Mặc dù nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra nhưng nhiều người vẫn “đùa giỡn với tử thần”, phớt lờ cảnh báo nguy hiểm khi băng qua đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt.
|
Với thâm niên gần 20 năm làm nhân viên trạm gác chắn tàu, anh Lê Trọng Huy (nhân viên trạm gác chắn Kim Liên C, Hà Nội) vẫn chưa thể quên được những lần phải ngăn cản người dân băng qua đường sắt khi đang đóng gác chắn, còi báo tàu sắp tới. Anh Huy kể, một chiều cuối tháng 2.2014, như thường lệ, khi đoàn tàu khách Bắc-Nam chuẩn bị chạy qua khu vực này, hệ thống còi loa báo hiệu, hai nhân viên gác chắn trong ca trực chạy ra thổi còi, kéo barie để đảm bảo an toàn. Trong lúc kéo chắn, dòng người từ hai bên vẫn cố lao qua đường ray để giành đường đi trước. Trong lúc vội vàng, không may một người đàn ông trung tuổi đã bị trượt bánh, mắc kẹt trên đường ray cuống cuồng rồ ga, hô hoán mọi người. Lúc đó, đoàn tàu chỉ còn cách gần 200 m đang ầm ầm lao tới, còi hú đinh tai. Thấy vậy, nhân viên gác trực cùng người dân vội vàng lao ra, nhấc bánh trước, nâng đuôi xe “giải cứu” khi đầu tàu đang trên đà lao đến. Sau giây phút tử thần ấy, sắc mặt người đàn ông tái mét khi vừa thoát chết trong gang tấc.
Anh Huy cho biết, chuyện người dân cố vượt qua gác chắn khi có chuông báo dường như trở thành chuyện diễn ra thường ngày. Thậm chí có nhiều trường hợp khi đã đóng kín chắn, tàu báo gần đến nơi nhưng vẫn cố tấp xe tới, lớn tiếng ra lệnh “mở ra cho tao đi” và sau đó còn văng tục, chửi lại nhân viên gác chắn. Qua quan sát của Thanh Niên, liên tiếp trong các ngày 1- 2.8, tại hầu hết các trạm gác chắn tàu trong nội đô như đường Khâm Thiên, Kim Liên C (Q.Đống Đa), đường Xã Đàn… có vô số các trường hợp thanh niên, kể cả trung tuổi vẫn cố vượt qua đường sắt khi đã có còi báo hiệu, nhân viên trạm chắn đang kéo barie. Mặc dù đã ngăn cản nhưng nhân viên gác chắn cũng bất lực trước ý thức kém của nhiều người.
Nguy hiểm hơn, tại các đường ngang dân sinh qua khu vực đường sắt không có rào chắn, không có nhân viên thông báo… nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập. Ông Trần Xuân Thái (58 tuổi, ở ngõ chợ Khâm Thiên, Q.Đống Đa) có thâm niên chạy xe ôm nhiều năm ở ngõ 222 đường Lê Duẩn cho biết không nhớ rõ bao nhiêu lần đã cứu người đi bộ lẫn xe máy băng qua đường khi tàu lao đến. Theo ông Thái, mặc dù đã có biển cảnh báo “dừng lại quan sát khi qua đường sắt” và còi báo hiệu nhưng nhiều người vẫn phớt lờ. “Mấy anh em chạy xe ôm bao năm ở đây cứu không biết bao nhiêu người. Lúc tàu sắp tới thì hò hét thông báo nhưng nhiều người vẫn cố tình đi tiếp, chúng tôi phải lao tới đẩy hoặc kéo lôi ra. Có nhiều người vô ý thức đến nỗi chúng tôi nhắc tàu thì còn chửi lại "biết rồi nói mãi", ông Thái chia sẻ. Còn bà Hoa, người bán nước ở đây cho hay, nhiều người dân quá chủ quan với tai nạn đường sắt, có người đội mũ bảo hiểm trùm kín tai lơ đễnh dừng lại ngay giữa đường ray để sử dụng điện thoại trong lúc đoàn tàu đang lao tới, cho dù còi báo động kêu, người dân nhặt cả đá lên ném, anh ta vẫn không hay biết, chỉ đến khi được người khác đẩy ra thì mới thoát chết.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, chỉ trên cung đường sắt kéo dài hơn 1 km từ ngõ 222 đường Lê Duẩn tới nút giao Đại Cồ Việt - Xã Đàn có tới gần 10 điểm giao cắt với đường ngang dân sinh (thuộc các P.Khâm Thiên, P.Trung Phụng, P.Phương Liên) do người dân tự mở. Phía trước cửa nhà là cung đường sắt chạy qua vì thế cuộc sống sinh hoạt hàng ngày phải sống chung với tàu hỏa. Một số hộ dân tự ý bắc ván qua đường ray để đi lại, dắt xe, đóng bàn ghế, rửa đồ đạc hoặc đặt bếp lò đun nấu trong đường sắt. Mới đây, ngày 27.6, đoàn tàu khách Bắc Nam vừa rời ga Hà Nội qua cung đường sắt thuộc Khu dân cư số 8 (P.Khâm Thiên, Q.Đống Đa) đã cuốn 9 xe máy vào gầm tàu khi dựng sát đường ray.
Nguyễn Tuấn
>> Tàu hỏa tông chết một nhân viên bảo vệ đường sắt
>> Hà Nội thúc tiến độ đường sắt đô thị
>> Thiếu đèn báo hiệu an toàn đường sắt
>> Đường sắt bắc nam bị sông Lam đe dọa
>> Lại xảy ra tai nạn đường sắt chết người
Bình luận (0)