Đưa tủ sách thiếu nhi đến xứ cù lao

23/07/2024 08:30 GMT+7

Cù lao Tân Lộc (P.Tân Lộc, Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) nằm giữa sông Hậu, cách trở đò giang. Vì vậy, tủ sách thiếu nhi đối với học sinh ở đây vô cùng ý nghĩa khi điều kiện vui chơi của các em có phần hạn chế.

Cù lao Tân Lộc được ví là "hòn đảo" của Cần Thơ. Muốn qua đây phải đi đò, mỗi lượt mất khoảng 10 phút. Trong các trường tiểu học, Trường tiểu học Tân Lộc 5 là "em út" vì mới thành lập vào tháng 11.2021. Dù vậy, ngôi trường này lại được học sinh yêu mến vì nghỉ hè cũng tới lui. Cứ ngỡ là trường mở lớp học thêm, nhưng sự thật là các em đến để đọc sách. Tủ sách là món quà do Thành đoàn, Hội đồng Đội TP.Cần Thơ trao tặng trong hầu hết các Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè 2024. Mỗi năm, có khoảng 10 tủ sách đến với các trường còn khó khăn tại cù lao này.

Nghỉ hè thư viện vẫn mở cửa

Thầy Nguyễn Văn Thương, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Lộc 5, cho biết nhà sách và điểm vui chơi cho thiếu nhi ở cù lao còn thiếu thốn. Có lẽ vì thế mà các em dành nhiều thời gian cho việc đọc sách. Nhà trường nắm được nguyện vọng đó nên nghỉ hè vẫn chia ca trực thư viện 3 buổi/tuần. Tuy có vất vả hơn nhưng thầy cô ấm lòng trong bối cảnh văn hóa đọc đang dần mai một.

Đưa tủ sách thiếu nhi đến xứ cù lao- Ảnh 1.

Các em học sinh Trường tiểu học Tân Lộc 5 đọc sách tại tủ sách Kim Đồng

THANH DUY

Nhìn học trò chăm chỉ đọc sách, thầy cô của trường thầm cảm ơn các bạn thanh niên tình nguyện đã mang đến món quà ý nghĩa này vào ngày trường còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất.

Thầy Thương kể lại: "Trường hoạt động 2 năm thì được tặng tủ sách. Phải nói là rất đúng lúc vì khi đó trường vẫn còn khó khăn nhiều thứ lắm. Nếu không tặng, tôi nghĩ học sinh sẽ còn phải đợi thêm. Có tủ sách, chúng tôi bố trí ngay không gian thoáng mát cho các em vào đọc. Giáo viên có nhiệm vụ quan sát, nắm tình hình các em thích loại sách nào để bổ sung thêm".

Số lượng sách ban đầu là 500, đến nay đã nâng lên 850 đầu sách. Thể loại, nội dung sách về văn học, lịch sử, doanh nhân văn hóa, giáo dục giới tính, truyện tranh, tâm lý học đường, phát minh khoa học, sách tổng hợp… Với học sinh vùng quê, ban đầu ngồi đọc sách là việc khá khó, nhưng nay đã thành thói quen. Giờ ra chơi, các em đến đọc sách rất đông, có ngày không còn chỗ. Nhà trường có câu lạc bộ võ, cờ vua học trái buổi; giờ nghỉ giải lao các em cũng tranh thủ qua thư viện đọc sách.

Lan tỏa văn hóa đọc cho trẻ em

Văn hóa đọc dần lan tỏa phải kể đến sự nỗ lực lớn của thầy cô vì đã tổ chức các chương trình bổ ích nhằm khơi gợi tình yêu sách đến với học sinh. Tiết sinh hoạt dưới cờ mỗi tuần đều có 1 lớp phụ trách tuyên truyền về câu chuyện đẹp, tấm gương sáng, quyển sách hay. Riêng chủ đề "sách hay: mắt thấy - tai nghe" thì gắn với việc sưu tầm, quyên góp sách và trả lời câu hỏi có thưởng để kích thích sự tham gia của các bạn. Bên cạnh sách in, trường còn phối hợp để các em quen dần với sách điện tử đọc trên máy vi tính.

Theo cô Lê Thị Thu Trang, giáo viên Trường tiểu học Tân Lộc 5, các chương trình được tổ chức thường xuyên đã tạo thành một phong trào thu hút nhiều học sinh đến với tủ sách. Sự thay đổi có thể thấy được là nhờ đọc sách, các em hình thành kỹ năng tự học và biết nhiều kỹ năng sống. Các tiết học trở nên thú vị hơn vì không còn truyền đạt 1 chiều mà có sự tương tác sôi nổi. Bởi các em tự tin, mạnh dạn hơn trong đóng góp xây dựng bài, liên hệ những vấn đề mà mình đã đọc nhớ từ tủ sách.

Sắp sách lên kệ, Huỳnh Lê Quỳnh (lớp 4A) kể trước đây mỗi lần xe thư viện lưu động mang hàng ngàn đầu sách đến trường, học sinh xếp vòng tròn ngồi đọc rất vui. Nhưng do thời gian có hạn, xe rời đi khi chưa đọc hết quyển thì rất tiếc. Hiện trường đã có hẳn tủ sách nên không phải lo lắng nữa. "Em thích đọc nhất là truyện cổ tích. Em cũng muốn được như cô Tấm nên phải gắng làm việc gì cũng chăm chỉ, siêng năng, không được lười biếng. Học về thì phụ cha mẹ việc nhà và luôn ngoan ngoãn, lễ phép với người lớn", Quỳnh nói.

Có con đã biết chữ, chị Trần Thị Âu (34 tuổi) vui khi nghĩ con mình rồi sẽ được thụ hưởng tủ sách này. Chị Âu nói nhà ở cù lao, mỗi khi con muốn đọc sách thì buộc phải nghỉ 1 buổi hoặc 1 ngày làm để đưa đi nhà sách, siêu thị (có bán sách); mỗi lần đi là mỗi lần khó, con đến đó thì "mê" không chịu về. Thậm chí, có lúc chị Âu phải đi tới Long Xuyên (An Giang) mới tìm mua được sách phù hợp với lứa tuổi của con. "Ngày nay, trẻ em thường xem điện thoại. Có tủ sách này thì rất hay vì cung cấp kiến thức lành mạnh. Bản thân tôi ủng hộ hết lòng, nếu có sách cũ tôi sẽ quyên góp để tủ sách ngày một đầy đặn hơn", chị Âu bộc bạch.

Theo thầy Nguyễn Văn Thương, học sinh yêu thích, phụ huynh ủng hộ nhưng thầy cô Trường tiểu học Tân Lộc 5 vẫn còn trăn trở. Diện tích phòng đọc sách nhỏ, bàn ghế thiếu, có em phải đứng hoặc nằm đọc sách. Toàn trường có 10 lớp với 309 học sinh. Nhà trường ấp ủ làm không gian đọc sách rộng rãi, thoải mái hơn cho các em. Chỗ đã có nhưng thiếu kinh phí nên chưa thực hiện được. Ngoài ra, đầu sách còn ít so với nhu cầu thực tế trong khi nguồn lực có hạn. Các thầy cô lo lắng nếu sách không được bổ sung mới thì khó thu hút được học sinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.