|
Điện khí hóa nông thôn
Thực hiện chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam giai đoạn 2004 - 2010, định hướng đến 2020 theo Quyết định số 176/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó yêu cầu “Đẩy mạnh điện khí hoá nông thôn nhằm góp phần đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn” và “Nhanh chóng mở rộng lưới điện phân phối đến vùng sâu, vùng xa”, ngay từ năm 2006, EVN SPC (lúc bấy giờ là Công ty Điện lực 2) đã nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tranh thủ được nguồn vốn tín dụng 25,3 triệu USD của Ngân hàng Thế giới (WB) dành cho Dự án điện nông thôn RD, qua Hiệp định tín dụng Cr.4444-VN ngày 17.6.2008. Mục tiêu của dự án là khắc phục tình trạng quá tải trong hệ thống phân phối điện ở nông thôn; đảm bảo chất lượng, giảm tổn thất điện năng; củng cố độ tin cậy và an toàn cung cấp điện; nâng cao hiệu quả cung ứng điện trên địa bàn 20 tỉnh thành phía Nam.
Dự án có tổng mức đầu tư 713 tỉ đồng, phục vụ xây dựng mới và cải tạo nâng cấp mạng lưới điện từ 22 kV đến 110 kV, phủ khắp 20 tỉnh thành từ Ninh Thuận đến Cà Mau. Đây được xem là dự án có quy mô lớn, địa bàn trải rộng, tính chất đa dạng và phức tạp, gồm 45 gói thầu xây lắp thực hiện làm 4 giai đoạn (từ cuối năm 2009 đến cuối năm 2012). Với quyết tâm cao của ngành điện cùng sự tích cực ủng hộ của chính quyền địa phương, EVN SPC đã hoàn thành đóng điện 35 km đường dây 110 kV, 80 MVA trạm biến áp 110 kV, 1.191 km đường dây trung thế, 475 trạm biến áp tổng công suất 25.200 kVA, cấp điện cho 1,51 triệu hộ dân nông thôn trên địa bàn 424 xã của 112 huyện, góp phần tăng tỷ lệ điện khí hóa nông thôn từ 92,83% lên 97,52%.
Hiệu quả trên cả mong đợi
Dự án điện nông thôn RD hoàn thành góp phần thực hiện thành công Nghị quyết tam nông của Đảng và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đến năm 2020 của Nhà nước.
Điện lưới quốc gia được đưa đến từng hộ dân vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện thay đổi tập quán và quy mô canh tác, thâm canh, tăng năng suất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác, chế biến thủy hải sản… Riêng tại ĐBSCL, nhờ có điện lưới nông thôn, hơn 500 làng nghề truyền thống được “tiếp sức” để bảo tồn, phát triển và ngày càng khởi sắc. Thành công của dự án còn là minh chứng cho sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ hiệu quả giữa ngành điện và các cấp chính quyền địa phương; sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân thể hiện qua việc hiến đất, cây trồng để xây dựng lưới điện, giữ gìn an ninh trật tự bảo vệ tài sản công trình điện.
Đối với EVN SPC, hiệu quả cao nhất mà Dự án RD mang lại là khơi dậy và hội tụ được sức mạnh tổng hợp cả về nội lực và ngoại lực, vì mục tiêu chung là cung cấp điện cho người dân nông thôn.
Những hiệu quả vượt mục tiêu kỳ vọng của Dự án RD - Sản lượng điện cung cấp tăng từ 4,6 tỉ kWh lên 27,7 tỉ kWh, gấp trên 3 lần so với mục tiêu 8,1 tỉ kWh; - Tỷ lệ tổn hao phân phối điện nông thôn giảm từ 5,42% xuống còn 3% so với mục tiêu 4,11%; - Không còn tình trạng quá tải trên lưới điện nông thôn so với mục tiêu 10% (tỷ lệ lưới điện nông thôn quá tải năm 2008 là 15%); - Giảm tối đa tần suất và thời lượng gián đoạn điện hằng năm trên toàn lưới điện nông thôn, từ 1.954/5.519 xuống còn 328/334 so với mục tiêu đặt ra là 1.283/3.957; - Chấm dứt tình trạng điện áp cung cấp không ổn định so với mục tiêu phấn đấu giảm còn 381/655 tần suất/thời lượng (tình hình năm 2008 là 2.232/3.150 trên toàn lưới điện nông thôn). |
Trần Tiến Sằn
Bình luận (0)