Đưa giáo dục an toàn lao động vào chương trình học

Thu Hằng
Thu Hằng
18/04/2018 08:44 GMT+7

Do thiếu kỹ năng làm việc, thiếu hiểu biết về mối nguy hiểm và rủi ro nghề nghiệp, nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm đã xảy ra, đa phần nạn nhân là những người còn rất trẻ. An toàn vệ sinh lao động tới đây sẽ được đưa vào giảng dạy ở các cấp học.

Hơn 900 người chết năm 2017 vì tai nạn lao động
Đã 2 tháng trôi qua, anh Lê Đức Luân, nạn nhân vụ nổ lò luyện thép ở H.Thường Tín (Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng. Chỉ vì bất cẩn trong công việc, anh đã gây thiệt hại lớn cho công ty, thiệt hại về người cũng không nhỏ. Anh Luân nhớ lại: “Hôm ấy, anh em trong phân xưởng chuẩn bị nghỉ tết. Mình thấy lò yếu rồi, hơi sâu đáy nhưng nghe quản đốc nói không cần phải đầm nữa, cứ lên nấu đi sắp đến giờ về rồi. Khi nghe quản đốc kêu bục lò, mình chạy ra bấm cẩu trút xuống hố xỉ nhưng không kịp, nhanh quá nên lò nổ luôn”.
Sau 2 tháng chữa trị bỏng, đến nay anh Luân vẫn chưa thể cử động như bình thường. Dù sao anh vẫn còn may mắn vì chỉ bị thương nhẹ.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, trong năm 2017, toàn quốc đã xảy ra 8.956 vụ tai nạn lao động (LĐ) làm 9.173 người bị nạn (bao gồm cả khu vực có quan hệ LĐ và khu vực người LĐ làm việc không theo hợp đồng). Trong đó, số vụ tai nạn chết người là 898 vụ, làm 928 người chết.
Là quốc gia có đông LĐ trẻ trong độ tuổi 15 - 24, mỗi năm có hơn 1 triệu người gia nhập thị trường LĐ, VN cũng đã ban hành nhiều chính sách, quy định hướng tới việc đảm bảo an toàn vệ sinh LĐ (ATVSLĐ) cho người trẻ. Tuy nhiên, việc nhận thức, kỹ năng và hiểu biết về việc tuân thủ các quy định về ATVSLĐ của LĐ trẻ vẫn chưa được nâng cao về máy móc, thiết bị bảo hộ.
Thiếu huấn luyện
Tại diễn đàn đối thoại “Cải thiện ATVSLĐ cho LĐ trẻ”, do Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với Tổ chức LĐ quốc tế (ILO) tổ chức ngày 16.4, ông Trần Chí Dũng, Phó giám đốc Văn phòng giới sử dụng LĐ (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết các doanh nghiệp rất thích tuyển dụng người trẻ, nhất là các LĐ học những ngành nghề mới bởi họ có thể chất tốt, khả năng LĐ tốt, học hỏi nhanh, tuy nhiên, so với LĐ có thâm niên, người trẻ còn nhiều hạn chế trong việc nhận diện và đánh giá rủi ro, tính tuân thủ kỷ luật chưa thật tốt.
Ông Nguyễn Anh Thơ, Phó cục trưởng Cục An toàn LĐ (Bộ LĐ-TB-XH), cho hay: “Nhiều người trong độ tuổi LĐ trẻ mắc phải chấn thương nghề nghiệp đặc biệt nghiêm trọng không còn khả năng LĐ hoặc tử vong. Một trong những nguyên nhân chính là không được huấn luyện đào tạo. Mặc dù người trẻ rất nhanh nhạy, thông minh khéo léo nhưng hạn chế trong thái độ tác phong làm việc, do chủ quan làm ẩu làm bừa, làm tắt… đã dẫn tới những trường hợp tai nạn nghiêm trọng thương tâm”.
Bà Miranda Kwong, quyền Giám đốc Văn phòng ILO tại VN, bày tỏ: “Còn đau xót hơn khi chúng ta biết rằng nhiều vụ tai nạn và ca tử vong trong số ấy đã có thể được phòng ngừa và giảm thiểu nhờ sự quyết tâm của tất cả các đối tác và các bên liên quan. Mục tiêu cải thiện ATVSLĐ cho LĐ trẻ chỉ có thể đạt được thông qua những nỗ lực đồng bộ từ nhiều phía, cơ quan quản lý nhà nước, người sử dụng LĐ, người LĐ và các tổ chức đại diện cho người LĐ, tổ chức dân sự, và đặc biệt quan trọng là sự tham gia của thanh niên và tổ chức đại diện cho thanh niên”.
Chương trình đào tạo từ ngoại khóa đến chính khóa
Theo bà Miranda Kwong, khi xây dựng văn hóa phòng ngừa về ATVSLĐ, VN dành sự quan tâm đặc biệt đối với những ngành nghề có nguy cơ cao và đối với nhóm yếu thế, bao gồm lực lượng LĐ trẻ đang làm việc trong các ngành nghề nguy hiểm, độc hại; cho phép LĐ trẻ và tổ chức của họ tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng, triển khai chính sách và các biện pháp phòng ngừa.
Để ngăn ngừa và giảm thiểu tai nạn, tới đây Bộ LĐ-TB-XH và ILO đưa ra chiến dịch hành động về sức khỏe cho LĐ trẻ, cải thiện an toàn và sức khỏe cho người LĐ, thúc đẩy việc làm bền vững của thanh niên. “Bộ LĐ-TB-XH đã phối hợp với Bộ GD-ĐT xây dựng giáo trình về ATVSLĐ cho các bạn sinh viên, học sinh các trường nghề trong một số khối ngành. Tới đây, chương trình ATVSLĐ sẽ đưa vào chương trình ngoại khóa tại trường THCS, THPT và cả những cơ sở đào tạo thấp hơn. Đặc biệt là chúng ta phải trang bị các kỹ năng này trong các chương trình cải cách giáo dục sắp tới, nâng cao các nội dung về kỹ năng sống, trong đó có kỹ năng về an toàn LĐ”, ông Thơ nói.
Lao động trẻ chiếm hơn 15% toàn cầu
Theo ILO, hiện trên thế giới có khoảng 541 triệu LĐ trẻ ở độ tuổi15 - 24, chiếm hơn 15% tổng lực lượng LĐ toàn cầu. LĐ trẻ có tỷ lệ tai nạn LĐ cao hơn 40% so với nhóm LĐ lớn tuổi hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.