Theo các thành viên ban tổ chức, một trong những lý do của triển lãm là nhu cầu sử dụng các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng có yếu tố văn hóa truyền thống của người Việt hiện tăng đột biến; trong khi đó, khâu tạo mẫu, tiếp cận công nghệ lại chưa tốt.
|
Thực trạng này dễ dẫn đến sự tràn lan của vật phẩm văn hóa ngoại, cũng như sự xuống cấp và thờ ơ của công chúng đối với giá trị văn hóa truyền thống. Và triển lãm là một trong những giải pháp đưa giá trị văn hóa truyền thống vào đời sống thường nhật của người dân, thông qua việc giới thiệu các di sản mỹ thuật cổ, lấy ý kiến công chúng trước khi sản xuất hàng loạt những mẫu vật phẩm này.
Món quà tặng tổng thống Obama
Ông Trần Thanh Tùng - trưởng nhóm chế tác Circle Group - vẫn còn nhớ cảm giác sung sướng của mình khi nhận tin bức tượng đầu rồng bằng gốm Bát Tràng, do Circle Group chế tác, được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chọn làm vật phẩm lưu niệm tặng Tổng thống Mỹ Barack Obama trong buổi hội kiến vào ngày 23.5 tại VN. Nhà sử học Dương Trung Quốc chính là người đề cử món quà này trong nhiều món quà tặng khác. “Trong nhiều hiện vật được đề cử, chính Thủ tướng đã chọn bức tượng đầu rồng chỉ trước khi buổi hội kiến diễn ra 3 tiếng đồng hồ. Sau này, trong bức thư cảm ơn Thủ tướng, ông Obama cũng cảm ơn về vật phẩm văn hóa đó và mong muốn nhiều người Mỹ hiểu về văn hóa Việt hơn”, ông Tùng nhớ lại.
Cao 36 cm, nặng 6 kg, bức tượng có tên gọi Thông điệp ngàn năm, được sáng tạo trên cơ sở đầu rồng tìm thấy tại khu di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long. Tuy nhiên, nếu đầu rồng tại khu di sản là đất nung thì món quà tặng tổng thống Mỹ được làm bằng gốm với màu men thanh lưu ly. Giờ đây, một phiên bản khác của bức tượng đã được trưng bày trong triển lãm Di sản VN - Góc nhìn mới tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ, Hà Nội) từ ngày 3 - 13.11.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, tại triển lãm này, lần đầu tiên công chúng trong và ngoài nước được thưởng ngoạn Pho tượng Phật hoàng gia - bảo vật quốc gia tượng A di đà được phục dựng hoàn chỉnh với tỷ lệ nhỏ nhất. Cũng trong triển lãm, những đồ án đồ gỗ nội thất mang dấu ấn thời Lý, Trần, Lê, Mạc lần đầu tiên ra mắt. Bên cạnh đó là hàng loạt sản phẩm có tính ứng dụng cao dựa trên nền tảng chất liệu sơn mài, gỗ, đồng... và những hoa văn, họa tiết đặc trưng của mỹ thuật cổ VN.
Ông Đỗ Vũ Lợi, một kiến trúc sư yêu văn hóa cổ, cũng là thành viên ban tổ chức, cho biết triển lãm có khoảng 70 hiện vật lấy mẫu từ mỹ thuật cổ. Trong đó có bức tượng đầu rồng, bảo vật quốc gia - bức tượng A di đà chùa Phật Tích. “Tuy nhiên, bức tượng A di đà này đã được chế tác với bệ khác bệ hiện nay tại chùa Phật Tích. Bệ mới này được làm dựa trên nghiên cứu của Giáo sư Trần Lâm Biền”, ông Lợi chia sẻ.
Đậm bản sắc Việt
Triển lãm cũng có một bức tranh rất đáng chú ý. Đó là phiên bản một đoạn trích của bức họa Trần Nhân Tông có tên Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ. Bức họa được các nhà nghiên cứu đánh giá là đỉnh cao hội họa VN thế kỷ 14. Tác phẩm tại triển lãm được làm với chất liệu khảm trai, chiều dài lên tới 3 m. “Làm rất khó vì nhiều chi tiết, họa tiết. Nhưng được các bác bên Viện Sử học VN trợ duyên, góp ý, tôi cơ bản đã nắm vững các họa tiết hoa văn đó rồi. Hiện tại đã có nhiều người đặt hàng. Giá của tranh thì thay đổi tùy theo từng loại ốc, có thể từ 200 - 500 triệu đồng”, ông Nguyễn Đình Vinh (Tiên Du, Bắc Ninh), tác giả của bức tranh, nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Nam, thành viên ban tổ chức lại vô cùng thích thú với những đồ án sư tử, sấu đá được đưa lên các loại vòng bạc. Theo ông, đây là cách để các di sản mỹ thuật cổ đi vào đời sống ngày càng nhiều hơn.
Một điều đáng chú ý là các di sản mỹ thuật thời Lý rất được ưa chuộng trong triển lãm này. Lý giải điều này, ông Trần Thanh Tùng cho biết: “Chúng tôi muốn giới thiệu mỹ thuật Lý vì nó mang đậm bản sắc Việt. Thêm nữa, những thời kỳ khác chẳng hạn như thời Nguyễn hiện cũng đã có nhiều không gian, di sản được giới thiệu rồi”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình cho rằng các hiện vật ở đây đều mang tính biểu tượng rất cao. “Những hiện vật đều mang đậm truyền thống VN. Cái hay là việc thu nhỏ và thay đổi kích cỡ đã được tính toán sao cho vẫn đẹp, vẫn phù hợp văn hóa. Chẳng hạn, bức tượng A di đà khi thu nhỏ chỉ còn cao độ nửa mét thì hoàn toàn phù hợp với các góc trang trí, trên bàn làm việc, hay góc tâm linh”, ông Bình chia sẻ.
Bình luận (0)