NHỮNG BÀI HỌC Ý NGHĨA NGÀY TẾT
Từ hoạt động dưới cờ thứ hai đầu tuần, tới các tiết học, các hoạt động giáo dục STEM trong trường, học sinh (HS) Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Q.1, TP.HCM) đã cảm nhận được không khí Tết Nguyên đán 2024 đến rất gần.
Vào buổi sinh hoạt đầu tuần ngày 22.1, các em có hoạt động mang tên "Tìm hiểu về tết". Xuyên suốt trong tuần lễ này, HS có thêm nhiều hoạt động như: "Làm mặt nạ du xuân", "Mbot du xuân" (Mbot là robot thông minh được phát triển theo mô hình giáo dục STEM); hội thi trang trí mai đào; ngày hội gói bánh chưng; hội thi làm video clip "Góc phố ngày tết"…
Từ tuần lễ trước đó, HS có những tiết học STEM mang không khí tết Việt như học cách gói chiếc bánh tét mô hình từ giấy, trang trí tranh ngày tết… Trường cũng tổ chức Hội xuân 2024, có sự tham gia của đông đảo HS, phụ huynh.
Cô Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết việc xây dựng các hoạt động giáo dục trong nhà trường theo chủ đề tết giúp HS hào hứng tham gia. Từ đây, nhiều bài học cho HS về ý nghĩa ngày tết cổ truyền, nguồn cội dân tộc, những nét đẹp của văn hóa VN được thể hiện gần gũi, chân thật. Đồng thời, đây còn là dịp kết nối cha mẹ HS với các hoạt động giáo dục tại nhà trường.
DẠY TRẺ BIẾT SẺ CHIA
Từ ngày 22.1 - 1.2, "Lễ hội mùa xuân" của Trường mầm non Phú Mỹ (Q.7, TP.HCM) tưng bừng diễn ra. Trong lễ hội, giáo viên cùng các em chuẩn bị nguyên vật liệu, sáng tạo nhiều tác phẩm sinh động, như lớp mầm vẽ trang trí heo đất, lớp chồi trang trí chậu cây, còn các bé lớp lá thì vẽ trên túi vải.
Điểm nhấn của lễ hội là các tác phẩm trên sẽ được đấu giá, gây quỹ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Cô Phạm Bảo Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết "Lễ hội mùa xuân" còn có các gian hàng ẩm thực, hoạt động dân gian để phụ huynh cùng vào trường tham gia với các con.
"Chương trình được phụ huynh nhiệt tình ủng hộ, vì vừa giúp trẻ sáng tạo, vừa góp phần giáo dục trẻ tinh thần biết sẻ chia", cô Hạnh nói.
XUÂN YÊU THƯƠNG, TẾT SUM VẦY
HS Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4, TP.HCM) náo nức với nhiều cuộc thi, hoạt động đón tết được tổ chức xuyên suốt đến ngày 2.2. Tiêu biểu như cuộc thi viết "Cảm nhận về tết trong tôi", để các HS vừa thể hiện khả năng văn chương, sáng tạo qua những con chữ và hình ảnh cùng video đính kèm. Mỗi tác phẩm của các HS là những dòng cảm xúc về ký ức tết xưa, mong ước tết nay, nỗi nhớ về những món ăn ngày tết hay những kỷ niệm về tết đoàn viên…
Các HS khối 10 còn có phần thi thiết kế "Cánh thiệp mừng xuân"; khối 11 thi "Trang trí mâm quả ngày tết" hay HS cả 3 khối cùng thi trang trí mai đào, thi trình diễn áo dài với chủ đề "Dịu dàng sắc xuân" nhằm tôn vinh áo dài truyền thống VN. Đáng chú ý, ngày 30.1, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ còn tổ chức chương trình "Xuân yêu thương - Tết sum vầy", trao các phần quà tết cho HS khó khăn.
Thầy Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết các hoạt động ngày tết nhằm tạo không gian mang đậm sắc xuân để HS được vui chơi, giải trí sau thời gian học tập căng thẳng. Đây cũng chính là những tiết học sống động, thực tế nhằm giáo dục HS về văn hóa VN; cho các em cơ hội được kết nối, giao lưu, làm việc nhóm; giáo dục tinh thần đoàn kết, yêu thương và chia sẻ với bạn bè khó khăn tới các thế hệ học trò…
Lồng ghép những bài học ngày tết cho trẻ mầm non
Cô Nguyễn Thị Đoan Trang, chuyên viên Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết dịp trước Tết Nguyên đán là thời điểm ý nghĩa. Thầy cô dạy trẻ không chỉ truyền thống, phong tục VN mà còn nhiều kiến thức, bài học về dinh dưỡng, sức khỏe. Ví dụ, cho trẻ mầm non kể về những hoạt động gia đình thường làm vào dịp tết, đâu là hoạt động con thích nhất…
Đồng thời, giáo viên cho trẻ kể tên những món ăn ngày tết, những món con yêu thích và đặt câu hỏi đâu là những món không nên ăn quá nhiều (như bánh, mứt, kẹo…).
Đồng thời, các giáo viên có thể cho trẻ tham gia các hoạt động, mô phỏng tình huống, trò chuyện với trẻ về cách giữ sức khỏe ngày tết như không thức quá khuya, hôm sau ngủ dậy quá trễ. Đi vui chơi ngày tết cũng phải an toàn, nhận biết những dấu hiệu mình không khỏe và khi bị bệnh thì không được tự ý uống thuốc…
Tất cả những bài học, thông điệp trên, theo cô Nguyễn Thị Đoan Trang, cần được thể hiện nhẹ nhàng, gần gũi, cho trẻ dễ tiếp thu, có thể lồng ghép trong ngày lễ hội tết ở trường, trong phần trò chuyện đầu ngày, trong hoạt động tổ chức tại lớp và trong lúc trò chuyện cuối ngày khi trẻ chờ ba mẹ tới rước…
Bình luận (0)