏi nhà, chúng tôi mới được vào xem tận mắt nơi ăn chốn ở của hai mẹ con. Chái bếp trở thành kho chất đồ hằng ngày cô cất công thu lượm. Chiếu rách, rác, bao bì, đồ bẩn… được xếp cao hơn đầu người, chật cả lối đi. Nơi nấu ăn chỉ có một cái kiềng ba chân với mấy que củi vụn. Cạnh đó là chỗ ngủ của cô, chỉ chừng một vòng tay người trên nền đất quanh năm lạnh lẽo. Bà thở dài, giọng buồn như tiếng gió thoảng qua căn nhà cô quạnh: “Nó nằm cong người mà ngủ, nhiều khi ngủ ngồi. Cứ thế đã gần 30 năm rồi...”.

Mấy năm gần đây, bà Lộc không thể làm ruộng như hồi còn khỏe mạnh. Mọi chi tiêu của hai mẹ con đều phụ thuộc trợ cấp hộ nghèo của nhà nước, thỉnh thoảng bà con họ hàng san sẻ ít nhiều. Phải sống cực khổ đến mấy, bà mẹ ấy cũng cam được nhưng “chỉ lo tui chết rồi, nó biết dựa vào ai?”. 

Trần Thị Duyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.