Đưa hoạt động từ thiện về đúng thực chất

29/10/2021 05:52 GMT+7

Trước những “lùm xùm” quanh việc nghệ sĩ, người nổi tiếng làm từ thiện trong thời gian qua, nhiều bạn đọc cho rằng Nghị định 93/2021 vừa được ban hành phần nào đáp ứng được kỳ vọng của dư luận về việc đưa hoạt động từ thiện về đúng nghĩa với tên gọi.

Thanh Niên thông tin, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP (gọi tắt Nghị định 93) về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 11.12 tới, và thay thế cho Nghị định 64/2008/NĐ-CP.

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng mà Nghị định 93 quy định khá chi tiết, cụ thể; trong đó đặc biệt là mở rộng các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện, quy định cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện…

Bên cạnh đó, cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ…

Hành lang để hoạt động từ thiện thêm lành mạnh

Theo bạn đọc (BĐ) Hoàng Anh, Nghị định 93 ra đời rất kịp thời trong bối cảnh nhiều người nổi tiếng, nghệ sĩ bị “gọi tên” phải sao kê, công khai số tiền mà nhà hảo tâm quyên góp. “Có những điều được luật hóa như Nghị định 93/2021 sẽ tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức có tấm lòng thiện nguyện được đóng góp sức mình, cũng tránh được những tai tiếng không đáng có. Quan trọng hơn, số tiền mà các nhà hảo tâm, cộng đồng quyên góp sẽ đến được tay người cần hỗ trợ”, BĐ này ý kiến.

PV Thanh Niên tham gia cứu trợ bà con xã Hải Phong (H.Hải Lăng, Quảng Trị) trong đợt mưa lũ vào tháng 10.2020. Nhiều năm qua, Thanh Niên đã làm công tác từ thiện với số tiền hàng trăm tỉ đồng và luôn đảm bảo tính minh bạch

THANH LỘC

Tự nhận mình là người “rất quan tâm đến vấn đề này và thường xuyên theo dõi các thông tin, cũng như những động thái của cơ quan chức năng trước những tố cáo, phản pháo, chỉ trích qua lại liên quan đến hoạt động từ thiện của một số cá nhân trong thời gian qua”, BĐ Trần Tôn bày tỏ: “Điều mà tôi mong chờ bấy lâu nay cũng thành sự thật. Quy định rõ vậy ai muốn làm từ thiện thì cứ theo đó mà làm. Người có tấm lòng thiện nguyện thực sự không bị tổn thương mà những người cần giúp đỡ cũng được hỗ trợ kịp thời từ cộng đồng”.

BĐ Nguyễn Hữu Thống cũng đồng tình với những ý kiến nêu trên và chỉ ra rằng, làm từ thiện bằng cả tấm lòng, trái tim sẽ luôn tốt đẹp. Theo BĐ này, một số người sử dụng tiền vận động, quyên góp được nhưng lại chậm bàn giao cho đối tượng được hỗ trợ; sử dụng hoạt động từ thiện như một công cụ đánh bóng tên tuổi cá nhân mà không mang lại thực chất cho những người đáng được thụ hưởng… là điều không thể chấp nhận và “Nghị định 93 quy định, khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật) giải quyết khá nhiều những lo ngại liên quan đến tính minh bạch, mục đích” .

Công khai để cộng đồng giám sát

“Khi nhiều người dùng mạng xã hội đòi người này, người kia phải “sao kê” số tiền mà nhà hảo tâm đóng góp để hỗ trợ người gặp khó khăn, tôi đã mường tượng được độ phức tạp của vấn đề. Do vậy, quy định cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện cũng như yêu cầu không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết; có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện… là hoàn toàn hợp lý. Điều này có thể giúp cộng đồng giám sát được mục đích, và hành động thực tế của một người khi vận động, tiếp nhận hiện kim, hiện vật… Đồng thời, tránh được một số người mang danh từ thiện để tư lợi cho bản thân”, BĐ Huy Tân phân tích.

Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí nói về những ồn ào quanh chuyện từ thiện

“Đa số những người phát tâm làm từ thiện đều là người tốt. Nhưng cũng có số ít người vì số tiền quyên góp được quá nhiều, không khỏi khởi phát sự tham lam, làm mất đi ý nghĩa, mục đích kỳ vọng ban đầu. Tôi mong rằng tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp thiện nguyện từ người khác, cộng đồng sẽ thực hiện đúng những quy định này, để hoạt động từ thiện đúng bản chất từ thiện”, BĐ Khuong Nguyen gửi gắm.

* Nếu thực sự muốn đứng ra kêu gọi cộng đồng tự nguyện quyên góp để phân phối nguồn lực đó cho những người cần đến thì không có lý do gì ngại công khai, minh bạch.

Pham Nguyen An

* Sẽ còn nhiều phát sinh trên thực tế trong hoạt động từ thiện, nhưng có thể nói Nghị định 93 là “bộ khung pháp lý” khá rõ ràng để người làm từ thiện thể hiện được những nghĩa cử của mình và có ích cho người gặp khó khăn.

Minh Duy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.