Đưa máy chạy thận lên vùng cao: Nỗi khổ của bệnh nhân vùng núi đi chạy thận

Duy Tính
Duy Tính
15/04/2023 07:35 GMT+7

Đây là chương trình do nhà hảo tâm phối hợp PV Báo Thanh Niên thực hiện, nhằm giúp các vùng sâu, vùng xa có thêm máy chạy thận, để bệnh nhân suy thận mạn được điều trị tại bệnh viện địa phương, không phải lên tỉnh thuê nhà, chờ đợi...

Với người suy thận mạn tính, nếu không được ghép thận thì cuộc sống của họ gắn liền với máy chạy thận. Nhưng con đường đến với máy chạy thận kéo dài sự sống của nhiều bệnh nhân quá gian nan.

Nhiều bệnh nhân (BN) suy thận mạn ở các tỉnh vùng núi Tây Bắc hằng ngày vất vả vượt đường đèo vào các trung tâm tỉnh để chạy thận nhân tạo (chạy thận). Có người phải mang theo cả gạo và thức ăn, thuê trọ ở lại. Cuộc sống của bà con vốn đã khó khăn lại càng khó hơn, dù chi phí chạy thận đã được bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ.

Đưa máy chạy thận lên vùng cao: Nỗi khổ của bệnh nhân vùng núi đi chạy thận - Ảnh 1.

Bệnh nhân chạy thận tại TTYT H.Simacai (Lào Cai)

DUY TÍNH

Uống lá, rễ cây chữa suy thận

Từ TP.HCM, chúng tôi đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) lúc 19 giờ 30 ngày 5.4, di chuyển trong đêm đến trung tâm tỉnh Lào Cai khoảng nửa đêm. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi mất hơn 2 giờ đồng hồ vượt đèo núi để đến Bệnh viện (BV) H.Bắc Hà (Lào Cai). Lúc này đã có 5 BN đang được chạy thận tại đây.

BN Thào Seo Chẻ (36 tuổi) đến BV H.Bắc Hà chạy thận định kỳ, nhà anh cách BV 6 - 7 km. Anh nói mình làm nông, bị bệnh thận 3 năm nay, ban đầu chỉ uống lá cây, rễ cây trị bệnh. Bệnh không hết, thận suy nặng hơn nên anh vào BV chạy thận. Anh nói mình còn may mắn là được chạy thận gần nhà. Còn hàng xóm của anh bị suy thận 10 năm trước phải chạy thận ở BV tỉnh, rất vất vả.

Tương tự, BN Vàng Văn Sương (46 tuổi), bị bệnh thận đã 1 năm qua và cứ cách ngày lại vượt 30 km đến BV chạy thận. BN Sương nói mình cũng từng uống nhiều thứ lá cây, rễ cây trị bệnh nhưng không nhớ tên gì. Ngày đầu BN nhập viện là đi cấp cứu vì bị phù phổi cấp do suy thận không được chữa trị đúng. BN vừa thở máy vừa chạy thận cấp cứu.

Bác sĩ (BS) Nguyễn Như Tuấn, Giám đốc BV H.Bắc Hà, cho biết từ năm 2017, BV đầu tư 2 máy chạy thận, sau đó thêm 3 cái. 5 máy chạy thận cho 18 BN, nhưng 1 máy luôn bị lỗi nên các máy còn lại chạy 2 - 3 ca/ngày, hết công suất. Nếu có máy bị hỏng thì máy còn lại chỉ dành cho người già, còn BN trẻ phải ra BV tỉnh.

"6 năm trước đó, BN phải ra trung tâm tỉnh để chạy thận. Khi chúng tôi đưa được BN về đây chạy thận, nhiều người mừng phát khóc vì được ở gần nhà. Cứ 1 năm xuất hiện 1 - 2 BN mà toàn BN trẻ", BS Tuấn nói và hy vọng BV có thêm nhiều máy chạy thận để BN và cả nhân viên y tế đỡ vất vả.

Đưa máy chạy thận lên vùng cao: Nỗi khổ của bệnh nhân vùng núi đi chạy thận - Ảnh 2.

Trao máy chạy thận cho TTYT H.Sìn Hồ (Lai Châu)

Cạnh H.Bắc Hà là H.Simacai. H.Simacai cách trung tâm tỉnh Lào Cai khoảng 100 km đường đèo núi. Trước năm 2015, BN chạy thận phải lên tỉnh thuê nhà ở lại. Nhưng từ năm 2015, Trung tâm y tế (TTYT) H.Simacai được đầu tư 2 máy chạy thận và năm 2017 đầu tư thêm 3 máy nên BN đã được về nơi sinh sống để chạy thận. Ở giai đoạn đầu, một số BN các huyện lân cận cũng được gửi sang. Đến nay trung tâm có 1 máy hư, 1 máy thì trục trặc liên tục.

"Khi máy móc không có hoặc không đủ thì BN phải lên tỉnh chạy thận với đường đi 100 km. BN đi vất vả, nắng nóng. Tiền xe cộ, ăn ở vài ngày BN còn chịu được, chứ hằng năm thì khó khăn", BS Nguyễn Huy Hà, Phó giám đốc TTYT H.Simacai, chia sẻ.

Theo BS Hà, H.Simacai có 20 BN suy thận, nhưng điều trị tại chỗ chỉ 10 ca, số còn lại gửi qua BV H.Bắc Hà và BV tỉnh. Có giai đoạn máy trục trặc thì trung tâm không dám chạy thận cho BN, máy chỉ để cấp cứu. Vì nếu chạy thận cho BN này thì BN kia khiếu nại, mà chạy hết máy thì không có gì để cấp cứu. "TTYT chúng tôi đang được đầu tư xây mới, khi cơ sở hạ tầng tốt, có máy móc chúng tôi sẽ gọi BN về chạy thận", BS Hà nói thêm. Nhận được máy chạy thận mới, BS Hà nói sẽ thay thế máy bị trục trặc để chạy thận cho yên tâm.

Còn theo BS Phạm Lê Trung, Giám đốc BV Sa Pa, từ năm 2019 BV đã đầu tư 4 máy chạy thận, nhưng chỉ chạy được cho 9 BN, số BN còn lại phải gửi ra BV tỉnh. Bà con ở Sa Pa muốn chạy thận ở địa phương nhưng nơi đây chỉ có 4 máy nên họ phải ra tỉnh thuê nhà ở lại để điều trị tại BV tỉnh. Được tài trợ cho 1 máy, đến cuối năm BV Sa Pa sẽ mua 1 máy nữa thì tổng cộng có 6 máy. "BN đang xếp danh sách xin về. Nếu có đủ máy, BV sẽ chạy liên tục các ngày trong tuần", BS Trung nói.

Vượt đèo đi chạy thận

5 giờ 30 ngày 7.4, bất chấp cái lạnh đầu ngày của thời tiết vùng núi, ông Lầu Chinh Khua (45 tuổi) chạy xe máy vượt đường đèo hiểm trở khoảng 30 km từ nhà đến TTYT H.Sìn Hồ (Lai Châu) để kịp giờ chạy thận lúc 7 giờ 30. Ông cũng vội ăn miếng cơm mang theo để lấy sức.

Nằm trên giường bệnh, mặc dù đã có áo ấm nhưng ông Khua vẫn cuộn mình trong chiếc chăn dày cộm. Ông kể mình phát hiện suy thận mạn 5 năm trước. Khi đó, 1 tuần ông chạy thận 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 ngày nhưng phải chạy thận ở BV tỉnh Lai Châu, cách nhà cả trăm ki lô mét. Vì vậy ông xuống TP.Lai Châu ở luôn, thuê phòng trọ 500.000 đồng/tháng, còn gạo nhà nước cho, ông chỉ mua thêm đồ ăn. Thi thoảng nhớ nhà thì ông lại chạy về rồi quay trở lại BV tỉnh cùng ngày. Một năm ông chỉ về thăm nhà vài bận.

Đưa máy chạy thận lên vùng cao: Nỗi khổ của bệnh nhân vùng núi đi chạy thận - Ảnh 3.

Bệnh nhân chạy thận tại BV H.Bắc Hà (Lào Cai)

"Nhà chỉ có 2 vợ chồng, 4 năm liền tôi không giúp được gì cho vợ vì phải ở xa chạy thận. Nhưng từ tháng 8.2022, TTYT H.Sìn Hồ có 2 cái máy chạy thận, thế là tôi được chuyển về đây luôn. Sáng tôi chạy thận xong thì vội về nhà chăn trâu, cắt cỏ, lượm củi phụ vợ. Chỉ mong ở đây có nhiều máy để chạy thận cho chúng tôi đỡ đi xa", ông Khua nói rồi kéo tấm chăn lên quá nửa mặt vì lạnh.

Nằm giường kế ông Khua là chị Phùng Mý Dao (22 tuổi). Hơn 3 năm trước, khi đang làm việc ở Hà Nội thì chị Dao thấy cơ thể mệt mỏi bất thường nên đi khám, kết quả chẩn đoán chị suy thận, phải chạy thận. Chạy thận tại BV Bạch Mai, xa nhà, lại không có tiền trang trải nên chị Dao được giới thiệu về BV tỉnh Lai Châu chạy thận. Chị cũng phải thuê trọ ở TP.Lai Châu để chạy thận, dù bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ, nhưng chị phải tốn tiền mua thuốc thêm. Nhưng từ khi TTYT H.Sìn Hồ có máy chạy thận thì tháng 8.2022 chị được chuyển về đây điều trị gần nhà.

Cô gái trẻ xanh xao với dáng người yếu ớt cuộn trong chăn, nói mình sau khi chạy thận, về nhà không thể làm việc gì nổi, chỉ trông chờ vào cha mẹ. Ổ bánh mì mua lúc sáng chị Dao để đầu giường chưa kịp ăn vì mệt. Chị nói rất mừng khi nơi chị chạy thận có máy mới, sẽ có thêm người được chuyển về điều trị ở quê nhà, đỡ vất vả thuê trọ như trên thành phố.

Chia sẻ với PV Thanh Niên, BS Hoàng Việt Bắc, Giám đốc TTYT H.Sìn Hồ, cho biết tháng 8.2022 TTYT mới chỉ có 2 cái máy chạy thận. Toàn huyện có 14 BN suy thận, và vì ít máy nên cũng chỉ mới có 3 BN về trung tâm để điều trị. Khi có thêm máy mới vừa được tài trợ, TTYT H.Sìn Hồ xây dựng kế hoạch kêu gọi thêm những BN ở gần về chạy thận. Khi BN về nhiều thì trung tâm sẽ xin làm nhà lưu trú cho BN đỡ vất vả hơn.(còn tiếp)

Bà Lý Thị Na, Phó chủ tịch UBND H.Sìn Hồ, chia sẻ: "Huyện nhà còn rất khó khăn, có tới 43% là hộ nghèo và 11% là hộ cận nghèo. Việc tài trợ máy chạy thận là rất thiết thực với người dân, giúp người bệnh đỡ vất vả hơn. Địa phương, ngành y tế sẽ cố gắng và sẽ đưa máy vào sử dụng hiệu quả".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.