Ngày 30.7 (nhằm ngày 13.6 âm lịch), gia đình đã đưa di cốt nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ về TP.Huế để tổ chức lễ tưởng niệm, an táng.
Sau khi đưa về đến TP.Huế, di cốt của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được an trí tại Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật (VH-NT) tỉnh Thừa Thiên - Huế (số 1 Phan Bội Châu, P.Vĩnh Ninh, TP.Huế) để người thân, bạn hữu, văn nghệ sĩ và công chúng yêu thơ đến viếng, dâng hương tưởng niệm.
Nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết chương trình tưởng niệm vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh Thừa Thiên - Huế và gia đình phối hợp tổ chức từ 14 giờ chiều nay 30.7 đến hết ngày mai 31.7 tại trụ sở Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh.
Những vần thơ ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư, vừa viết tưởng niệm bạn tại Vỹ Dạ ngày 30.7.2023 được ông chép vào sổ tang:
"Nhớ ngày kháng chiến
Cùng ngồi trên núi Kim Phụng
Nhìn về Huế
Chúng ta nói với nhau
Mong ngày đất nước thanh bình lại về với Huế
Hơn 50 năm, cứ thế đi mãi
Người Nam kẻ Bắc
Bây giờ anh chị lại về
Nghỉ lại trên những dãy đồi ngày xưa
Ôm mãi giấc mơ thanh bình cho Huế
Khi lòng mình còn xót xa … "
Ngày 1.8, di cốt của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sẽ được an táng tại nghĩa trang cách sông Hương khoảng 2 km, gần đồi Vọng Cảnh.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ngày 9.9.1937 (quê gốc làng Bích Khê, xã Triệu Long, H.Triệu Phong, Quảng Trị). Ông qua đời ngày 24.7.2023 tại TP.HCM, hưởng thọ 87 tuổi.
Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1978, nguyên Chi hội phó Chi hội Văn nghệ giải phóng Trị Thiên Huế (1969); nguyên quyền Tổng thư ký Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên (1986); nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Trị, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cửa Việt, nguyên thành viên Ban biên tập Tạp chí Sông Hương.
Các tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu (bút ký, 1976); Những dấu chân qua thành phố (thơ, 1976); Rất nhiều ánh lửa (ký, 1979); Ai đã đặt tên cho dòng sông (bút ký, 1986); Bản di chúc cỏ lau (truyện ký, 1986); Người hái phù dung (thơ, 1992); Hoa trái quanh tôi (bút ký, 1995); Huế - di tích và con người (bút ký chính luận, 1995); Người ham chơi (nhàn đàm, 1998); Ngọn núi ảo ảnh (bút ký, 2000); Trong mắt tôi (phê bình văn học, 2001); Rượu hồng đào chưa nhấm đã say (bút ký, 2001); Miền gái đẹp (nhàn đàm 2001); Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường (4 tập, 2002); Trịnh Công Sơn - Cây đàn lya của Hoàng tử bé (bút ký, 2005); Miền cỏ thơm (bút ký, 2007)...
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường được trao Giải thưởng Nhà nước về VH-NT năm 2007; năm 1980, tác phẩm Rất nhiều ánh lửa của ông được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1999 và năm 2007, tập bút ký Ngọn núi ảo ảnh và tập bút ký Miền cỏ thơm được Tặng thưởng văn học Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VH-NT Việt Nam; tập bút ký Ngọn núi ảo ảnh đoạt giải A Giải thưởng VH-NT cố đô Huế (1999 - 2004), tác phẩm Miền cỏ thơm được trao Giải thưởng VH-NT cố đô Huế lần 4 (2005 - 2009) và Tặng thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001. Năm 2015, ông nhận Giải thưởng VH-NT Chế Lan Viên tỉnh Quảng Trị lần thứ nhất.
Bình luận (0)