Đưa điện từ đất liền ra đảo

26/02/2015 10:50 GMT+7

'Đây là niềm vui không tả nổi', ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang phát biểu như vậy ngay sau khi đường dây 22 kV từ đất liền ra đảo Hòn Tre chính thức đóng điện trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.

“Đây là niềm vui không tả nổi” - ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang phát biểu như vậy ngay sau khi đường dây 22 kV từ đất liền ra đảo Hòn Tre chính thức đóng điện trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
Đường dây 22 kV xuyên biển từ đất liền ra đảo Hòn Tre chính thức đóng điện - Ảnh: Mai VọngĐường dây 22 kV xuyên biển từ đất liền ra đảo Hòn Tre chính thức đóng điện - Ảnh: Mai Vọng
Đường dây điện vượt biển trên không đầu tiên
Theo Công ty Điện lực Kiên Giang (thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam - EVN SPC), chủ đầu tư, công trình đường dây 22 kV cấp điện cho Trung tâm hành chính H.Kiên Hải gồm có 3 hạng mục: kéo đường dây 22 kV vượt biển; cải tạo và xây mới đường dây điện phía bờ H.Hòn Đất (Kiên Giang); cải tạo và phát triển lưới điện trên đảo Hòn Tre. Tổng vốn đầu tư cho cả 3 hạng mục trên khoảng 78,5 tỉ đồng. Hạng mục chính của công trình là kéo đường dây vượt biển trên không dài 13 km từ đất liền ra đảo, cũng là công trình đưa đường dây điện vượt biển trên không đầu tiên tại VN. Công trình do Công ty CP Đầu tư xây dựng HUD Kiên Giang thi công phần móng và Công ty TNHH Xây lắp điện 2 thi công phần dựng trụ và kéo dây. Phần thi công khó nhất là lắp đặt 27 trụ điện trên biển, trong điều kiện sóng to gió lớn, có lúc phải gián đoạn. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực vượt khó của các đơn vị, công trình đã hoàn thành chỉ sau gần 7 tháng thi công. 2 năm qua, kể từ khi ngành điện và Sở Công thương tỉnh Kiên Giang khảo sát, lập dự án và đặc biệt là từ tháng 7.2014 đến khi đóng điện, lãnh đạo tỉnh và EVN SPC đã quan tâm theo sát, liên tục chỉ đạo để dự án hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2015.
Ông Huỳnh Văn Gành chia sẻ: “Sau sự kiện EVN SPC kéo cáp ngầm ra đảo Phú Quốc thì việc kéo đường dây 22 kV vượt biển ra đảo Hòn Tre (H.Kiên Hải) mang một ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự chăm lo của Nhà nước đối với người dân. Ngoài mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, việc kéo điện quốc gia ra đảo còn gắn liền với giữ vững an ninh quốc phòng”.
Niềm vui có điện
Ông Gành cho biết đảo Hòn Tre cách TP.Rạch Giá hơn 30 km, với trên 4.000 dân sinh sống. Trước khi có điện lưới quốc gia, điện trên đảo sử dụng từ nhà máy chạy dầu diesel do địa phương quản lý và vận hành. Cứ mỗi kWh điện Nhà nước phải bù lỗ từ 5.000 - 6.000 đồng nên có điện lưới quốc gia đã tiết kiệm rất lớn cho ngân sách. Anh Nguyễn Văn Đức, người dân trên xã đảo Hòn Tre, phấn khởi cho biết giá điện trên đảo giảm ngang bằng với đất liền người dân đã vui mừng rồi, nay nguồn cung cấp ổn định hơn khi điện quốc gia được kéo ra đúng dịp tết nên bà con càng vui hơn. Còn chủ một cơ sở sản xuất nước đá trên đảo cho hay có điện lưới quốc gia sẽ đầu tư mở rộng sản xuất, không chỉ cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt trên đảo mà còn cho tàu thuyền đánh bắt cá trên biển nữa.
Nói về kế hoạch kéo điện về các đảo khác trên địa bàn, ông Gành cho biết tỉnh Kiên Giang đã đề xuất với Chính phủ và được chấp thuận. Bộ Công thương cùng với Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã giao cho EVN SPC phối hợp với tỉnh tiến hành khảo sát xong 7 xã đảo còn lại gồm: Lại Sơn, Nam Du, An Sơn, Hòn Sơn, Hòn Nghệ, Hòn Thơm, Sơn Hải (H.Kiên Hải). Việc khảo sát để lập dự án theo chỉ đạo của Chính phủ có thể sẽ chia giai đoạn đầu tư để từ nay đến năm 2020, các xã đảo này cơ bản có điện lưới quốc gia. “Chủ tịch EVN đã nói nếu khoảng cách giữa đảo với đất liền khoảng 30 km, có điều kiện thì đưa lưới điện quốc gia ra. Qua khảo sát của công ty tư vấn thuộc EVN SPC, 7 xã này đều có đủ điều kiện, tuy nhiên do vốn đầu tư lớn nên sẽ phải phân kỳ”, ông Gành chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.