Đua nhau dỡ nhà bán gỗ

03/09/2013 11:00 GMT+7

Nhiều tháng qua, cảnh thương lái nườm nượp vào lùng mua gỗ trắc (loại gỗ quý hiếm, nhóm 2A) trở thành chuyện thường ngày ở xã Ea Tam, H.Krông Năng (Đắk Lắk).

Chỉ cần có thủ tục chính quyền xã xác nhận, kiểm lâm cấp phép, cơ quan thuế thu thuế tài nguyên là hàng chục căn nhà gỗ trắc được tháo dỡ, xếp lên xe tải thoải mái vận chuyển ra khỏi vùng quê hẻo lánh này.

Căn nhà của ông Vi Quốc Chấn ở thôn Tam Lập, xã Ea Tam, giờ chỉ thu nhỏ xập xệ khoảng 20 m2, làm nơi chen chúc ở tạm cho 5 người trong gia đình. Ông Chấn cho biết hai tháng trước, có người tìm đến gạ mua, ông đồng ý tháo gần 20 cây cột gỗ trắc trong ngôi nhà lớn đang ở bán được 700 triệu đồng.

Đua nhau dỡ nhà bán gỗ
Căn nhà gỗ trắc của ông Triêu Văn Đại, thôn Tam Hiệp, đã có người trả 1,4 tỉ đồng nhưng chưa bán - Ảnh: T.N.Q

Dân dỡ nhà cân ký

Dạo quanh các thôn Tam Lập, Tam An, Tam Phong, Tam Thịnh... dễ dàng nhận thấy khá nhiều căn nhà tạm lụp xụp tương tự nhà ông Chấn. Chủ nhân những ngôi nhà này đều vừa dỡ nhà lấy gỗ trắc đem bán. Anh N., người chuyên môi giới mua bán gỗ trắc ở Ea Tam, đã tiết lộ cho chúng tôi giá bán thực của những ngôi nhà cũ. Theo đó, nhà ông Đinh Thiện Sĩ  (thôn Tam Lập) được bán 1,25 tỉ đồng; nhà các hộ Triệu Văn Thịnh (thôn Tam Lập), Hoàng Văn Đông (thôn Tam An) đều có giá 1 tỉ. Khoảng chục nhà bán với giá từ 800-900 triệu đồng, còn 600-700 triệu thì anh N. “không nhớ hết”…

Bất cứ cái gì bằng gỗ trắc cũng đều bán được theo cân ký, cột gỗ đường kính dưới 15 cm có giá khoảng 800.000 đồng/kg; còn trên 15 cm có thể lên tới 1,5 triệu đồng/kg; thậm chí chuồng trâu, trụ tiêu, cọc tường rào, máng heo làm bằng gỗ trắc cũng bán được khối tiền. “Người mua chủ yếu đến từ các tỉnh ngoài, mình cũng không biết họ mua gỗ trắc làm gì, chỉ nghe được xuất sang Trung Quốc. Có thời điểm người Trung Quốc cũng vào tận đây xem hàng. Nghe nói ra khỏi địa bàn tỉnh, giá gỗ trắc cao hơn nhiều so với mua tại đây”, anh N. nói.

Cơn sốt gỗ trắc cũng làm nảy sinh nạn trộm cắp ở vùng quê vốn yên bình này. Cách đây một tháng, nhà ông Đinh Thiện Tú ở gần trụ sở UBND xã có cây gỗ trắc dài 4 m sau hè, ban đêm xích chó canh giữ nhưng vẫn bị trộm đánh bả chó, xịt thuốc mê vào nhà, khuân cây gỗ đi lúc nào không biết…  

Đua nhau dỡ nhà bán gỗ
Khúc gỗ trắc nhỏ này có giá hơn 10 triệu đồng

Huyện thu thuế và... lúng túng

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Kỳ, Phó chủ tịch UBND H.Krông Năng, cho biết đến nay đã có 33 hộ ở xã Ea Tam bán nhà cũ có gỗ trắc đã qua sử dụng, với tổng cộng 55 m3 và 211 kg, huyện thu được 305 triệu đồng tiền thuế. “Việc mua bán gỗ trắc rộ lên thời gian gần đây có dấu hiệu không bình thường, gây dư luận không tốt; người dân bán với giá hàng tỉ, hàng trăm triệu nhưng ngành thuế chỉ tính thuế căn cứ trên giấy tờ thỏa thuận vài chục triệu đồng. Mặt khác, việc tranh mua tranh bán đã ảnh hưởng an ninh trật tự địa phương, gây khó khăn, phức tạp trong việc quản lý tài nguyên lâm sản”, ông Kỳ nhận xét. Ông Kỳ nói chính quyền cũng “khá lúng túng” khi xử lý việc mua bán loại gỗ quý hiếm đã qua sử dụng này, vì ngăn cấm hoặc tiếp tục cho phép đều chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền.

Mới đây, ngày 28.8, UBND huyện ra văn bản yêu cầu chính quyền các xã tạm dừng xác nhận thủ tục bán nhà gỗ trắc của người dân để xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh; đồng thời, thành lập đoàn liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra việc mua bán nhà cũ, các vật dụng bằng gỗ trắc trên địa bàn.

“Xã chỉ ký xác nhận hộ khẩu”

Ông Nguyễn Ngọc Thuận, Chủ tịch UBND xã Ea Tam, cho biết số gỗ trắc xuất hiện trên địa bàn cách đây hơn 20 năm, khi phần lớn dân di cư tự do từ các tỉnh miền núi phía bắc vào lập nghiệp, nhiều người vào rừng chặt cây về làm nhà, trong đó có cả cây trắc. Ngày trước, gỗ trắc chỉ được xem bình thường như các loại gỗ khác, không có giá “trên trời” như bây giờ; thậm chí người dân không thích sử dụng vì gỗ rất cứng.

Ông Thuận cho rằng, căn cứ các quy định của nhà nước về mua bán lâm sản có nguồn gốc từ rừng tự nhiên, UBND xã chỉ ký xác nhận hộ khẩu cho người bán, sau đó chuyển cho cơ quan kiểm lâm làm thủ tục mua bán.

Trần Ngọc Quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.