Những luống hoa đầu tiên được trồng ở Đồng Chè từ giữa năm 1983, sau khi người Đằng Hải (Q.Hải An, TP.Hải Phòng) ra Hoành Bồ khai hoang một thời gian ngắn. Ban đầu chỉ là cúc và lay ơn (giống hoa đẹp và là độc quyền của làng hoa Đằng Hải), dần dần, hồng, huệ... cũng được người Đằng Hải về quê mang giống ra trồng thử nghiệm. Bà Đỗ Thị An, 64 tuổi, người gốc thôn Lũng Đông, Đằng Hải, chủ 2 sào hoa cúc, cho biết nghề trồng hoa là máu thịt của dân Đằng Hải nên ở đâu họ cũng phải trồng hoa.
Đồng Chè có 227 hộ, nhưng chỉ 20% là người bản địa. Học theo người Đằng Hải, người gốc Đồng Chè cũng trồng hoa nhưng có phần lúng túng, họ vẫn trồng các giống lay ơn cây thấp, trong khi người gốc Đằng Hải đã trồng các giống hoa quý như lys, lay ơn các màu đỏ sẫm, vàng… có thân cao, vốn chỉ được trồng ở Đà Lạt.
|
Nhờ cây hoa, từ một vùng núi heo hút, xã Đồng Chè và cả một vùng quê lân cận của H.Hoành Bồ trở nên đô thị sầm uất. Tuy nhiên, với những người Đằng Hải, ký ức của ngày đầu mang hoa từ biển lên rừng vẫn chưa phai nhạt. Khi đó, nơi đây chỉ là rừng núi với vài nóc nhà, vài luống chè được trồng thay phên giậu. Khi mới đến Đồng Chè, mỗi người Đằng Hải chỉ được cấp 15 kg gạo trong 3 tháng, nước mắm, mỳ chính vài tháng mới được phát một lần. Ông Nguyễn Văn Thiệu (83 tuổi, người gốc Lũng Đông) kể lại: “Không có đường nên muốn đến chợ thì vừa đi phải vừa phạt cỏ. Cứ vài ngày lại nghe thanh niên trong xóm bắt được rắn ráo, rắn hổ mang, nhím, lợn rừng”.
Nhưng chỉ sau 3 năm, người Đằng Hải đã khiến dân bản địa phải ngỡ ngàng. Sau khi biến Đồng Chè thành một vựa rau su hào, bắp cải, dưa chuột (những thứ rau chưa từng được trồng tại đây nhưng vốn cũng là thế mạnh của dân Đằng Hải gốc), người Đằng Hải trồng hoa. Ở Đồng Chè mùa hè nóng hơn, mùa đông lạnh hơn, người Đằng Hải rút kinh nghiệm: mùa lạnh trồng hoa sớm hơn, mùa nóng thì muộn hơn, bí quyết thắp điện cho hoa cúc tăng trưởng nhanh cũng được mang từ làng Đằng Hải tới Đồng Chè.
Trồng được cây hoa đã khổ, đem bán hoa cũng vất vả khôn lường, những năm đầu người Đằng Hải ở Đồng Chè phải buộc hoa vào xe đạp, vượt gần 30 cây số, qua phà Bãi Cháy mang sang Hòn Gai bán, đến nơi, hoa héo, phải bán đổ bán tháo. Người Hòn Gai khi đó chưa biết lay ơn là gì nên tưởng là hoa dong riềng, củ lay ơn bị người bản địa trộm về nấu ăn rồi chửi đổng là... hành tây rởm.
Bà Nguyễn Thị Khàn (74 tuổi, gốc Lũng Đông, chủ 5 sào hoa ở Đồng Chè kể): “Chúng tôi đi từ 4-5 giờ sáng, đạp xe 2 tiếng thì đến phà Bãi Cháy thì luôn có một đám đông xúm lại hỏi mua rồi mỗi người cướp một bó chạy mất, mãi mới biết đó là một nhóm đầu gấu, sau dân làng phải đi thành nhóm và đi ngay trong đêm mới thoát”.
Đồng Chè đang vào vụ hoa Tết, đã có những đoàn xe của thương lái về tận vườn thu mua. Tuy nhiên, nghề hoa vẫn vô cùng vất vả, ông Lê Thế Phước (người gốc thôn Lũng Bắc, Đằng Hải), Chủ nhiệm Hợp tác xã rau - hoa Đồng Chè cho biết, nghề hoa không có tết là chuyện bình thường, có năm trời lạnh, Tết đã đến rồi mà cả cánh đồng hoa vẫn chỉ có nụ, có năm trời nóng, hoa nở sớm, người trồng hoa vừa bòn những nụ hoa cuối cùng, vừa làm vừa khóc…
Nguyễn Thúy Hằng
>> Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 16: Trồng hoa giống lạ
>> Chuyên gia Hà Lan giúp người trồng hoa Đà Lạt
>> Nhọc nhằn hoa tết: Hoa cười, người khóc
>> Nhọc nhằn hoa tết: Hồi hộp chờ thành quả
Bình luận (0)